Lương Sơn (Phú Thọ): Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới

Lương Sơn (Phú Thọ): Phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nông thôn mới
Để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Lương Sơn (Yên Lập - Phú Thọ) đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng - vật nuôi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm đáng kể, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo nền tảng quan trọng để xã đẩy nhanh tốc độ xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
 

Lương Sơn là xã đông dân cư với trên 2.000 hộ (9.000 khẩu) phân bố ở 19 khu dân cư. Diện tích tự nhiên 2.671ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 803,44ha, đất lâm nghiệp 1.414,53ha. Đây chính là điều kiện thuận lợi để xã phát triển các mô hình nông - lâm kết hợp.

 

Theo đó, xã khuyến khích người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây - con có giá trị kinh tế cao vào nuôi - trồng. Riêng lĩnh vực sản xuất lúa, xã vận động bà con đưa các giống lúa lai có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Trong 6 tháng đầu năm 2014, diện tích gieo cấy đạt 249ha, bằng 111,1% kế hoạch, năng suất 51,8 tạ/ha, sản lượng 1.515,8 tấn, tổng sản lượng lương thực cây có hạt của xã đạt 1.698,6 tấn, bình quân lương thực 200,4 kg/người/năm.

 

Ngoài lúa là cây lương thực chính, nông dân Lương Sơn còn phát triển vùng chuyên canh chè với diện tích 141,4ha, trong đó có 134,1ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân 74 tạ/ha. Trong lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích trồng mới tập trung đạt 15ha, trồng 28.000 cây phân tán, chủ yếu là cây bản địa và cây nguyên liệu giấy.

 

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã Lương Sơn cũng chủ trương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Hiện, nghề sản xuất gạch, xây dựng, đồ mộc dân dụng, sơ chế gỗ, sơ chế đũa xuất khẩu đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển, đa dạng về hình thức lưu thông trao đổi hàng hóa. Mạng lưới giao thông trên địa bàn khá hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Mạng lưới bưu chính - viễn thông, hệ thống đại lý dịch vụ của các ngành thương mại, ngân hàng, dịch vụ nông nghiệp được mở rộng, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng của nhân dân.

 

Kinh tế có bước phát triển mạnh mẽ, tình hình xã hội, an ninh trật tự được giữ vững cũng là điều kiện thuận lợi để Lương Sơn triển khai chương trình XDNTM. Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Mào, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đảng ủy, HĐND, UBND xã xác định XDNTM là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, có nhiều khó khăn phức tạp nên phải có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương”.

 

Là địa phương còn nhiều khó khăn, để phấn đấu hoàn thành chương trình XDNTM, Lương Sơn đứng trước thử thách rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn từ chương trình dành cho xã còn hạn chế. Vì vậy, xã áp dụng linh hoạt ­phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vừa tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của Nhà nước, vừa huy động tối đa các nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bên cạnh việc huy động nội lực trong dân, xã cũng kết hợp lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, lựa chọn tiêu chí dễ làm trước, khó làm sau, đảm bảo làm đến đâu chắc đến đó. Căn cứ vào thực tế địa phương, xã xây dựng kế hoạch cụ thể và đề ra kế hoạch phấn đấu hàng năm. Nhờ được tuyên truyền vận động và nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa của chương trình XDNTM nên nhân dân Lương Sơn đều tích cực tham gia hiến đất, góp công làm đường. Hộ chị Hà Thị Tỉnh, khu Thành Lập, là một trong số nhiều hộ tự nguyện hiến đất, phá bỏ bờ rào và nhiều cây cối hoa màu khác để làm đường giao thông nông thôn. Chị Tỉnh tâm sự: “Dù mất đất vườn, bờ rào, hoa màu nhưng gia đình cũng như nhiều bà con trong xóm vẫn phấn khởi ủng hộ, xã lấy đến đâu thì hiến đất đến đó để đường mới sớm hoàn thành, đi lại dễ dàng”.

 

Để đạt thêm nhiều tiêu chí XDNTM, Lương Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân về chủ trương, ý nghĩa của chương trình. Cố gắng phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân, tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác tối đa các nguồn thu, nguồn lực sẵn có trên địa bàn, huy động hợp lý đóng góp của dân. Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương, tỉnh, huyện để thu hút các chương trình, dự án đầu tư trên địa bàn, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm triển khai có hiệu quả các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

 

Theo báo Kinh tế nông thôn