Luật thuế mới tăng ưu đãi để khuyến khích sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, bảo hộ hợp lý

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 đã bổ sung thêm nhiều đối tượng và loại hàng được miễn thuế xuất nhập khẩu để khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập.

Ưu điểm của Luật mới

Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 6/4/2016 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/9/2016. Ngày 5/10/2016, Bộ Tài chính đã tổ chức họp báo chuyên đề giới thiệu những nội dung Luật.

Về nội dung được quan tâm nhất của Luật, bà Đào Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết: Để khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu, đơn giản thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế, hàng loạt các loại hàng hóa được đưa vào diện miễn thuế, đó là: Hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập để sản xuất hàng xuất khẩu được miễn thuế; hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất được miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế; hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất từ đối tượng chịu thuế ở khâu nhập khẩu và thực hiện hoàn thuế khi xuất khẩu sang đối tượng miễn thuế có điều kiện về bảo lãnh, đặt cọc phù hợp với thông lệ quốc tế…

Hàng nhập khẩu tạo tài sản cố định (TSCĐ) của dự án ưu đãi đầu tư cũng được miến thuế để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa. Miễn thuế đối với linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo thiết bị, máy móc hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị của các dự án ưu đãi đầu tư để giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tế, khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất thuế xuất khẩu đối với từng nhóm hàng được quy định ngay trong Luật; Chính phủ quy định biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu đối với từng mặt hàng; quyết định Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan. Ngoài ra, để đảm bảo sự chủ động trong điều hành giá cả hàng hóa, nhu cầu sử dụng các loại tài nguyên, khoáng sản hiện nay, Luật có quy định giao thẩm quyền cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong việc sửa đổi, bổ sung Khung thuế xuất khẩu trong trường hợp cần thiết.

Để hướng dẫn thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định134/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/9/2016.  Bà Vũ Thị Hằng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Nghị định đã quy định chi tiết đối với 23 trường hợp miễn thuế quy định tại Luật thuế xuất nhập khẩu 2016.

Nghị định có 6 điều để quy định cụ thể 7 trường hợp miễn thuế theo định mức:  Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ; Hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh; Tài sản di chuyển của tổ chức, cá nhân; Quà biếu, quà tặng; Hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới; Hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh; Hàng hóa có trị giá tối thiểu và số tiền thuế phải nộp tối thiểu.

Đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, để nâng tính pháp lý và đảm bảo sự ổn định của chính sách, Nghị định đã quy định tỷ lệ phế liệu, phế phẩm và nguyên liệu, vật tư dư thừa trong quá trình sản xuất gia công được miễn thuế trên cơ sở cơ bản kế thừa các quy định hiện hành đang áp dụng, phù hợp với bản chất của hàng hóa gia công.

Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, Nghị định đã quy định rõ các loại nguyên liệu, vật tư và trường hợp được miễn thuế theo loại hình sản xuất xuất khẩu.

Lần đầu tiên đưa việc thực hiện phòng vệ thương mại vào Luật

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết: Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107 đã quy định rất rõ từ kế thừa các quy định từ pháp lệnh, định nghĩa rất rõ các quy định để dễ dàng áp dụng. Đối với từng trường hợp cụ thể sẽ có những hướng dẫn cụ thể, việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo không gây thiệt hại quá mức cho nền kinh tế.

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính cho biết đã có 10 Nghị định quy định về ban hành các biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam. Đây là những Nghị định nội luật hóa các cam kết quốc tế Việt Nam đã ký kết. Trong đó có những quy định để tránh việc cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp.

Ông đã giải đáp những vấn đề liên quan đến Nghị định quy định về ban hành các biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam và thực hiện thuế phòng vệ thương mại. Ông cho biết tuy đây là lần đầu tiên đưa  việc thực hiện phòng vệ thương mại vào Luật nhưng không có nghĩa là quy định mới, chỉ là nội luật hóa, đây là quy định để tránh việc cạnh tranh, chống phá giá, chống trợ cấp.

 Đối với từng trường hợp cụ thể sẽ có những hướng dẫn cụ thể, việc áp dụng thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo không gây thiệt hại quá mức cho nền kinh tế.

5.000 mặt hàng nhập khẩu có thuế giảm về 0%

“Ngày 5/10 Hiệp định tự do thương mại Á - Âu chính thức có hiệu lực. Như vậy, gần 5.000 dòng thuế sẽ được cắt giảm về 0% trong năm 2016-2017, chiếm hơn 52% biểu thuế”, ông Phạm Tuấn Anh cho biết. Các nhóm mặt hàng cắt giảm hầu hết là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất như: Nguyên phụ liệu dệt may, da giày... Năm 2018 sẽ thêm 144 dòng thuế về 0% (chiếm 54% biểu thuế). Việc giảm thuế với nguyên liệu đầu vào mà Việt Nam cần nhập khẩu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng năng lực cạnh tranh.

Giải tỏa câu hỏi tỷ trọng thu từ thuế xuất nhập khẩu trong tổng thu ngân sách Nhà nước đã giảm đi vì từ khi là thành viên của WTO, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định FTA, ngân sách Nhà nước bị ảnh hưởng đến đâu, ông Tuấn Anh cho biết, tỷ trọng thu đã được điều chỉnh trên các thuế ưu đãi, tác động giảm thu chỉ từ 20-25%, nhưng thực tế ưu đãi từ thực hiện các cam kết cũng sẽ tăng lên tác động tích cực tới nền kinh tế đất nước, tăng cường năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, thu ngân sách Nhà nước sẽ được bù đắp khi sản xuất kinh doanh tốt lên.