Lợn hơi tăng giá, có nên tăng đàn?

Giá lợn hơi đang tăng chóng mặt theo từng ngày, được đánh giá là tăng cao nhất trong vòng nửa năm qua. Tuy nhiên, đây đã là thời điểm thích hợp để người chăn nuôi tính tới tăng đàn?

Thực tế hiện nay, nhiều người chăn nuôi cũng muốn quay lại nuôi lợn nhưng không biết giá này kéo dài được bao lâu hay sau một thời gian ngắn lại quay đầu giảm sâu.

Bộ Công Thương cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, giá lợn hơi tại miền Bắc cũng như miền Nam có xu hướng tăng trở lại.

Một ngày tăng hai giá

Tại các tỉnh miền Bắc, giá lợn hơi hiện được thương lái thu mua 30.000 – 36.000 đồng/kg. Cụ thể, giá lợn hơi tại Bắc Ninh dao động 34.000 – 35.000 đồng/kg, Hưng Yên: 35.500 đồng/kg, Bắc Giang: 36.000 đồng/kg.

Các tỉnh khác như Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái… có giá dao động 34.000 – 36.000 đồng/kg, tăng nhẹ 1.000 đồng/kg so với đầu tháng 4, thậm chí ở Sơn La có thời điểm giá lên 38.000 đồng/kg.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi dao động 32.000 – 35.000 đồng/kg. Tại Đăk Lăk, giá lợn hơi khoảng 32.000 đồng/kg, Bình Định: 35.000 đồng/kg. Các tỉnh như Khánh Hòa, Lâm Đồng hay Ninh Thuận, giá lợn hơi dao động quanh mức 32.000 – 34.000 đồng/kg.

Tại các địa phương trọng điểm ở miền Nam như Đồng Nai, Bình Dương, Tp.HCM, giá lợn hơi trong khoảng 30.000 – 33.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, giá lợn hơi trong tuần qua tăng liên tục, mỗi ngày tăng hai giá.

Ông Đoán dẫn chứng: ngày 9/3, giá lợn xuất bán tại chuồng là 34.000 đồng/kg, ngày hôm sau đã tăng lên 36.000 đồng/kg. Đến ngày 11, giá tiếp tục nhảy lên 37.500 đồng/kg và đến sáng 13/4 chạm mốc 40.000 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Hương, Giám đốc công ty TNHH MTV Hương Vĩnh Cửu, cho biết giá lợn hơi tăng quá nhanh nên nhiều trại nuôi găm hàng chưa bán vội. Nguồn lợn đẹp càng không dễ kiếm khiến doanh nghiệp (DN) khó gom đủ lượng đưa về lò giết mổ cung cấp cho khách hàng.

Thậm chí, ở đây có hiện tượng tăng giá ảo vì nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt lợn trên thị trường không tăng, thậm chí giảm vì giá tăng nóng.

Trong khi đó, theo người chăn nuôi, việc tăng đàn trở lại rất khó khăn. Muốn tăng đàn, phải có con giống đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hai năm qua, do giá lợn hơi xuống quá thấp nên nhiều người nuôi lợn nái đẻ phải giảm đàn, thậm chí bỏ nghề. Nay giá lợn hơi tăng cao, nhu cầu nuôi trở lại tăng theo, trong khi nguồn cung con giống lại đang thiếu hụt.

Đây đã là thời điểm thích hợp để tăng đàn là vấn đề đang được nhiều người nuôi quan tâm. Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2018, nhu cầu về các sản phẩm chăn nuôi ở Đông Á vẫn ở mức cao. Trung Quốc tiếp tục nhập khẩu thịt do sản xuất trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu.

doanh-nghiep-chan-nuoi-4122-1523979320.j
Giá lợn hơi đang tăng chóng mặt theo từng ngày

Thận trọng đánh giá cung - cầu

Tuy nhiên, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm xuống do sản lượng thịt lợn của nước này đã tăng mạnh ngay từ đầu năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đàn lợn của Trung Quốc sẽ tăng hơn 27 triệu con trong năm 2018 và Trung Quốc có thể tăng đàn trong năm 2018 do giá lợn hơi đang ở mức cao.

Tại thị trường Trung Quốc, việc giết mổ lợn tại các DN tăng mạnh, trong khi nhu cầu không tăng khiến giá lợn hơi giảm sâu xuống dưới mức bình quân 10,5 NDT/kg. Ngày 9/4/2018, giá lợn hơi cao nhất là tại tỉnh Hồ Nam đạt 12 NDT/kg (tương đương 43.384 đồng/kg), còn giá lợn hơi thấp nhất tại Tân Cương đạt 9 NDT/kg (tương đương 32.538 đồng/kg).

Trong khi đó, ở Việt Nam, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT công ty Thanh Bình (Đồng Nai), chia sẻ: Hiện nay, lợn hơi ở tỉnh này vẫn chưa đi được ra Bắc để xuất sang Trung Quốc, bởi giá lợn bên đó đang ở mức thấp. Do đó, thị trường Trung Quốc hiện không có tác động gì tới việc tăng giá liên tục vừa qua.

Ts. Kiều Minh Lực, công ty cổ phần Chăn nuôi C.P (Tp.Biên Hòa, Đồng Nai), phân tích: Khó kỳ vọng thị trường chăn nuôi sẽ quay về thời hoàng kim như trước, vì giá thành sản phẩm chăn nuôi của nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Brazil… rất thấp.

Hiện, các nước trên đang xuất khẩu mạnh thịt lợn vào thị trường Trung Quốc và nếu giá thịt lợn tại Việt Nam quá cao thì chúng ta cũng trở thành thị trường xuất khẩu của nhiều nước.

Theo dự báo của USDA, sản lượng thịt lợn toàn cầu sẽ tăng gần 2% trong năm 2018 lên 113,1 triệu tấn. Trung Quốc là nước có sản lượng thịt lợn sản xuất lớn nhất với gần 54,7 triệu tấn, chiếm 48,4%. Tiếp đến là khu vực EU với trên 23,3 triệu tấn, Mỹ khoảng 12,19 triệu tấn. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự báo năm 2018 đạt 2,78 triệu tấn.

Theo các chuyên gia, DN, chủ trang trại, hiện tại chưa khẳng định được sự tăng giá này có bền vững hay không, giá lợn còn tăng nữa hay không.

Vì vậy, dù giá lợn hiện tại đã ở mức giúp cho người chăn nuôi có lãi sau một thời gian dài thua lỗ nhưng bà con cũng cần bình tĩnh, xem xét, đánh giá thật thận trọng về cung – cầu, không nên vội vàng đua nhau tăng đàn.

Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn