Liên kết - mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững
- Chủ nhật - 25/08/2013 19:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh Đồng Tháp đang xây dựng Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cách Đồng Tháp tự cứu mình trong bối cảnh nông nghiệp đang ở bước ngoặt cho sự tăng trưởng bền vững nếu có hướng đi đúng, và ngược lại sẽ bỏ lỡ một thời cơ và nền nông nghiệp vẫn tiếp tục bấp bênh qua từng mùa vụ như đã diễn biến trong thời gian qua.
Trong các giải pháp để tái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến mô hình 'Cánh đồng liên kết'. Đây là mô hình bước đầu đang mang lại hiệu quả thiết thực tại tỉnh này.
‘Cánh đồng liên kết’ góp sức phát triển nông nghiệp bền vững
Theo ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, ‘cánh đồng liên kết’ là một mục tiêu quan trọng trong các mục tiêu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Đó là việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, với các mô hình "cánh đồng liên kết", "vườn cây liên kết", "ao cá liên kết", "vùng màu liên kết", gắn kết giữa doanh nghiệp và người nông dân trong từng vùng nguyên liệu thông qua các hiệp hội ngành hàng.
Công ty Tân Hồng là một trong các doanh nghiệp đang liên kết hiệu quả với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại Đồng Tháp |
Nói về tầm quan trọng của mô hình cánh đồng liên kết triển khai ở Đồng Tháp, ông Lê Minh Hoan cho biết: Khác với ‘cánh đồng mẫu lớn’ nhấn mạnh đến phương thức sản xuất, hướng đến qui mô sản xuất lớn, còn ‘cánh đồng liên kết’ nhấn mạnh đến yếu tố "hợp tác" giữa những người sản xuất và mối "liên kết" giữa sản xuất với tiêu thụ, giữa người nông dân và doanh nghiệp, tất nhiên cũng bao gồm qui mô sản xuất hàng hóa. Đây mới chính là mục tiêu của nền nông nghiệp bền vững, chứ không phải dựa trên qui mô lớn hay nhỏ.
Ông Hoan còn giải thích: Chúng ta biết tầm quan trọng của kinh tế hợp tác, như là điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa, cho cơ giới hoá, điện khí hoá, thủy lợi hoá, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhưng nhiều năm phong trào hợp tác vẫn ì ạch, vì lợi ích trong mô hình hợp tác chưa rõ và nhất là không có đầu ra nông sản ổn định. Khi các doanh nghiệp vào hợp đồng tiêu thụ, mặc dù chỉ là bước đầu, nhưng đã kích thích tính hợp tác trong người nông dân, như là một nhu cầu tự thân, gắn với lợi ích từng thành viên.
Hơn nữa, các doanh nghiệp cũng cần có sự hợp tác trong những người sản xuất để có được vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, dễ chứng minh truy xuất nguồn gốc hàng hóa, một trong những điều kiện xây dựng thường hiệu cho sản phẩm. Các doanh nghiệp đã bước đầu đầu tư nghiên cứu khoa học, chủ động tạo ra giống mới, cải tiến qui trình sản xuất, giúp tăng chất lượng, giảm giá thành sản xuất cho người nông dân.
Những tín hiệu tích cực như trên, theo ông Hoan, “chính là khởi đầu cho bước chuyển mình hướng đến nông nghiệp bền vững, khi người sản xuất trả lời được câu hỏi: "trồng cây gì? bán cho ai? bán như thế nào?" và doanh nghiệp cũng trả lời được câu hỏi: "mua ở đâu? mua của ai? mua như thế nào?".
Không có mô hình ‘cánh đồng liên kết’ chung cho cả tỉnh
Mặc dù có những thành công bước đầu thời gian qua ở Đồng Tháp, nhưng để hoàn thiện và hướng tới mục tiêu dài hạn, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, còn một chặng đường dài. Trong đó, “phải nâng dần phương thức liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, để nhìn rõ hơn về các mặt tích cực, hạn chế việc chạy theo phong trào xây dựng "cánh đồng liên kết" như nhiều phong trào đã vận hành trong thời gian qua, cần có những nhận thức lại. Đó là ‘cánh đồng liên kết’ gồm 3 yếu tố quyết định: Hạ tầng cơ sở đồng bộ hướng đến hiện đại; Sản xuất theo hình thức kinh tế hợp tác; Liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định.
Trong đó, ông Hoan đặc biệt nhấn mạnh yếu tố "sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác". Bởi, đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ là điều kiện cần, còn để thành công trong cánh đồng mẫu lớn phải có điều kiện đủ là tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và có doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hoan cũng khẳng định rằng, mô hình kinh tế hợp tác phải được hình thành và phát triển từng bước, từ tổ hợp tác đến hợp tác xã, từ hợp tác xã đơn dịch vụ đến nâng từng bước lên đa dịch vụ. Song hành với quá trình nâng dần từng bước đó là quá trình hỗ trợ nâng cao chất lượng quản trị, tổ chức bộ máy, đào tạo, huấn luyện cho các mô hình kinh tế hợp tác. “Không nóng vội thành lập hợp tác xã khi chưa đủ những điều kiện, nhất là khi người nông dân chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của kinh tế hợp tác và chưa định hướng rõ đầu ra nông sản”- ông Hoan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, để tổ chức hiệu quả, sáng tạo mô hình kinh tế hợp tác ngay trên địa bàn của mình, phải nâng cao năng lực cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở. Như vậy, không chỉ dừng lại trong chủ trương kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ trong ‘cánh đồng liên kết’ như đang làm, trách nhiệm tổ chức lại sản xuất mới là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay của chính quyền và cả hệ thống chính trị Đồng Tháp.
‘Cánh đồng liên kết’ có những điều kiện nhất định về qui mô sản xuất, hệ thống hạ tầng, tính tương đối đồng nhất trong loại hình sản xuất. Vì vậy, xây dựng ‘cánh đồng liên kết’ phải phù hợp đặc điểm riêng của từng địa phương, sẽ không có mô hình chung, không thể mặc "đồng phục" cho tất cả ‘cánh đồng liên kết’, các loại nông sản.
Vì thế, cách làm của Đồng Tháp được ông Hoan lưu ý là: Những nơi có diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, đan xen giữa lúa, màu và cây ngắn ngày, phải khác với những nơi có hạ tầng đồng bộ, qui mô đồng ruộng lớn, những địa phương người nông dân trực canh trên mảnh ruộng của mình sẽ khác với những nơi người sản xuất thuê mướn đất.
Rõ ràng, từng địa phương sẽ cần xây dựng mô hình riêng, phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Xây dựng ‘cánh đồng liên kết’ phải tính đến cơ hội lẫn thách thức, thuận lợi lẫn rũi ro, phải nắm chắc yếu tố thị trường và nhất là tâm lý, tập quán sản xuất của người nông dân. Nói cách khác “sẽ không có mô hình ‘cánh đồng liên kết’ chung cho cả tỉnh./.
Mọi ý kiến đóng góp cho cho lộ trình Tái cơ cấu nông nghiệp, vui lòng nhập vào Ý KIẾN BẠN ĐỌC ngay cuối bài viết hoặc gửi tới hộp thư noidung@vovnews.vn, hay gửi trực tiếp tới hòm thư điện tử của TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn- Trưởng nhóm nghiên cứu “Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030”; Email:dangkimson@ipsard.gov.vn.
Trân trọng cảm ơn!
Nguồn vov.vn