Liên kết để hội nhập
- Thứ năm - 28/07/2016 05:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sơ chế và đưa nông sản ra thị trường hỗ trợ nông dân tại một hệ thống siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sơ chế và đưa nông sản ra thị trường hỗ trợ nông dân tại một hệ thống siêu thị ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Liên kết - Chậm và lỏng lẻo
Việt Nam đã hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tư do (FTA), trong đó, 8 FTA đã có hiệu lực và đang thực thi. Các FTA thế hệ mới đã kết thúc đàm phán gồm FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo cam kết, đến năm 2018, về cơ bản trong 10 nước ASEAN, mức thuế suất các loại nông sản sẽ bằng 0%, một số mặt hàng còn thuế cũng chỉ khoảng 5%. Đây là một thách thức lớn, nhưng kèm theo cũng là cơ hội nếu xác định chiến lược dài hạn. Ngành nông nghiệp vẫn có thể giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế khi các DN và nông dân biết liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tạo thành chuỗi sản xuất hiệu quả.
Liên kết 4 nhà trong sản xuất nông nghiệp là vấn đề đã được đặt ra từ đầu những năm 2000 với Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu thụ sản phẩm, đến năm 2013 cập nhật bằng Quyết định 62 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Thế nhưng, thực tế đã và đang diễn ra khiến nhiều người lo ngại vì sự hợp tác, liên kết vẫn trầy trật. DN đổ thừa nông dân “bẻ kèo”, dù nhận được vật tư như giống, phân bón… của DN nhưng khi thu hoạch lại bán cho thương lái hoặc DN nào mua giá cao hơn. Nông dân thì lại cho rằng khi giá xuống thấp, DN viện đủ lý do để trì hoãn việc thực hiện hợp đồng. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), DN đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm 1%, mà đại đa số là DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên nguồn lực rất yếu. Với mặt hàng chủ lực và phổ biến là lúa gạo, sau nhiều năm triển khai cánh đồng lớn, hiện nay chưa tới 8% diện tích lúa đông xuân và hè thu được ký kết giữa nông dân với DN; trong đó, thực hiện theo hợp đồng cũng mới chiếm khoảng 50%. Hơn 90% diện tích sản xuất, sản phẩm tiêu thụ qua thương lái, tạo cho nông dân thói quen xấu, trồng theo kinh nghiệm, bán lúa ngay tại ruộng, không cần biết thương lái bán cho ai. Theo nhận định, sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80, tốc độ liên kết giữa nông dân và DN trong sản xuất còn chậm chạp, mức độ liên kết thiếu chặt chẽ. Sự lỏng lẻo trong mối liên kết giữa DN và nông dân chính là nguyên nhân làm suy yếu sự phát triển của ngành nông nghiệp, trong khi sự cạnh tranh ngay trên sân nhà đã cận kề.
Không thể thiếu kinh tế hợp tác
Nhà nước đã có nhiều chính sách tạo hành lang pháp lý thúc đẩy việc liên kết bền vững nhưng khi thực hiện, những chính sách này vẫn còn nhiều bất cập, bộc lộ không ít nhược điểm đòi hỏi cần phải tháo gỡ khi triển khai. Đại diện Cục Trồng trọt cho rằng liên kết là chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế cho thấy sự liên kết còn những khoảng hở pháp lý chưa có quy định chặt chẽ, chưa rõ ràng về trách nhiệm từng bộ phận, chưa giúp nông dân có động lực làm ra sản phẩm tốt hơn cũng như chưa khuyến khích DN mạnh dạn đầu tư. Ông Lê Quốc Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, cho rằng Nhà nước nên có chính sách cụ thể, thiết thực hơn để DN mạnh dạn đầu tư, hạn chế các rủi ro có thể xảy ra. Còn theo bà Bùi Thị Quy, Tổng Giám đốc Công ty Mía đường cồn Vạn Phát (Hậu Giang), sự liên kết hình thành cánh đồng lớn không thể bỏ mặc để DN làm hết mà cần có chính quyền và nhà khoa học hỗ trợ, nhưng quan trọng là sự đồng tình giữa nông dân và DN. Tình trạng được mùa mất giá và ngược lại hiện nay cho thấy, dù có sự liên kết nhưng 2 bên chưa chật sự tin tưởng nhau. Thực tế việc tiếp cận vốn vay của DN với ngân hàng thương mại còn nhiều khó khăn. Việc định giá thấp tài sản khiến DN khó có được nguồn vốn như mong muốn.
Nhà nông phải được đặt trong mối quan hệ chặt chẽ với Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN. Mối liên kết ấy phải thực sự bền vững để nông dân có thể làm ra khối lượng nông sản đủ lớn, đạt tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu. Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), cái khó của DN hiện nay, ngoài nguồn lực hạn chế là sự manh mún trong sản xuất vùng nguyên liệu, để có 1.000ha vùng nguyên liệu thì DN phải ký kết với hơn 1.000 nông hộ. Điều này là không khả thi. Vì vậy, liên kết trên nền kinh tế hợp tác như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, nhất là ở vùng lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long là điều phải làm cho được, đặc biệt là mô hình hợp tác xã kiểu mới làm dịch vụ, liên kết và chế biến, tiêu thụ. Sau thời gian triển khai việc liên kết nông dân để xây dựng cánh đồng lớn, ông Huỳnh Thế Năng đề xuất, để xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân, nên gom vào hai chính sách chính là đầu tư và tín dụng, không đi sâu vào hỗ trợ vật tư nông nghiệp. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng cánh đồng lớn, tín dụng cho DN và nông dân tham gia mô hình sao cho cả hai có thể tiếp cận. GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng nông dân là người đơn độc, sẵn sàng sản xuất ra hàng hóa cho DN khi có hợp đồng. Nhưng trong hội nhập, nông dân không thể sản xuất theo kiểu “lão nông tri điền” mà phải biết và chấp nhận đổi mới, sản xuất theo GAP, theo yêu cầu nghiêm ngặt từng thị trường. Vì vậy, trong liên kết cần có DN phải thật sự xông xáo tìm và nắm chắc thị trường, sau đó ký hợp đồng với nông dân. Khi có sản phẩm đảm bảo sẽ có cơ hội vào thị trường tốt, giúp việc liên kết càng hiệu quả hơn.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phía Nam cho biết, nguyên tắc đầu tiên của ngân hàng là bảo toàn vốn. Có dự án tốt, hiệu quả thì nhiều trường hợp có thể vay vốn đến 90% tổng vốn dự án, thay vì 70% như trước. Nếu vay theo chuỗi liên kết thì có thể không thế chấp, khi ngân hàng giám sát được dòng tiền để vừa đảm bảo tài chính của DN, vừa đảm bảo dòng tiền của ngân hàng. 6 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng NN-PTNT cho vay hơn 10 nhóm chuỗi liên kết với hạn mức trên 2.100 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp vượt 9,3% so cùng kỳ 2015; dự kiến đến cuối năm nay đạt chỉ tiêu tăng trưởng 11% - 13% so năm 2015. |