Liệu có tiếp cận vốn tốt hơn?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn với nhiều điểm mới, trong đó có việc dự án liên kết nông nghiệp được vay vốn 70-80% không cần thế chấp.
Đầu tư cho nông nghiệp để thêm điều kiện cơ giới hóa
Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định 55) được kỳ vọng là kíp nổ kích tín dụng cho lĩnh vực tam nông. Điểm đặc biệt của Nghị định 55 đã nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo (không thế chấp) lên mức tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình (Nghị định 41 là 50 triệu đồng); 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh (Nghị định 41 là 200 triệu đồng); 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại (tương ứng trước đây là 500 triệu đồng). Quy định mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với một số lĩnh vực đặc thù có nhu cầu vốn lớn trong sản xuất nông nghiệp như đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng, khai thác thủy sản xa bờ, cung cấp dịch vụ hậu cần nghề cá... cao hơn các lĩnh vực khác. Chẳng hạn với những dự án ứng dụng công nghệ cao hay đối tượng tham gia chuỗi liên kết, có thể được vay không có tài sản đảm bảo đến 70 - 80% giá trị phương án, dự án sản xuất, kinh doanh.
 
Đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào tam nông là một trong những định hướng lớn của Ngân hàng Nhà nước. Nông nghiệp nông thôn được xác định là bệ đỡ của nền kinh tế, vì vậy theo chỉ đạo tập trung nhiều nguồn lực để nông nghiệp phát triển bền vững. Nhiều điểm mới trong Nghị định 55 được nhìn nhận là nỗ lực đưa vốn đến cho nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian gần đây, cầu tín dụng cũng đang có tín hiệu nóng trở lại. Số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 4,82% so với cuối năm 2014, cao hơn nhiều mức tăng 1,3% của 5 tháng đầu năm 2014. Dòng tiền đã chảy vào một số lĩnh vực chủ chốt.
 
Song điều đáng bàn, nghị định có, quyết tâm có nhưng  vốn có đến được tay nông dân? Ngân hàng có vốn nhưng liệu có giải ngân vốn dễ dàng cho nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp khi có tài sản thế chấp đã khó vay. Chưa kể, nợ xấu vẫn là "thòng lọng” treo trên đầu ngân hàng, nếu cho vay một khoản tiền lớn mà không tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ xử lý sao?
 
Bà Lưu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH An Lộc Sơn- một DN sản xuất, xuất khẩu chè nổi tiếng ở Thái Nguyên từng cho rằng, dù hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, song DN này vẫn đang phải vay vốn của Vietinbank, MB, SeABank với lãi suất ngắn hạn khoảng 10%/năm. Và việc vay vốn, theo bà Tuyết, là không hề dễ dàng. "Nhiều đối tác của tôi, ngay tại Hà Nội than rằng, vay vốn rất khó khăn. Bản thân tôi vay vốn cho một dự án khác ở Đông Anh (Hà Nội) cũng thấy rất vất vả”.
 
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, những điểm mới được sửa đổi trong chính sách ưu đãi tín dụng cho tam nông là rất tốt, đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của số đông các hộ nông dân. Nhưng lâu nay, nhiều chính sách ưu đãi thường bị "đánh giá” là mang tính "hô hào”, khó thực hiện. Do đó, phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân, của xã hội. Theo ông Hiếu, muốn cho những quy định này đi vào thực tế cần phải thành lập và mở rộng ngay các quỹ bảo lãnh trong nông nghiệp. Lâu nay chúng ta mới chỉ phát triển quỹ bảo lãnh trong lĩnh vực sản xuất, nay cần mở rộng thêm nữa trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các quỹ này sẽ làm nhiệm vụ bảo lãnh cho các khoản vay của nông nghiệp, nông dân. Đặc biệt quỹ này cần một số cơ chế riêng, tiêu chí riêng  để hoạt  động hiệu quả. 
 
Trong khi đó, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, Nghị định về cơ chế cho vay mới đã đáp ứng được nhu cầu vay vốn của người nông dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. 
 
T.Hằng
theo 
daidoanket