Lợi ích "kép" từ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Một số cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đạt được lợi ích “kép” do vừa thu hoạch nông sản vừa tổ chức đón khách du lịch tham quan quy trình sản xuất, thưởng thức sản phẩm.
Tham quan vườn bí ngô khổng lồ ở đường Hồ Xuân Hương. Ảnh: H.K.G
Ông Henry Maxco, người Pháp sang Việt Nam làm ăn, mặc dù thời gian rất quý đối với một doanh nhân, nhưng nghe tiếng “đồi trà cổ” Cầu Đất đã quyết tâm tham quan cho bằng được. Ông nói: Nghe tiếng đồi trà cổ, nhà máy chè hơn 100 tuổi, tôi nghĩ chắc chắn có liên quan đến văn hóa thâm canh, chế biến của của Pháp, nên quyết tâm  tham quan cho bằng được, dù công việc kinh doanh rất bận. Quả thật nhà máy và đồi chè cổ Cầu Đất gây cho tôi nhiều ấn tượng đẹp. Thật tuyệt vời. 
 
Còn chị Phạm Thị Hương (TP Hồ Chí Minh) đến Đà Lạt cũng muốn đi “du lịch xanh” để trải nghiệm cuộc sống đã đến Công ty Long Đỉnh Farm ở thôn Phúc Tân, xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà để tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất trà và các loại rau, củ quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ngoài việc được trải nghiệm vườn chè, rau củ quả, chị Hương còn được tận mắt chứng kiến quá trình chế biến trà, đóng gói rau củ quả đưa ra thị trường tại nhà máy của Công ty theo tiêu chuẩn VietGAP và yên tâm khi chọn mua các sản phẩm của Công ty Long Đỉnh Farm. 
 
Bà Dương Thị Hiền - Phó phòng Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Toàn tỉnh có 22 cơ sở sản xuất NNƯDCNC đủ tiêu chuẩn tổ chức du lịch canh nông và đang mang lại lợi ích “kép”, từ nguồn thu sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ du lịch, thông qua việc bán vé tham quan, mua sản phẩm tại vườn, tại nhà máy. Trong đó, TP Đà Lạt có 18 cơ sở, 5 cơ sở còn lại thuộc các địa phương Bảo Lộc, Bảo Lâm, Đức Trọng, Lạc Dương.  Một số cơ sở tổ chức hoạt động du lịch lâu năm, có đầy đủ tiêu chuẩn để làm dịch vụ và đã có thương hiệu. Bà Dương Thị Hiền cho biết thêm: Ngoài việc rà soát, đánh giá, xếp hạng, cấp giấy phép hoạt động và tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất NNƯDCNC tổ chức dịch vụ du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch còn tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, tham quan học hỏi kinh nghiệm du lịch canh nông tại các miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Do vậy, trong 22 cơ sở sản xuất NNƯDCNC ở Lâm Đồng, nhiều cơ sở đã đáp ứng tốt nhu cầu tham quan, mua bán sản phẩm của khách du lịch trong, ngoài nước mang lại lợi ích “kép” cho gia đình, xã hội ngày càng cao.
 
Trong bối cảnh ngành du lịch của địa phương muốn nâng cao sức hút đối với du khách trong, ngoài nước đòi hỏi phải đa dạng hóa sản phẩm du lịch và phải có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; trong lúc cảnh quan thiên nhiên chậm được cải tạo, nâng cấp, thì dựa vào thế mạnh sản xuất NNƯDCNC của địa phương để tổ chức dịch vụ du lịch là một hướng đi đúng, cần phải phát huy.   
 
HOÀNG KIẾN GIANG/baolamdong.vn