Luật Cạnh tranh 2018: Hướng đến môi trường kinh doanh lành mạnh
- Thứ bảy - 06/10/2018 08:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Phụ trách Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) - Bộ Công Thương, so với Luật Cạnh tranh năm 2004, Luật Cạnh tranh 2018 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt, luật mới đã chuyển đổi cách tiếp cận kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế theo hướng áp dụng nhiều hơn các phương pháp phân tích kinh tế trong đánh giá lại vụ việc cạnh tranh. Mặc dù, việc thay đổi cách tiếp cận là phù hợp hơn với xu hướng của thế giới, tuy nhiên, điều đó cũng có thể tạo ra những thách thức không nhỏ đối với việc thực thi pháp luật của cơ quan cạnh tranh, việc tuân thủ pháp luật cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và các đối tượng có liên quan khi cách tiếp cận này còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Cụ thể, bà Trần Phương Lan - Trưởng phòng Kiểm soát tập trung kinh tế - Cục CT&BVNTD - cho biết: Có 8 sửa đổi, bổ sung mới cơ bản và hết sức quan trọng trong Luật Cạnh tranh 2018, bao gồm việc mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Sửa đổi, bổ sung hành vi bị cấm; Kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cũng như chính sách khoan hồng; Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường; Các quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; Kiểm soát hành vi cạnh tranh không lành mạnh; Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh và hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh.
Đi vào những điểm mới trong Luật Cạnh tranh năm 2018, bà Lan cho ví dụ về một thương vụ rất được quan tâm là Tập đoàn bán lẻ Central của Thái Lan mua lại Big C Việt Nam. Với Luật Cạnh tranh trước đây, hoạt động ký kết thương vụ ngoài lãnh thổ Việt Nam không thuộc phạm vi của Luật Cạnh tranh. Dù các DN, hiệp hội DN đều rất quan tâm việc thay đổi sau ký kết, cơ quan cạnh tranh cũng nhận thấy sự việc tiềm ẩn nhiều vấn đề gây bất lợi cho DN bán lẻ và những nhà cung cấp Việt Nam. Nhưng thời điểm đó, cơ quan cạnh tranh không thể đánh giá tác động do chưa có cơ chế. Đến Luật Cạnh tranh 2018, Ủy ban cạnh tranh sẽ có quyền đánh giá, can thiệp và đưa ra những biện pháp đảm bảo cho môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Luật cạnh tranh 2018 có nhiều điểm mới |
Bà Lan cho biết thêm, cùng với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh thì đối tượng cũng được mở rộng đến các tổ chức nước ngoài có liên quan. Song song với đó là vấn đề thực thi như thế nào, bởi khi đó, phạm vi Luật Cạnh tranh đã vươn ra ngoài lãnh thổ. Chính vì thế, Luật Cạnh tranh 2018 đã đưa vào mục 7, Chương 8 là hợp tác cạnh tranh. Đây là nền tảng, khuôn khổ pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam có thể tham gia phối hợp cùng các nước giải quyết các vấn đề liên quan đến thị trường Việt Nam, giúp Luật Cạnh tranh 2018 có tính khả thi và đi vào thực tế.
Luật Cạnh tranh 2018 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019. Hiện Bộ Công Thương đang triển khai xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật. |
Một vấn đề không kém phần quan trọng được quy định trong Luật Cạnh tranh 2018 đó là, quy định xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh. “Cách tiếp cận của Luật mới đảm bảo tư duy kinh tế và tư duy pháp lý được kết hợp với nhau một cách hài hòa, nhuần nhuyễn trong từng quy định. Theo đó, Luật Cạnh tranh 2018 thừa nhận tập trung kinh tế là quyền tự nhiên của DN, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động kinh doanh. Luật không quy định cấm tập trung kinh tế một cách máy móc dựa trên mức thị phần, chỉ quy định cấm DN thực hiện tập trung kinh tế khi hành vi tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường” - ông Phùng Văn Thành - Phụ trách Phòng Điều tra hạn chế cạnh tranh - Cục CT&BVNTD - khẳng định.
Việc bổ sung điều chỉnh trong Luật Cạnh tranh 2018 sẽ tạo hành lang pháp lý để điều tra, xử lý toàn diện mọi hành vi phi cạnh tranh, góp phần bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cho thị trường trong nước, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương Việt Nam đã ký kết.
Thu Hà/http://kinhtevn.com.vn