Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Bằng những hình thức hỗ trợ thiết thực như thành lập hợp tác xã (HTX) kiểu mới, ưu đãi vốn đầu tư, liên kết xây dựng vùng nguyên liệu… An Giang ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp (NN). Đó là cơ sở quan trọng để tỉnh phát triển NN ứng dụng công nghệ cao (CNC) và thực hiện đề án tái cơ cấu NN theo hướng hiện đại, bền vững.
Liên kết phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hỗ trợ tích cực

Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư vào NN, đến nay, có 5 dự án với tổng mức đầu tư 567 tỷ đồng đã được UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ đầu tư, trong đó, ngân sách Trung ương (NSTƯ) hỗ trợ 5 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 15 tỷ đồng. Các dự án được hưởng lợi gồm: Trang trại chăn nuôi bò SD (tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, NSTƯ hỗ trợ 3 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng), chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu Antesco (tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng, NSTƯ hỗ trợ 2 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng), hệ thống tháp sấy lúa (tổng mức đầu tư 9 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng), Nhà máy chế biến lương thực Trịnh Văn Phú (tổng mức đầu tư 143 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 5 tỷ đồng), Trại heo CNC Việt Thắng An Giang (tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng, NS tỉnh hỗ trợ 3 tỷ đồng).

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, An Giang đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư Trung tâm heo giống CNC liên kết với Đan Mạch, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xây dựng An Giang trở thành trung tâm sản xuất giống heo của vùng ĐBSCL. UBND tỉnh đang kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ tỉnh trong việc liên kết với Công ty VILOMEX của Đan Mạch để thực hiện dự án đầu tư liên kết sản xuất tinh heo đực cấp vùng với tổng kinh phí khoảng 10 triệu EURO từ nguồn vốn ODA.

Trong thời gian chờ Bộ NN&PTNT thí điểm phân cấp cho UBND tỉnh thực hiện công nhận DN NN CNC, Sở NN&PTNT đang phối hợp xây dựng dự thảo quy trình, bộ hồ sơ thủ tục, các tiêu chí công nhận trên cơ sở bám sát Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14-3-2017, của Bộ NN&PTNT về tiêu chí xác định chương trình, dự án NN ứng dụng CNC, NN sạch, danh mục CNC ứng dụng trong NN và các văn bản liên quan.

Việc phân cấp cho tỉnh công nhận sẽ giúp DN tiếp cận nhanh chóng gói hỗ trợ cho vay theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24-4-2017, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, sẽ xây dựng điều kiện cho vay và phương án cho vay theo hướng đề xuất cơ cấu vốn: 1/3 do Nhà nước hỗ trợ, 1/3 từ vốn vay ưu đãi của ngân hàng, 1/3 là vốn tự có của DN.

Liên kết bền vững

Ông Trần Anh Thư cho biết, hiện nay, tỉnh đang mời gọi Công ty Cổ phần (CP) nông sản Vinacam làm việc với các huyện trong Dự án chuyển đổi NN bền vững (VnSAT) gồm: Tịnh Biên, Thoại Sơn, Châu Phú và An Phú về hợp tác liên kết đầu tư, phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ các DN mở rộng vùng nguyên liệu như: Công ty TNHH Angimex-Kitoku, DNTN Trung Thạnh, Công ty CP Gentraco, HTX Nông sản xanh Cần Thơ, Công ty Lương thực Sông Hậu, Công ty Lương thực - Thực phẩm Tiền Giang, Công ty TNHH MTV Chế biến lương thực Hiếu Nhân…

Nhằm xây dựng đầu mối liên kết với DN theo hướng bền vững, tỉnh đã hỗ trợ thành lập được 7 HTX NN theo mô hình HTX kiểu mới, trong đó có 5 HTX thành lập theo nhu cầu của DN (4 HTX gắn với Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời là HTX Vĩnh Bình, HTX Vĩnh Nhuận (Châu Thành), HTX An Bình và HTX Bình Thành (Thoại Sơn); 1 HTX gắn với Công ty Vinacam là HTX Vinacam - Tri Tôn).

Đối với 2 HTX kiểu mới còn lại cũng thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản với DN gồm: HTX Nông sản an toàn Kiến An - Chợ Mới (tiêu thụ nông sản cho Công ty Antesco) và HTX NN Mỹ Hòa Hưng - TP. Long Xuyên (tiêu thụ nông sản cho Siêu thị Coopmart và Công ty Phan Nam). Qua đánh giá, các mô hình HTX kiểu mới hoạt động ổn định và hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao cho HTX và thành viên tham gia, giúp nông dân giải quyết đầu ra cho nông sản, yên tâm sản xuất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội tại địa phương.

Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, thời gian tới, ngoài tiếp tục bồi dưỡng nguồn nhân lực HTX NN, hỗ trợ thành lập HTX kiểu mới, An Giang còn thực hiện thí điểm mô hình đưa lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX NN, trước mắt sẽ hỗ trợ 66 đối tượng về 26 HTX, đảm nhận vai trò phó giám đốc phụ trách kỹ thuật. “Nhà nước sẽ hỗ trợ trả lương trong 3 năm. Sau thời gian này, những kỹ sư trẻ có thể chọn lựa gắn bó lâu dài với HTX hoặc quay về phục vụ ngành NN tỉnh”- ông Thư chia sẻ.

Nguồn: http://baoangiang.com.vnl