Linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn

Linh hoạt lồng ghép các nguồn vốn
Bốn năm qua, việc huy động, sử dụng vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh đã bộc lộ không ít tồn tại, nhất là trong khâu giải ngân và lồng ghép các nguồn kinh phí khác. Vì vậy, thời gian tới, việc lồng ghép, huy động các nguồn vốn phải được chú trọng và thực hiện linh hoạt.

Những tồn tại

Ông Thân Đức Sửu – Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, dù những năm qua chính quyền các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhưng nhìn chung việc sử dụng nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM vẫn còn bất cập, nhất là việc giải ngân. Theo ông Sửu, năm 2010 trở về trước, vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương và vốn chương trình mục tiêu quốc gia nếu không giải ngân hết trong năm thì được phép chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ, kể từ năm 2011 trở đi, vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho chương trình mục tiêu quốc gia nói chung và vốn chương trình NTM nói riêng đều có thời gian giải ngân đến hết ngày 30.6 năm sau. Địa phương nào không giải ngân theo đúng thời gian quy định trên thì phải nộp về lại ngân sách trung ương số tiền đã cấp mà “xài” không hết.

Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng giao thông.Ảnh: N.S
Lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để xây dựng hạ tầng giao thông.Ảnh: N.S

Thực tế cho thấy, từ năm 2011 - 2013 Quảng Nam còn hơn 5 tỷ đồng chưa giải ngân bị dừng thanh toán, phải nộp trả ngân sách trung ương. Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, đến ngày 28.2.2015, tỷ lệ giải ngân vốn chương trình NTM năm 2014 của Quảng Nam là 92%. Các huyện như Quế Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Tây Giang đều giải ngân đạt 100%. Trong khi đó, một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp như Nông Sơn 59%, Tam Kỳ 74%, Núi Thành 80%. Ông Sửu cho biết thêm, thời gian qua công tác phân bổ vốn cũng còn một số vấn đề mà các huyện, thị xã, thành phố cần rút kinh nghiệm. Chẳng hạn như, sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ, vốn trái phiếu chính phủ chưa đúng nguyên tắc theo quy định tại Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn thiếu tập trung, mang tính dàn trải. Một số địa phương chưa bố trí đủ vốn đối ứng mà chủ yếu phân bổ từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ. Ngoài ra, không ít công trình dự án được phê duyệt với quy mô quá lớn gây lãng phí và thiếu vốn thanh toán cho đơn vị thi công, trong khi có nhiều dự án được ghi vốn quá nhỏ...

Huy động các nguồn lực
Về huy động nguồn lực lồng ghép, nhiều ý kiến đề nghị ngân sách nhà nước cần bố trí đủ vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình để thực hiện các nội dung theo Quyết định số 800 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương gồm hỗ trợ trực tiếp từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế, hỗ trợ qua cơ chế để lại số thu quyền sử dụng đất cho các xã xây dựng NTM… Bên cạnh đó, cần tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn nhằm tăng cường nguồn vốn lồng ghép từ doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cần ban hành chính sách đặc thù thu hút doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp và chú trọng công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp sử dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động, kinh tế nông thôn. Đặc biệt, nhất thiết phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, hiến đất, hoa màu xây dựng các công trình NTM. Chính quyền cấp huyện, xã cần quan tâm thu hút sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài thông qua việc cải thiện môi trường đầu tư ở nông thôn cũng như xây dựng và công khai các kế hoạch, các dự án cụ thể theo từng năm để huy động nguồn lực cho xây dựng NTM.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & đầu tư, 4 năm qua việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho chương trình NTM cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Rõ nhất là việc huy động các nguồn vốn chưa đảm bảo cơ cấu, cụ thể như vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chỉ chiếm tỷ lệ 5%, trong khi đó theo quy định là 17%. Tương tự, vốn huy động từ các doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ khoảng 1,7% so với quy định là 20%. Vốn đóng góp của cộng đồng dân cư cũng chưa cao, chỉ chiếm 4,1% so với quy định là 10%. “Ngoài vấn đề vừa nêu thì cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ những chương trình, dự án khác cũng chưa rõ ràng. Mặc dù ngày 1.7.2013 UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2366 về việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình NTM trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2013 - 2020 nhưng việc triển khai trên thực tế hết sức khó khăn. Nguyên nhân là mỗi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu đều có cơ chế quản lý, cơ chế giải ngân khác nhau nên rất khó lập kế hoạch lồng ghép vốn vào chương trình NTM” - ông Thanh nói.

Lồng ghép các nguồn vốn

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh đã dự trù nguồn vốn từ ngân sách bố trí cho chương trình NTM là 1.100 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 800 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 300 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Tuy nhiên, khả năng ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình này vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu nguồn lực cần thiết để phấn đấu thực hiện mục tiêu 50% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Vì vậy, cần có giải pháp huy động tối đa các nguồn lực lồng ghép cho chương trình NTM. Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh, dự kiến các nguồn lực có thể huy động lồng ghép từ ngân sách trung ương là chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững bao gồm nguồn vốn của chương trình 135, chương trình 257 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn khoảng 797 tỷ đồng; nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho các huyện nghèo 771 tỷ đồng; chương trình cấp điện nông thôn - miền núi 550 tỷ đồng; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn 140 tỷ đồng. Còn đối với ngân sách tỉnh, có thể lồng ghép đầu tư cho chương trình NTM thông qua các đề án do HĐND tỉnh đang thực hiện hoặc dự kiến sẽ ban hành trong giai đoạn 2016 - 2020 như hỗ trợ thi công những tuyến đường huyện 800 tỷ đồng và xây dựng trụ sở cấp xã 250 tỷ đồng.

Từ năm 2011 - 2014 Quảng Nam đã đầu tư ít nhất 12.852 tỷ đồng cho chương trình xây dựng NTM. Trong đó, vốn trực tiếp từ ngân sách 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) hơn 640 tỷ đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án khác 3.080 tỷ đồng, vốn tín dụng 8.384 tỷ đồng, vốn huy động doanh nghiệp và hợp tác xã 222 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp 526 tỷ đồng. Với số tiền trên, 4 năm qua ngoài việc tập trung hỗ trợ khâu quy hoạch và phát triển sản xuất thì tỉnh dành phần lớn kinh phí cho việc thi công kết cấu hạ tầng. Theo đó, tiếp tục bê tông hóa và cứng hóa 4.338km giao thông nông thôn, nội đồng; xây mới và nâng cấp, sửa chữa 14 hồ chứa nước; thi công 187 công trình thủy lợi nhỏ, 129 công trình thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa 177km kênh mương. Đồng thời kéo 58km đường dây trung áp, 742km đường dây hạ áp, lắp đặt 201 trạm biến áp và hơn 25.000 công tơ để phục vụ nhu cầu sử dụng điện của cư dân nông thôn. Ngoài ra, toàn tỉnh cũng xây dựng 79 nhà văn hóa, sân vận động cấp xã và xây mới, nâng cấp 23 chợ nông thôn. Đặc biệt, hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo xóa hơn 18.000 nhà tạm.

Ông Thanh cũng cho rằng, quan điểm thực hiện lồng ghép các chương trình là phải lấy nhiệm vụ xây dựng NTM làm trọng tâm, tức là phải lồng ghép các nguồn vốn từ những chương trình, dự án khác vào chương trình NTM để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc lồng ghép phải được thực hiện từ khâu lập, phân bổ và giao dự toán kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Việc thực hiện phải cụ thể, xác định thứ tự ưu tiên đối với từng công trình, từng tiêu chí.

Trong năm nay, Quảng Nam phấn đấu có thêm 44 xã đạt chuẩn NTM. Theo ông Thân Đức Sửu, cùng với khoản kinh phí 145 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ, ngân sách tỉnh cũng đã chi cho 44 xã nằm trong lộ trình năm 2015 thêm 60 tỷ đồng để đạt được 19 tiêu chí. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế thì số tiền vừa nêu không nhiều, vì vậy các địa phương phải bố trí đủ vốn đối ứng, đồng thời chủ động lồng ghép nguồn vốn từ những chương trình, dự án khác để thực hiện các tiêu chí chưa đạt theo hướng ưu tiên cho các xã dự kiến đạt chuẩn năm 2015. Ông Sửu nói: “Đối với kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 thì thời hạn giải ngân cuối cùng là ngày 30.6.2015. Từ nay đến thời điểm đó không còn nhiều, đề nghị các địa phương quan tâm chỉ đạo để giải ngân 100%, nếu để hết thời hạn thanh toán thì phải nộp trả ngân sách trung ương. Còn đối với kế hoạch vốn năm 2015 thì phải sử dụng đúng mục đích và tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện để đảm bảo việc giải ngân theo đúng quy định”.

NGUYỄN SỰ
Theo Báo Quảng Nam