Liên kết trong nông nghiệp còn rời rạc

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) Cao Đức Phát về chính sách cho ngư dân, nhiều ĐB bày tỏ băn khoăn: Vì sao chính sách đánh bắt xa bờ chậm triển khai?

Ngư dân tiếp cận vốn vay quá ít

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa-Vũng Tàu) truy trách nhiệm của Bộ trưởng. Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Thực tế chúng ta đã có chủ trương, chính sách này từ lâu, hiện đang tiếp tục thực hiện chính sách này. Tuy nhiên, để đánh bắt xa bờ phải có tàu. Bộ trưởng cho biết và nói thêm, trước khi NĐ 67 ra đời ngư dân tự mình đóng tàu; còn sau khi Nghị định ra đời, Chính phủ đã vào cuộc hỗ trợ trực tiếp. Kết quả, "Số lượng tàu đã tăng lên rất nhiều. Khi tôi nhận nhiệm vụ được thông báo là hơn 20 nghìn chiếc thì đến hết tháng 5 này là hơn 30 nghìn chiếc tàu. Mã lực bình quân đã tăng lên là 122 mã lực/tàu.”

Về giải pháp cho giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Hiện Chính phủ đang nỗ lực ủng hộ ngư dân phương tiện và kỹ thuật đánh bắt hiệu quả hơn. Vấn đề của chúng ta là trữ lượng cá xa bờ có hạn nên có chủ trương giúp ngư dân khai thác lâu dài.

Cũng chất vấn Bộ trưởng Bộ NNPTNT liên quan đến chính sách với ngư dân, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) quan tâm nhiều đến nguồn vốn cho ngư dân để làm sao, người ra khơi không phải phụ thuộc nhiều vào thương lái.Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã có chủ trương ban hành Nghị định 67/2014/NĐ-CP hỗ trợ ngư dân, cho ngư dân vay vốn ra khơi sản xuất. Nếu ngư dân chủ động được từ nguồn vốn của Nhà nước, thì khi ra khơi sẽ không phải phụ thuộc vào thương lái. Thực hiện Nghị định này, tới nay đã có nhiều ngư dân được vay vốn với số lượng là 23 tỷ đồng. Đưa ra giải pháp để tiếp tục thực hiện chủ trương này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: "Sẽ hình thành tổ đội sản xuất, hệ thống dịch vụ hậu cần và phát triển mạnh hơn hệ thống chế biến để trực tiếp thu mua sản phẩm cho ngư dân.”

Chia sẻ với các ĐBQH, người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết, nỗi lo lớn nhất của ông cũng chính là khâu tiêu thụ; còn cái khó lớn nhất là chế biến sau thu hoạch chưa theo kịp sản xuất, khiến cho trong nhiều trường hợp nông dân phải bán nguyên liệu thô nên giá thấp.

"Làm thêm một cân gạo, một cân tôm phải tính đến xuất khẩu; nhất là trong hội nhập, trong đàm phán. Lĩnh vực thế mạnh của ta là trồng trọt, nhưng chăn nuôi lại không o có thế mạnh nên phải đánh đổi. Tôi đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn: Ở đâu có giống tốt đưa vào Việt Nam, các Viện ngiên cứu phải đưa về những cái gì tốt nhất của thế giới, nâng cao trình độ công nghệ của ta.” - Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết và nhấn mạnh thêm: Khoa học kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất là hai điều quan trọng nhất.

Không liên kết 4 nhà, nông dân sản xuất theo phong trào

Đó là ý kiến được ĐB Nguyễn Ngọc Phương thẳng thắn nêu lên. Theo ĐB này, đây chính là nguyên nhân quan trọng của tình trạng "được mùa rớt giá” liên tục xảy ra. Trả lời ĐB, Bộ trưởng Phát cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ NNPTNT, chính quyền các cấp rà soát quy hoạch để có hướng cho nông dân sản xuất những cây trồng vật nuôi có khả năng cạnh tranh tiêu thụ, hỗ trợ nông dân kỹ thuật, vốn để có sản phẩm có năng suất cao hơn và giá thành hạ hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay với yêu cầu phải phát triển mạnh hơn 2 thành phần trong chuỗi giá trị là các tổ hợp tác, HTX và các DN. "Khi phát triển theo chuỗi như vậy với sự gắn kết, sự tự phát của nông dân sẽ hạn chế và nông dân sản xuất ổn định hơn”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bấm nút chất vấn Bộ trưởng, ĐB Nguyễn Văn Tuyết nhận xét thẳng thắn: Mục tiêu liên kết 4 nhà, theo như ĐB, đến nay đã thất bại hoặc đã bị lãng quên. Nguyên nhân là gì và giải pháp đột phá trong thời gian tới? Trong 4 nhà nhà nào là nhà trưởng và trụ cột của 4 nhà là nhà nào?

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, thực ra việc liên kết đã thực hiện khá phổ biến như trong lĩnh vực mía đường; nhưng với lĩnh vực không gắn tiêu thụ với sản xuất thì liên kết lỏng lẻo hơn- Bộ trưởng thừa nhận.

Giải trình thêm, Bộ trưởng nói: Vừa qua Nghị định 62 đã được thực hiện để việc liên kết thực hiện mạnh mẽ hơn. Đã có hơn 100 DN liên kết với nông dân trên diện tích 72 nghìn ha nhưng chỉ có 45 nghìn ha là liên kết đến có kết quả; còn diện tích còn lại là bỏ cuộc giữa chừng.

Về vấn đề ĐB hỏi, trong liên kết thì ai là chính? Tôi xin trả lời: DN là chính. Nhưng vì sao vừa qua liên kết chưa thành công. Tôi cho, đó là do "DN tham gia còn ít. Vì, DN thực sự muốn liên kết, có năng lực tài chính, có kho tàng, cơ sở chế biến liên kết lại không nhiều.” Yếu tố nữa quan trọng là sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của địa phương, có tỉnh thành lập ban chỉ đạo nhưng làm được điều đó rất ít. Theo thống kê, chưa đến 10 tỉnh. Vì thế, theo tôi, nếu để việc liên kết thành công thì công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. – Bộ trưởng cho hay.

 

Năm 2015: Tỷ lệ chi cho nông nghiệp là 41,8%

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong những năm vừa qua, trung ương và địa phương đã tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Tốc độ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn tăng cao hơn so với tăng chi ngân sách Nhà nước. Năm qua tăng chi cho nông nghiệp, nông thôn 20,1%/năm, trong khi tăng chi ngân sách nhà nước 16,1%/năm. Và tỷ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn trong tổng chi ngân sách nhà nước tăng từ 32,8% năm 2008 lên 41,3% năm 2013 và năm 2015 là 41,8%/năm. Chính sách tài chính với nông nghiệp nông thôn có nhiều chính sách từ hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp qua chính sách thuế. Trong tình hình ngân sách khó khăn, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn như vậy tôi cho là thỏa đáng. Về hỗ trợ lúa cho đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các địa phương. Đến nay đã có Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang và Cà Mau đã có báo cáo và Bộ đã chi cho các địa phương 55,5 tỷ đồng. Các địa phương chưa có báo cáo thì bộ sẽ xử lý tiếp theo, khi có báo cáo của các địa phương sẽ xử lý ngay.

 

Nhóm phóng viên TS-CT
theo daidoanket