Lực cản từ quản trị thủy sản

Lực cản từ quản trị thủy sản
Đi qua năm 2012 với bộn bề khó khăn nhưng cũng thấy rõ thêm sự sáng tạo của người nông dân cũng như thách thức trong quản trị chế biến xuất khẩu và cả quản trị ngành thủy sản, gợi nên những hướng mở vào năm mới.

Nông dân tài năng

Năm 2012, báo cáo về nuôi cá tra của Tổng cục Thủy sản viết: “Có những mô hình đạt năng suất 500 tấn/ha”; còn năng suất bình quân “trên 220 tấn/ha”. Thật đáng khâm phục. Trong nuôi cá nước ngọt, rất ít nông dân trên thế giới đạt được năng suất đó. Cho nên, nông dân ĐBSCL chỉ nuôi chừng 5.000 ha mà mỗi năm thu hoạch hơn 1 triệu tấn cá tra, cung cấp cho các nhà máy chế biến xuất khẩu trên dưới 1,8 tỷ USD. Những sản phẩm chủ lực khác của nông nghiệp như tôm, lúa, cà phê, không đạt được giá trị trên đơn vị diện tích cao như vậy.

Nhiều nông dân nuôi tôm thành công, vượt qua dịch bệnh - Ảnh: Duy Khương

Khi giá thức ăn thủy sản liên tục tăng mà giá cá tra nguyên liệu lại giảm, nông dân sáng tạo cách “nuôi tiết kiệm”. Ông Trương Hồng Hải ở thị trấn Cái Nhum (Mang Thít, Vĩnh Long) có 9.000m2 ao nuôi cá tra, thay vì cho cá ăn ngày hai lần như trước, ông chỉ cho ăn một lần, giảm khoảng 30% lượng thức ăn, giảm được chi phí để nâng cao hiệu quả. Còn nuôi tôm, năm 2012 vẫn kéo dài dịch bệnh phát sinh từ năm 2011. Trong khi các nhà khoa học chưa tìm ra nguyên nhân thì nhiều nông dân đã tìm ra cánh cửa hẹp để thoát hiểm. Ông Kha Sến ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nuôi 1 ha tôm sú với cá rô phi, thu 4 tấn tôm bán được 800 triệu đồng. Cả HTX Nuôi tôm Hoà Nghĩa ở xã Hoà Đông, TX Vĩnh Châu, nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ với cá rô phi, hầu hết thắng lợi. Tại thị xã này, ông Vương Hồng Xương ở xã Vĩnh Hải nuôi 0,6 ha tôm thẻ lời 222 triệu đồng. Ông Huỳnh Văn Chiểu ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) nuôi tôm sú trên ruộng lúa, chỉ 0,5 ha thu 90 triệu đồng. Nhờ vậy, dù có đến 56,6% diện tích nuôi bị bệnh nhưng sản lượng tôm năm 2012 của Sóc Trăng vẫn đạt 82% kế hoạch.

 

Doanh nghiệp loanh quanh

Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lại đổ vỡ nhiều vì đi ngược quy luật chuyên nghiệp hoá. Không xây dựng được mối liên kết với nông dân tài năng, các doanh nghiệp tự tổ chức nuôi cá, nuôi tôm gọi là “để chủ động nguyên liệu”. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thủy sản Thiên Mã ở Cần Thơ có 3 nhà máy chế biến và vùng nuôi khi hưng thịnh lên đến 200 ha với 12 địa điểm. Giám đốc Phan Bá Tòng giải thích, nuôi cá là nghề của ông. Vậy ai lo chế biến xuất khẩu? Ông nói, có quy trình cả. Nhưng phóng viên Tạp chí Thuỷ sản Việt Nam biết rằng, mở ra vùng nuôi khắp nơi thì Công ty Thiên Mã cũng nợ nần khắp nơi và ngày càng sa lầy vì không ít người nuôi ở khắp nơi ấy đã ăn bớt. Đồng tiền có thể vay mượn nhưng quản trị không thể vay mượn nhanh được.

Ông Nguyễn Văn Cần, một người nuôi cá giàu kinh nghiệm ở thị trấn Mái Dầm (Châu Thành, Hậu Giang) nói thẳng, “doanh nghiệp nuôi cá không thể bằng chúng tôi”. Ông nuôi 5 ao, hơn 2 ha mặt nước, mỗi năm thu hoạch 600 - 1.000 tấn cá. Suốt ngày đêm ông ở bên ao cá nên cá của ông chỉ 5 - 6 tháng là đạt một ký một con, không như các doanh nghiệp phải mất 7 - 8 tháng.

Quản trị không theo kịp tốc độ mở rộng đầu tư thì thất thoát là đương nhiên. Các doanh nghiệp thủy sản hô hào liên kết, nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng chính các doanh nghiệp đi ngược lại lời hô hào đó. Từng doanh nghiệp vẫn rời rạc manh mún, xuất khẩu nhiều mà không làm chủ được thị trường, cá tra “một mình một chợ” mà không làm chủ được giá cả. Trình độ quản trị của các chủ doanh nghiệp vẫn loanh quanh cạnh tranh lẫn nhau, chưa vươn được tầm khu vực và thế giới.

 

Quản lý lúng túng

Thời kinh tế toàn cầu, quản lý được xem là một loại tiềm năng đặc biệt để nâng cao lợi thế quốc gia. Đó là quản lý có những chính sách tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm quốc gia, giúp sản xuất và kinh doanh phát đạt, không phải chia sẻ bớt hay làm tổn hao lợi ích quốc gia. Với thủy sản, điều này còn là mơ ước. Chẳng hạn, giá sàn cá tra nguyên liệu, để hy vọng người nuôi có lợi nhuận tối thiểu, đảm bảo cho sản xuất kinh doanh ổn định. Bàn nhiều mà chưa ra kết quả vì chưa có cơ sở thực tiễn khi đang thiếu hội nghề nghiệp. Trong lúc, Hiệp hội Cá tra ĐBSCL được nêu lên từ năm 2008, Bộ NN&PTNT dự tính đầu năm 2010 tổ chức đại hội thành lập, nhưng đến nay vẫn chưa biết bao giờ ra đời. Cần một hiệp hội mạnh, vì đó là đầu mối để khắc phục dần các yếu kém của ngành.

Kho lạnh đầu tư lớn nhưng trống rỗng ở Cần Thơ - Ảnh: Sáu Nghệ

Nuôi tôm thì việc nuôi ghép với các loại thủy sản khác hoặc luân canh tôm - lúa, đến nay vẫn thiếu quy trình kỹ thuật và chính sách khuyến khích. Ông Diệp Thành Nhơn, một hộ nuôi tôm ở xã Trung Bình (Trần Đề, Sóc Trăng) nói: “Khuyến ngư cần chuyên sâu, thực tế và khoa học hơn”. Ở vùng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL - tỉnh Sóc Trăng, nông dân qua kinh nghiệm phát hiện ra, độ mặn ao nuôi rất quan trọng và cần có hệ thống trữ nước ngọt để kiểm soát độ mặn. Vốn và kỹ thuật ở đâu để thực hiện?

Sau nhiều năm tăng trưởng sản lượng, đến nay hàm lượng chất xám trong sản phẩm vẫn thấp, vì thiếu quy trình sản xuất hướng tới chất lượng cao. Sản phẩm thì chưa có thương hiệu. Kết quả ấy, chủ yếu do yếu kém của quản trị ngành thủy sản. Người nông dân nuôi trồng thủy sản đã vươn tới vị trí hàng đầu thế giới, còn quản trị chế biến xuất khẩu và quản trị ngành chưa theo kịp nông dân. Hy vọng sẽ có chuyển biến từ năm mới này.

>> Thời kinh tế toàn cầu, quản lý được xem là một loại tiềm năng đặc biệt để nâng cao lợi thế quốc gia. Với thủy sản, điều này còn là mơ ước!

 
Sáu Nghệ

Thủy sản việt nam