Lợn dồn ứ khổng lồ
- Thứ tư - 27/03/2019 23:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) bên cạnh những yêu cầu nhằm khoanh vùng dịch, dập dịch, cũng đang tạo ra một đợt dồn ứ lợn khổng lồ.
Bán không được, giữ chẳng xong!
Đông Đô (huyện Hưng Hà, Thái Bình) là xã đầu tiên bùng phát DTLCP từ ngày 13/2 (công bố dịch ngày 19/2). Đến nay, gần một tháng rưỡi đã trôi qua, toàn xã đã có hơn 800 con lợn bị tiêu hủy, nhưng chưa thể biết khi nào thì xã này mới có thể công bố hết dịch, bởi dịch vẫn tiếp tục nổ ra xôi đỗ ở nhiều hộ dân trong xã. Hơn một tháng nay, xã cứ như “có biến”.
Chúng tôi về Đông Đô đúng lúc UBND xã đang tổ chức tiêu hủy cho đàn lợn của một hộ dân ở thôn Đông mới bùng phát dịch. Tổ tiêu hủy gần chục người, trang phục bảo hộ kín mít, người phun khử trùng, người rắc vôi bột, người cân đếm, lầm lũi khiêng hơn 30 con lợn lớn sồ sồ lên xe công nông đưa ra bãi chôn, không ai nói câu gì.
Ông Kỳ, chủ hộ chăn nuôi đen đủi vừa có lợn bị dịch buồn như đưa đám. Dường như cả người đi tiêu hủy lợn lẫn người chăn nuôi ở đây đã quá mệt mỏi vì dịch. Họ bảo rằng, cái thứ bệnh dịch này cứ như trên trời rơi xuống. Đông Đô là xã đất chật người đông, quỹ đất chăn nuôi không có nên hầu hết dân nuôi lợn ngay trong khuôn viên vườn nhà. Chuồng lợn liền với sân nhà, sát vách nhà bếp. Chuồng lợn nhà này sát vách chuồng lợn nhà kia.
Ấy thế mà có khi hộ này bị dịch chết sạch, nhưng hộ kế bên thì cả tháng nay vẫn bình an vô sự. Kể từ khi dịch bùng lên trong xã đến nay, có chủ hộ chăn nuôi lợn sợ lây dịch, chẳng dám bước chân ra khỏi nhà, vôi bột rắc trắng ngõ vườn, vào chuồng lợn phải bước qua bể vôi khử trùng hẳn hoi, ấy thế mà lợn vẫn dính dịch.
Hộ có lợn bị dịch, phải tiêu hủy đã khổ, hộ có lợn còn khỏe mạnh cũng khổ sở không kém. Anh Đinh Thế Thảo, một hộ chăn nuôi ở thôn Hữu (xã Đông Đô) thở dài cho biết, từ khi bùng phát dịch đến nay, hộ anh đã có một trại lợn với 18 lợn nái và 70 lợn con bị dịch phải tiêu hủy, nhưng may mắn vẫn còn một trại khác gồm 80 lợn thịt không bị dịch. Số lợn thịt 80 con ấy, bình thường anh chỉ kêu thương lái đánh xe tải cỡ lớn tới tận trại, chở đi 2 chuyến trong vài ngày là hết.
Thế nhưng hơn một tháng qua, với quy định cấm không được vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch, anh chỉ còn biết bán cho các lò mổ trong xã, nhúc nhắc cả tháng nay vẫn chưa thể “tống khứ” hết đàn lợn thịt đi. Hiện trại anh vẫn còn hơn 10 con lợn thịt, con nào cũng quá lứa xuất chuồng cả tháng trời, lớn cỡ 1,2 – 1,3 tạ/con.
Nhiều ý kiến cho rằng, nên cho phép vận chuyển, tiêu thụ đối với cơ sở chăn nuôi lợn đã xét nghiệm âm tính với virus DTLCP |
Theo anh Thảo, giá lợn hơi trước khi có dịch 42.000 - 43.000 đ/kg, nay chỉ còn xoay quanh 30.000 đ/kg mà vẫn không bán được. Đó là chưa kể tiền lấy mẫu xét nghiệm, mỗi mẫu tốn thêm 522.000đ. Lợn phải âm tính với virus DTLCP thì mới được bán, nhưng cả xã chỉ có vài cái lò mổ nhỏ lẻ, mỗi ngày cùng lắm chỉ nhúc nhắc tiêu thụ hết 4 - 5 con lợn.
“Giá thành hiện nay phải 38.000 đ/kg lợn hơi, bán chỉ 30.000 đ/kg. Đó là chưa kể hơn một tháng nay, do lợn đã quá lứa xuất chuồng mà vẫn không bán được, nên hàng ngày vẫn phải đều đặn cắn răng nuôi báo cô hết trung bình 3kg cám/con/ngày, quy ra tiền tới hơn 30 nghìn đồng. Có hộ thời gian qua đã phải giữ lợn quá lứa cả tháng, lớn tới 1,5 - 1,6 tạ/con, tốn thêm tiền cám khủng khiếp mà lợn càng to càng mỡ, giá càng rẻ” – anh Thảo kêu trời.
Ông Phạm Văn Tạo, Chủ tịch UBND xã Đông Đô bảo, cả hệ thống chính trị của xã căng mình chống dịch cả tháng nay vất vả đã đành, nhưng bài toán làm sao tiêu thụ lợn cho những hộ dân có lợn còn khỏe mạnh hiện đang rất căng. Trước khi có dịch, xã có hơn 300 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn lợn lên tới 12.000 con thì đến thời điểm này ước khoảng 3.000 con đã quá lứa xuất chuồng nhưng chưa thể tiêu thụ được.
Con số này sẽ còn tăng lên vùn vụt trong thời gian tới, bởi lợn chuẩn bị tới lứa xuất chuồng sẽ dồn lên liên tục, trong khi theo quy định hiện hành, xã chỉ được cho phép giết mổ để tiêu thụ tại chỗ trong vùng dịch, nhưng mỗi ngày chỉ giỏi lắm 5 - 7 con là cùng, trong khi người dân trong xã thì chẳng thể ăn thịt lợn mãi, dù giá thịt lợn đã rẻ ê hề.
Lợn đến tuổi xuất chuồng, khỏe mạnh nhưng rất khó lưu thông |
Cũng theo ông Tạo, thời gian qua, các hộ chăn nuôi có lợn còn khỏe mạnh trong xã liên tục đề nghị được bán lợn ra bên ngoài. Nhưng quy định lại không cho phép vận chuyển lợn ra ngoài vùng dịch, khiến giá đã hạ nay càng hạ hơn.
“Ngay cả việc giết mổ để tiêu thụ tại địa bàn xã, hiện cũng yêu cầu phải lấy mẫu xét nghiệm âm tính với virus DTLCP thì mới được giết mổ. Quy mô chăn nuôi trong xã trung bình chỉ 20 - 30 con/hộ, nhưng bắt buộc số mẫu tối thiểu/dãy chuồng phải đạt từ 3 mẫu trở lên. Mỗi mẫu chi phí 522.000 đ, tính ra chi phí xét nghiệm thôi cũng đã 1,5 – 1,6 triệu đồng, quá tốn kém nên người dân càng có tâm lí chặc lưỡi, không muốn bán lợn nữa, để ra sao thì ra” – ông Tạo phân trần.
Gánh nặng chi phí xét nghiệm
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, đến thời điểm này, tỉnh này đã có tới 141 xã ở 7 huyện bùng phát DTLCP, với tổng số hơn 32 nghìn con lợn phải tiêu hủy. Trong đó, 3 huyện gồm Hưng Hà, Đông Hưng và Quỳnh Phụ đã công bố dịch với quy mô toàn huyện. Tại các huyện mới bùng phát dịch như Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư, Kiến Xương, mặc dù các ổ dịch chỉ mới xảy ra ở phạm vi hẹp, tuy nhiên với quy định hiện hành, các vùng dịch được xác định gồm xã có dịch và vùng uy hiếp là các xã lân cận với bán kính 3km. Với quy định này, có thể nói Thái Bình hiện nay gần như đã trở thành vùng dịch với quy mô toàn tỉnh.
Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Bình lo lắng: Tổng đàn lợn toàn tỉnh khoảng hơn 900 nghìn con thì đến nay, chỉ sau hơn 1 tháng nổ ra dịch, ước tính khoảng 250 - 300 nghìn con (chiếm 1/3 tổng đàn) đã quá lứa xuất chuồng nhưng vẫn đang bị dồn ứ lại trong tỉnh.
Trong khi đó bình thường, lượng thịt lợn tiêu thụ trong nội tỉnh của Thái Bình lúc cao điểm ước chỉ đạt 30 - 35% tổng sản lượng lợn xuất chuồng, còn lại 65 - 70% là tiêu thụ tại các tỉnh ngoài (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...). Trong bối cảnh đó, việc tiêu thụ thịt lợn thời gian qua lại giảm rất mạnh do người dân trong tỉnh có tâm lý hạn chế dùng thịt lợn, điều này càng khiến tình hình dồn ứ lợn thịt tại Thái Bình hết sức căng thẳng.
Toàn tỉnh Thái Bình hiện nay chỉ có vỏn vẹn 80 cơ sở chăn nuôi (trong tổng số 570 trang trại) có chứng nhận an toàn dịch bệnh và tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hàng năm |
Theo ông Nhương, quy định về phòng chống DTLCP hiện nay chỉ cho phép vận chuyển lợn ra khỏi vùng dịch khi đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện: Cơ sở phải có chứng nhận chăn nuôi an toàn dịch bệnh; tham gia chương trình giám sát dịch bệnh thường niên và xét nghiệm âm tính với virus DTLCP.
Tuy nhiên, toàn tỉnh Thái Bình hiện nay chỉ có vỏn vẹn 80 cơ sở chăn nuôi (trong tổng số 570 trang trại) có chứng nhận an toàn dịch bệnh và tham gia chương trình giám sát dịch bệnh hàng năm. Con số này chỉ chiếm khoảng 10 - 15% tổng đàn toàn tỉnh. Vì vậy thời gian qua, mỗi ngày chỉ có khoảng 5 - 7 chuyến xe lợn đủ yêu cầu để vận chuyển ra ngoài tỉnh (chủ yếu là của các Cty, tập đoàn chăn nuôi lớn nuôi gia công trên địa bàn như C.P, Jaffa, Mavin...).
Trong tình cảnh đó, Thái Bình buộc phải tìm cách đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn tại chỗ, tuy nhiên, việc tổ chức giết mổ cũng như chi phí xét nghiệm lại quá lớn. Cụ thể theo hướng dẫn của Cục Thú y, lợn khỏe mạnh, muốn giết mổ để tiêu thụ trong vùng dịch phải đảm bảo lấy mẫu xét nghiệm âm tính với virus DTLCP. Khó khăn ở chỗ theo quy định, cơ sở chăn nuôi càng nhỏ thì tỉ lệ mẫu/tổng đàn càng lớn. Ví dụ: trại dưới 10 con phải lấy 100% (cả 10 mẫu); trại 20 con, phải lấy 15 mẫu; trại 30 con, phải lấy 18 mẫu... Trong khi đó, số hộ nuôi lợn nhỏ lẻ từ 20 - 30 con/hộ hiện nay lại rất nhiều. Vì vậy, với chi phí xét nghiệm lên tới 522.000 đ/mẫu (chưa kể chi phí vật tư, công lấy mẫu, phí chuyển mẫu...), mỗi hộ nhỏ lẻ 30 con lợn phải chi tới suýt soát 10 triệu đồng cho mỗi việc xét nghiệm, khiến họ càng khó khăn hơn trong bối cảnh giá lợn đang quá rẻ.
“Tôi cho rằng, kinh phí nhà nước cần phải có nguồn để hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi ở khâu xét nghiệm khi giết mổ, vận chuyển. Bởi bản thân ngân sách tỉnh hiện nay cũng đã phải gánh rất nặng cho việc hỗ trợ tiêu hủy” – ông Nhương kiến nghị.
Kiến nghị cho thông thương lợn khỏe mạnh Bên cạnh việc phòng chống dịch, tôi cho rằng cần phải khẩn cấp có giải pháp để đẩy mạnh tiêu thụ thịt lợn, nghiên cứu giải phóng nguồn lợn tồn đọng, qua đó hâm nóng trở lại giá lợn. Theo đó, đối với các cơ sở chăn nuôi lợn mà lợn còn khỏe mạnh, chỉ cần xét nghiệm âm tính với virus DTLCP, thì vẫn cho phép vận chuyển ra ngoài vùng dịch để tạo thông thương cho tiêu thụ (cần vận chuyển đi giết mổ ngay sau khi có kết quả xét nghiệm). Nhà nước cần có hỗ trợ chi phí cho việc tích mẫu đối với chăn nuôi nông hộ. Đối với việc giết mổ và tiêu thụ tại chỗ trong vùng dịch, cơ sở nuôi lợn chỉ cần lợn đang khỏe mạnh, thì nên cho phép được giết mổ, với điều kiện việc giết mổ phải có sự giám sát của cán bộ thú y, chính quyền cấp xã; cơ sở giết mổ phải đạt điều kiện vệ sinh thú y, phải đảm bảo thu gom và xử lí triệt để chất thải trong quá trình giết mổ (ví dụ các cơ sở thuộc dự án Lifsap). Bởi thực tế qua lấy mẫu giám sát, tỉ lệ lợn đang khỏe mạnh bình thường mà dương tính với virus DTLCP là rất thấp. (Ông Phạm Thành Nhương, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Thái Bình) |
Toàn huyện hiện ước còn khoảng 35 - 40 nghìn lợn thịt đã tới tuổi xuất chuồng nhưng vẫn chưa tiêu thụ được do không được vận chuyển ra khỏi vùng dịch. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với huyện, huyện đã kiến nghị với tỉnh về việc cho phép vận chuyển, tiêu thụ bình thường ra khỏi vùng dịch đối với các hộ chăn nuôi xét nghiệm âm tính với virus DTLCP nhằm giải phóng lợn tồn đọng. Tuy nhiên, vấn đề là luật, quy định có cho phép hay không, và các tỉnh khác có đồng ý cho phép vận chuyển lợn sang tiêu thụ ở tỉnh họ hay không nữa? Cái này cần phải có sự nhất quán từ Trung ương, tới tận các tỉnh, các huyện. (Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Hà, Thái Bình) |