Lời giải cho bài toán phát triển rau sạch

Hà Nội hiện có hơn 5.000ha được quy hoạch và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn 7.000ha chưa chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Để tháo gỡ những khó khăn trong phát triển rau an toàn, một trong những "phép giải" quan trọng là quy hoạch vùng sản xuất sát với thực tế, giúp cho hoạt động sản xuất thuận lợi, dễ kiểm soát, đánh giá chất lượng...
Nông dân chăm sóc rau an toàn tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt

Sản xuất rau an toàn vẫn khó

Trên thị trường rau của Hà Nội đang tồn tại các dòng sản phẩm khác nhau như: Rau sản xuất theo phương pháp truyền thống, rau đủ điều kiện sản xuất an toàn, rau theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt) và cao nhất là rau hữu cơ. Tuy nhiên, dù là sản xuất đủ điều kiện an toàn, VietGAP hay hữu cơ đều gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do hệ thống chứng nhận chất lượng rau an toàn (RAT) theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ thích hợp với sản xuất quy mô lớn với các tiêu chí kỹ thuật phức tạp, chi phí áp dụng cao trong khi đó nông dân Hà Nội nói riêng, khu vực Bắc Bộ nói chung khó có thể sản xuất lớn bởi không tích tụ được ruộng đất.

Bên cạnh đó, các đơn vị chứng nhận chất lượng rau VietGAP thời gian qua đã có nhiều "tai tiếng" như lập hồ sơ khống, khiến người tiêu dùng xem nhẹ và không mấy coi trọng chất lượng rau VietGAP. Còn sản xuất rau hữu cơ ít bị nhập nhèm chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận, tuy nhiên do khâu tổ chức sản xuất khắt khe, năng suất thấp nên diện tích toàn thành phố chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Hiện nay, ngoài vùng rau hữu cơ đầu tiên tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, nhiều DN cũng tham gia vào sản xuất rau hữu cơ như: Công ty Việt Liên 3ha, Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc hơn 10ha... Để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều khó khăn do hệ thống văn bản hướng dẫn, quy định về sản xuất chưa hoàn thiện, giá thành rau hữu cơ cao khiến nhiều người tiêu dùng khó chấp nhận...

Giải bài toán từ khâu quy hoạch

Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất tiêu thụ RAT, rau hữu cơ, một trong những biện pháp quan trọng là quy hoạch vùng sản xuất sát với thực tế, trên cơ sở đó thành lập các liên hiệp sản xuất rau hữu cơ, RAT theo vùng. Thay vì mỗi HTX, mỗi hộ dân khi hoàn thiện các thủ tục chứng nhận sản xuất hữu cơ, VietGAP đều phải lấy mẫu đất, nước, không khí để kiểm nghiệm thì có thể lấy theo vùng; việc đầu tư hạ tầng cũng mang tính chất quy mô vùng để tránh nhỏ lẻ, manh mún. Theo bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại hữu cơ Hoa Viên thuộc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc: Nếu như Nhà nước xây dựng được quy hoạch vùng, trên cơ sở đó thu hút các DN vào đầu tư, được coi là bước ngoặt lớn cho sản xuất hữu cơ ở những vùng khó khăn. Các chính sách hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật theo vùng sẽ có nhiều thuận lợi. Nhà nước dễ dàng chứng nhận, kiểm tra, thanh tra giám sát việc sản xuất, chế biến theo vùng hàng hóa nông sản chất lượng cao, còn DN thuận lợi hơn khi triển khai dự án, tránh tình trạng mạnh ai người ấy lo như hiện nay.

Ông Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết: Thực tế, việc quy hoạch sản xuất RAT của Hà Nội đã có từ năm 2010, tuy nhiên, đến nay nhiều vùng đã không còn phù hợp do tốc độ đô thị hóa, do các dự án quy hoạch chồng lấn hoặc do nhiều vùng quy hoạch phát triển rau nhưng nông dân không có tập quán canh tác… Điển hình như vùng rau màu của xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, được quy hoạch trồng RAT gắn với xây dựng nông thôn mới nhưng đến nay sau 5 năm triển khai vẫn không thành công, dù đã được Nhà nước đầu tư mấy chục tỷ đồng xây dựng hạ tầng hỗ trợ trồng rau. Hay như vùng RAT của huyện Đông Anh trước đây quy hoạch trên 1.000ha ở 6 xã nay 3 xã nằm trong quy hoạch phát triển giao thông, đô thị do đó cũng phải đưa ra ngoài quy hoạch phát triển...

Quy hoạch vùng trồng rau nhất là RAT, hữu cơ phải dựa trên cơ sở thực tế không thể khiên cưỡng vì trồng rau là một nghề phải được học và đào tạo khá bài bản. Nhiều khi để hình thành một vùng rau sản xuất tốt mất nhiều công sức. Thực tế, các vùng rau sản xuất tốt của Hà Nội đều có hành trình tới cả chục năm thậm chí là 20 năm nông dân được huấn luyện liên tục - ông Hồng cho biết thêm.

Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho rằng: Quy hoạch tổng thể các vùng RAT, rau hữu cơ là việc làm cần thiết và cấp bách. Đó là cơ sở quan trọng để thu hút DN, HTX, các cơ sở chế biến, nhà khoa học vào đầu tư. Từ các vùng được quy hoạch cụ thể thành lập liên minh các nhà sản xuất rau hữu cơ, RAT theo vùng, đẩy mạnh đào tạo hướng dẫn các nông hộ, các chủ trang trại có ý thức canh tác sản xuất theo phương pháp hữu cơ, VietGAP... thành lập và vận hành thí điểm Quỹ tín dụng vay ưu đãi đặc biệt cho phát triển nông nghiệp tốt, nông nghiệp hữu cơ. Thời gian tới, trên cơ sở rà soát quy hoạch các vùng rau trọng điểm của Hà Nội, nếu vùng nào không phù hợp sẽ đưa ra ngoài quy hoạch, mặt khác các vùng có điều kiện khí hậu thuận lợi như vùng núi Ba Vì, Thạch Thất sẽ hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; đối với khu vực vùng bãi sông Hồng tập trung sản xuất rau an toàn năng suất, chất lượng cao mang tính hàng hóa phục vụ nhu cầu lớn của nhân dân...

Sơn Tùng
theo 
Hà Nội Mới