Liên kết phát triển nông nghiệp hàng hóa

Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, dẫn tới phần lớn xuất khẩu thô, thiếu thương hiệu, có nguy cơ mất thị trường nội địa. Vì vậy, việc phát triển hợp tác xã kiểu mới là một yêu cầu khách quan, tất yếu, giúp tăng cao chuỗi giá trị nông sản, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới.

Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo "Tiềm năng đầu tư và triển vọng phát triển thị trường hàng hóa nông nghiệp, nông thôn Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế" ngày 26/11.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đánh giá trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, nông nghiệp Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội và thách thức.

Về cơ hội, các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có tác động rõ rệt đến xuất khẩu (XK) hàng hóa của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang nhiều thị trường.

Thiếu thương hiệu, yếu chất lượng

Ông Khanh cũng cho rằng quá trình hội nhập trong giai đoạn mới này trở nên khó lường hơn với nhiều thách thức. Đó là việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ tăng sức ép cạnh tranh cho nhà sản xuất trong nước, không chỉ về giá mà còn về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiêu thụ nhiều hơn các sản phẩm thịt bò (Australia, Mỹ, EU), thịt lợn (Mỹ, EU), thịt gà (Mỹ), sữa và các sản phẩm sữa (Australia, New Zealand, Nhật Bản)… vốn đang khá được ưa chuộng.

Mặc khác, XK cũng sẽ gặp thách thức trong việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ để bảo đảm quyền lợi hưởng ưu đãi và các quy định của thị trường nhập khẩu.

Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam có tỷ trọng về giá trị XK và vị trí rất cao trên thế giới như: tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, lúa gạo.

Tuy nhiên, thứ hạng về giá XK rất thấp: hồ tiêu xếp số 1 thế giới nhưng giá XK chỉ đứng thứ 8, hạt điều xếp số 1 nhưng giá đứng thứ 6, gạo và cà phê xếp số 2 và 3 nhưng giá chỉ đứng thứ 10. Nguyên nhân là do trên 50% nông sản đang được XK dưới dạng sản phẩm thô.

Hơn nữa, tuy là một trong những nước dẫn đầu thế giới về XK nhiều mặt hàng nông sản nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác… Đây là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp.

Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam mới có khoảng 15% là của các DN trong nước; có đến hơn 80% hàng nông sản được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài. Do chưa có thương hiệu nên khi XK ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.

Cùng với đó, chất lượng nhiều mặt hàng nông sản vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và các yêu cầu kỹ thuật của các nước nhập khẩu.

Tình trạng nông sản vi phạm diễn ra khá phổ biến, ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán trong khu dân cư, theo kinh nghiệm, thói quen, không theo một quy trình sản xuất thống nhất nào…

Thu-tuong-NXP-6096-1543276539.jpg

Cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia

Hợp tác nâng giá trị

Để phát triển nông nghiệp bền vững, đại diện Liên minh HTX Việt Nam cho rằng sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm nông nghiệp chủ yếu là XK.

Vì vậy, việc liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX và sau đó liên kết, kết nối với các DN thì mới có thể đủ năng lực để đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế và tăng giá trị cho chuỗi sản xuất nông nghiệp. Nói cách khác, vai trò và tổ chức liên kết của các HTX với các DN trong xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thực phẩm nông sản là hết sức cần thiết.

"Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc phát triển HTX kiểu mới là một yêu cầu khách quan, tất yếu, điều đó sẽ giúp tăng cao chuỗi giá trị nông sản Việt, đưa nền nông nghiệp Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, tiếp tục bứt phá phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu", Liên minh HTX Việt Nam cho biết.

Kiến nghị giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững, hiện đại thông qua khu vực kinh tế hợp tác và HTX, Liên minh HTX Việt Nam cho biết cần nâng cao nhận thức của người dân và xã hội, hành động của cả hệ thống chính trị thực sự thiết thực về phát triển kinh tế hợp tác, HTX theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xác định đúng vai trò nòng cốt phát triển kinh tế hợp tác, HTX của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong tình hình mới, nhất là trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm. Hình thành các HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị tại địa phương.

Các cấp và các ngành ở địa phương, nhất là cấp huyện và xã, vận động, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, trên cơ sở vận động; liên kết hộ sản xuất với DN chế biến, tiêu thụ hàng hóa; khuyến khích và hỗ trợ các HTX nông nghiệp thành lập các liên hiệp HTX không giới hạn về quy mô, địa bàn…

Cùng với đó, để xây dựng chuỗi giá trị không thể thiếu vai trò của DN, tuy nhiên hiện nay DN còn gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho biết những khó khăn lớn nhất mà các DN nông nghiệp gặp phải là tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm nguồn vốn và biến động chính sách, pháp luật…

Trước thực tế trên, bà Tâm cho rằng Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích đối với các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp về nguồn vốn, lãi suất, thuế mềm dẻo và linh hoạt đối với từng chương trình dự án cụ thể. Tăng cường xúc tiến thương mại, trao đổi hàng hóa, quản lý thị trường, chú trọng chính sách hỗ trợ tiêu thụ việc từ cung cấp cây, con giống đến chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, nhất là nông sản tiêu thụ theo mùa vụ, vùng miền.

Đồng thời, Nhà nước hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia có quy mô lớn; tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng và hiệp hội ngành hàng trong việc quản lý, kiểm soát và phát triển chỉ dẫn địa lý.

Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH&ĐT), đề xuất xây dựng Luật Khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay đã có Nghị định 57/2018/NĐ- CP, tuy nhiên vướng mắc luật về thuế, Luật Đất đai nên bị nhiều giới hạn.

Lê Thúy/https://thoibaokinhdoanh.vn

PGs. Ts. Nguyễn Văn Sánh - Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL - (Đại học Cần Thơ)

Cần rà soát và phát triển chính sách để kêu gọi đầu tư vào nông nghiệp. Đặc biệt, tạo cơ hội cho nông dân tham gia thị trường qua phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới, để nông dân có cơ hội kết nối thị trường. Vai trò HTX nông nghiệp kiểu mới trong hoạt động sản xuất và phân phối thị trường rất quan trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam

Cấp ủy và chính quyền các địa phương cần ban hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ bằng nguồn lực của địa phương cho các HTX nông nghiệp. Đồng thời chủ động nắm bắt nhu cầu, khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời đối với từng HTX. Tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX nông nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính về đầu tư, thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh; tích tụ và tập trung ruộng đất; thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia hội đồng quản trị, giám đốc HTX nông nghiệp.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT

Trong XK hàng hóa nông sản có ba vấn đề lớn là: chất lượng, thương hiệu và giá trị. Chất lượng nhiều mặt hàng đứng đầu nhưng phát triển thương hiệu và chi phí giá thành cần phải cải thiện để làm sao hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường trên thế giới. Muốn như vậy, người nông dân phải thấy rằng cần thiết tham gia HTX – tổ chức đại diện quyền lợi cho người nông dân, qua đó tham gia vào chuỗi giá trị.