Lối nào cho doanh nghiệp nông nghiệp?

KTNT - Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tuyên bố phá sản. Đâu là lối ra?
Lối nào cho doanh nghiệp nông nghiệp?

Thiếu vốn, bài ca muôn thuở

Vì thua lỗ, chủ sở hữu “Coffee Đức Lập Minh An” và Coffee Đức Lập Dakmil” dự định đem bán 2 thương hiệu này cho một DN Trung Quốc với giá 18 tỉ đồng. Điều đáng nói, trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực đòi lại nhiều thương hiệu hàng hóa của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp thì chính lãnh đạo hợp tác xã (HTX) Minh An cho biết, sẽ bán nhãn hiệu càphê đã được bảo hộ ở Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ nếu không được hỗ trợ…

HTX Minh An chỉ là một trong số hàng nghìn DN nông nghiệp đã và đang đứng bên bờ vực phá sản chỉ vì thiếu vốn, nhất là trong lĩnh vực thủy sản, càphê hay chăn nuôi…

Đơn cử như tại An Giang, nơi có đến 21 nhà máy chế biến cá tra thuộc loại lớn ở ĐBSCL đang rơi vào cảnh “thoi thóp”. Ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang cho biết: “Hiện nay, các DN thủy sản ở An Giang gặp rất nhiều khó khăn, có tới 70% DN có nguy cơ đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng”.

Còn tại Đồng Tháp, tính đến thời điểm này đã có tới 160 DN “đóng cửa”, trong đó có tới 62 DN chính thức giải thể. Nhiều DN dù vẫn duy trì hoạt động, nhưng công suất chỉ còn 30%, thậm chí 10%.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc thiếu vốn trầm trọng đã làm hơn 50% số nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu ngừng hoạt động hoặc đang hoạt động cầm chừng. Hơn 40% số DN chế biến thức ăn thủy sản cũng đã ngừng hoạt động.

Tình cảnh của các DN càphê cũng bi đát không kém. Từng được Hiệp hội Càphê thế giới xếp hạng công ty xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất toàn cầu nhưng Vinacafe Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đang lâm cảnh “muốn chết cũng khó” vì nợ khó trả gần 2.000 tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu INEXIM, DN nhiều năm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hàng vạn hécta càphê trên nhiều huyện của tỉnh Đắk Lắk, nay cũng gánh hàng trăm tỷ đồng nợ quá hạn.

Ông Trần Vĩnh Cảnh, Chủ tịch UBND TP.Buôn Ma Thuột cho biết, hiện có tới 767/2.380 DN trên địa bàn đang rơi vào tình trạng rất khó khăn do đói vốn, doanh số kém, không có nguồn thu. Trong số đó, 110 DN xin tạm ngừng hoạt động từ 6 tháng tới một năm, 14 DN làm thủ tục phá sản.

Lối thoát nào?

Trước những lời “ca thán” của các DN, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) phân tích, nông nghiệp, nông thôn là một trong 4 lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong năm 2012 của các ngân hàng. Năm 2011, tín dụng toàn ngành tăng 13% nhưng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã tăng tới 28%. Ông Mạnh khẳng định, tiền cho vay không thiếu nhưng vấn đề là DN muốn tiếp cận được nguồn vốn phải đưa ra được phương án kinh doanh cụ thể, có tính khả thi và độ tin cậy cao. Xét cho cùng thì khó hay dễ chủ yếu là ở bản thân DN mà thôi.

Để gỡ khó cho DN nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Điệp, Trưởng ban đổi mới DN (Bộ Nông nghiệp và PTNT), đề nghị: Nhà nước cần có chính sách miễn giảm tiền sử dụng đất, thuê đất, thuê mặt nước cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Cùng với đó là hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường, hỗ trợ áp dụng khoa học công nghệ, cước phí vận chuyển…

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Diệp Kỉnh Tần, Bộ đang rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về chính sách đất đai, công nghệ, tín dụng, thuế và các chính sách khác liên quan đến DN nông nghiệp để đề xuất kiến nghị Chính phủ sửa đổi những bất cập và xây dựng các chính sách mới. Năm 2012, tình hình xuất khẩu nông sản đang có nhiều khó khăn, có nhiều dấu hiệu suy giảm cả về thị trường, giá cả, chất lượng sản phẩm… Vì vậy, để tạo đột phá, DN cần phải nâng cao trình độ nguồn nhân lực thông qua việc tăng cường đào tạo, đổi mới thiết bị công nghệ, đồng thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh cho phù hợp với thị trường.

Theo Kinhtenongthon