Loay hoay đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Đề án 1956/CP mang đến cho nông dân cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai đề án này vẫn đang còn loay hoay tìm cách làm hiệu quả.
 Theo Đề án, đến năm 2020 sẽ dạy nghề cho 11 triệu lao động nông thôn (LĐNT), trong đó có 6,5 triệu lao động được hỗ trợ theo chính sách, còn lại theo nguồn lực xã hội hoá. Tổng kinh phí của đề án dự kiến là 25.980 tỷ đồng.  
 
Tuy nhiên, nhiều LĐNT khi được đào tạo xong vẫn không có việc làm. Do đó, nhiều người không tha thiết học nghề mà tìm kiếm các cơ hội việc làm tại các thành phố lớn. Theo ông Đào Trọng Độ, Phó vụ trưởng Vụ dạy nghề thường xuyên (Bộ LĐTB&XH) thì đa số các địa phương chưa có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, việc thu hút các DN, cơ sở sản xuất vào địa phương chưa tốt; chi phí hỗ trợ cho người học nghề còn thấp, việc cấp kinh phí tới các cơ sở đào tạo còn chậm. Sự phân biệt đối tượng được hưởng hỗ trợ gây nên sự so sánh thiếu tích cực trong người học.  
 
 Còn theo ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Dạy nghề thường xuyên, thì "Các địa phương cần rà soát lại cụ thể việc sử dụng lao động để tránh đào tạo hình thức, tràn lan. Nếu không có nhu cầu sử dụng lao động nhất định sẽ không đào tạo. Nếu còn kinh phí sẽ chuyển cho năm sau để tránh lãng phí”.
 
Như vậy, việc lập kế hoạch dạy nghề cho LĐNT phải gắn với nhu cầu của xã hội. Phải lên kế hoạch cụ thể: dạy nghề gì, cho ai, đào tạo xong sẽ làm ở đâu? Có như vậy mới thu hút được lao động nông thôn học nghề. 
 
Minh Thắm
theo daidoanket