MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng Nông thôn mới: Khơi dậy sức mạnh từ mỗi gia đình, cộng đồng dân cư

Ngày 29-12, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức họp sơ kết kết quả MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng nông thôn mới năm 2014 và triển khai chương trình công tác năm 2015. Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì cuộc họp.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh  phát biểu tại cuộc họp
65% số hộ đạt gia đình văn hóa
 
Trong năm 2014 tổng nguồn lực huy động cho NTM là hơn 157 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước chiếm hơn 31% (từ ngân sách Trung ương, lồng ghép các chương trình (15%), ngân sách địa phương (13%); nguồn vốn tín dụng đạt hơn 53%, doanh nghiệp 3,7%, cộng đồng dân cư bằng công sức lao động, hiến đất đạt 18 nghìn tỷ đồng (chiếm 11%).
Năm 2014, việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nhiều địa phương tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ giữa MTTQ Việt Nam với chính quyền các ban ngành đoàn thể và các địa phương và sự đồng tình hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, đã tạo nên động lực, khơi dậy tiềm năng, sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng dân cư. 
 
Theo ông Trần Nhật Lam – Phó chánh văn phòng điều phối chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, trong năm 2014 tổng nguồn lực huy động cho NTM là hơn 157 nghìn tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách nhà nước chiếm hơn 31% (từ ngân sách Trung ương, lồng ghép các chương trình (15%), ngân sách địa phương (13%); nguồn vốn tín dụng đạt hơn 53%, doanh nghiệp 3,7%, cộng đồng dân cư bằng công sức lao động, hiến đất đạt 18 nghìn tỷ đồng (chiếm 11%).
 
Tại các địa phương, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp tiếp tục tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh. Cụ thể, hướng dẫn Ủy ban MTTQ cấp xã lồng ghép các nhóm tiêu chí của chương trình xây dựng NTM với 5 nội dung của CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Ủy ban MTTQ các cấp đã vận động nhân dân góp công sức, vật liệu cùng nhà nước làm đường giao thông, công trình thủy lợi, tham gia đóng góp nguồn lực bằng tiền, công lao động, hiện vật, tự nguyện hiến đất để làm đường, dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, ủng hộ ngày công lao động, làm công trình công cộng,… hàng ngàn ha đất được nhân dân tự nguyện hiến để làm đường, làm công trình công cộng; hàng triệu ngày công lao động, hàng ngàn tỷ đồng đã được nhân dân đóng góp cho công cuộc xây dựng NTM. Bên cạnh đó, thông qua CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” cùng với sự đầu tư của Nhà nước, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá nên phong trào văn hoá cơ sở được phát triển, nhiều nhà văn hoá - nơi sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư được xây dựng. Đến nay, tổng số nhà văn hoá ở các khu dân cư trong cả nước lên hơn 60 nghìn nhà. 
 
Qua bình xét danh hiệu gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá, theo báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành phố, kết quả năm 2014 có trên 65% gia đình đạt chuẩn danh hiệu gia đình văn hoá và hơn 60% khu dân cư đạt chuẩn danh hiệu khu dân cư văn hoá. 
 
Tăng cường giám sát, phản biện xã hội về xây dựng nông thôn mới
 
Tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng theo các đại biểu, việc thực hiện của nhiều địa phương vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Công tác chỉ đạo, quản lý chương trình tại một số xã còn nhiều lúng túng, chưa đạt hiệu quả dẫn đến tiến độ thực hiện chương trình chậm, chưa thu hút được sự phối hợp tham gia của các cấp, các ngành và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Trong công tác tuyên truyền, các địa phương chưa quan tâm thể hiện rõ được vai trò của các đoàn thể chính trị-xã hội. Một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, coi việc xây dựng NTM chủ yếu là do Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, do vậy ảnh hưởng đến việc huy động được sức mạnh của toàn dân tham gia xây dựng NTM. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực trong nhân dân đang còn nhiều ý kiến khác nhau nhất là ở các vùng khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc. Một số nơi công trình đang dang dở vì vốn đối ứng của Nhà nước không có, gây mất lòng tin trong nhân dân…
 
Về nhiệm vụ công tác trong năm 2015, theo Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên tiếp tục tuyên truyền, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về xây dựng NTM, qua đó góp phần thay đổi nhận thức tránh tâm lý trông chờ ỷ lại, cùng với đó đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền những kết quả đạt được, phổ biến những cách làm hay, mô hình tốt trong xây dựng NTM. "Đặc biệt, cần tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của của MTTQ các cấp và các đoàn thể để góp phần nâng cao số lượng tiêu chí tại các xã đã đăng ký, cũng như hướng dẫn MTTQ các cấp trong việc tham gia xây dựng NTM ở các địa phương để việc xây dựng NTM không hình thức, chồng chéo. Bên cạnh đó, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ rà soát các tiêu chí các cuộc vận động của Mặt trận để gắn kết với các tiêu chí của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM với năm 2015”, Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh.
Theo: daidoanket.vn