“Mặc áo mới” cho nhiều vùng nông thôn

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta nhằm làm đổi thay cơ bản bộ mặt nông thôn hiện nay. Với TP Hồ Chí Minh cũng vậy, sau bốn năm thực hiện, chủ trương này đã tạo cho nhiều vùng nông thôn của thành phố có “chiếc áo mới” với nhiều sắc màu tươi tắn hơn xưa…
Nhiều hộ nông dân ở ngoại thành có thu nhập cao hơn nhờ áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong chăn nuôi. Trong ảnh: Lò ấp trứng của một hộ nông dân ở Bình Chánh.

 

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM thành phố, trong năm 2014, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM trên địa bàn thành phố ước tính hơn 9.784 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố chiếm hơn 51% , số còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Số vốn này dùng để đầu tư cho 50 xã, mục tiêu ít nhất có thêm 17 xã cơ bản đạt chuẩn từ 17 đến 19 tiêu chí, các xã còn lại đạt tối thiểu 15 tiêu chí và các địa phương hiện đang từng bước hoàn thiện mục tiêu này.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân đánh giá, Chương trình xây dựng NTM tại thành phố đạt được kết quả cao là nhờ sự đồng thuận của người dân đối với chủ trương này, trong đó phải kể đến sự tham gia thực thi quyết liệt của các cấp chính quyền, đoàn thể trong từng vai trò và nhiệm vụ của mình.

Trong số 56 xã của năm huyện ngoại thành (gồm Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh), có sáu xã đạt 19/19 tiêu chí, 22 xã đạt 14 đến 18 tiêu chí xã NTM. Tại những vùng quê này, giờ đi đến đâu chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp sự đổi mới, từ hạ tầng kỹ thuật, mô hình sản xuất, tư duy làm ăn… cho đến nếp sinh hoạt của người dân.

Vùng nông thôn ở TP Hồ Chí Minh trước đây chủ yếu trồng lúa, rau xanh, nuôi heo, gia cầm theo phương thức truyền thống. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, Chương trình xây dựng NTM tại thành phố tập trung vào một số mô hình có năng suất cao như trồng rau an toàn, trồng hoa lan, cây kiểng, chăn nuôi bò sữa, nuôi cá cảnh và hiệu quả kinh tế đã được tăng lên. Đơn cử, năm 2013, giá trị một ha đất canh tác tại thành phố đạt bình quân 282 triệu đồng; giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt 5,6%, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 6,1%... Các chỉ số này của TP Hồ Chí Minh đã tăng từ hai lần trở lên so với bình quân chung cả nước.

Từ giữa năm 2011 đến nay, vốn đầu tư cho sản xuất trong Chương trình xây dựng NTM đạt hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó vốn vay tín dụng có sự hỗ trợ lãi suất của thành phố hơn 3.000 tỷ đồng. Mới đây, 14 đơn vị thuộc các quận, các tổng công ty đã ký kết hỗ trợ huyện Bình Chánh xây dựng NTM hơn 16,5 tỷ đồng. Theo đó, trong năm 2014 xây dựng hoặc sửa chữa hơn 600 căn nhà tạm, nhà dột nát của người nghèo ở 14 xã; hỗ trợ vốn sản xuất cho hộ nghèo, tặng học bổng, thẻ bảo hiểm y tế, nâng cấp đường sá… Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Đoàn Nhật cam kết, đến cuối năm 2015, toàn bộ các xã xây dựng NTM ở Bình Chánh sẽ phấn đấu hoàn thành 19/19 tiêu chí.

Hóc Môn hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, nhưng nổi bật vẫn là lĩnh vực nông nghiệp. Toàn huyện Hóc Môn hiện có 1.519 ha đất trồng trọt, chủ yếu là trồng rau, hoa kiểng và chăn nuôi hơn 28 nghìn con bò sữa, 29 nghìn con heo cùng với hàng triệu con gia cầm. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Điểm (xã Bà Điểm) có 30 xã viên canh tác năm vườn lan rộng hơn 4.000 m2 với hơn 300 nghìn cây giống lan các loại. Chủ nhiệm HTX Ngọc Điểm Lê Thị Mỹ Phước cho biết, Ngọc Điểm là nơi cung cấp giống, kỹ thuật trồng và làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho xã viên. Sản phẩm do HTX tiêu thụ giá bao giờ cũng cao và ổn định hơn do người dân tự mang đi bán nhờ chúng tôi thiết lập được việc cung ứng với các trung tâm bán sỉ hoa lan trong và ngoài thành phố.

Tại Hóc Môn, Xuân Thới Thượng là xã đã đạt 19/19 tiêu chí xã NTM và chín xã còn lại đạt từ 10 đến 15 tiêu chí. Bà Văn Thị Bạch Tuyết, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, nhìn nhận, đề án xây dựng NTM tại 10 xã đã tạo sự đồng thuận, ủng hộ và phát huy được sức dân rất cao. Chương trình này giúp cho hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn phát triển đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh, góp phần thu hút đầu tư, làm tăng thu nhập cho người dân qua các mô hình sản xuất, kinh doanh mới và giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Để nơi dân cư xanh, sạch, đẹp; giao thông thuận lợi, đến nay, đã có hơn 8.000 hộ dân tham gia hiến hơn 841.000 m2 đất, tương đương giá trị hơn 700 tỷ đồng xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Ở nhiều vùng quê đang xây dựng NTM, gia cảnh của nhiều gia đình không mấy khá giả nhưng họ rất nhiệt tình tham gia chương trình, nhiều người hiến cả đất đai, thứ được xem là “gia bảo” để làm đường, xây trường học, trạm y tế… Ông Trần Minh Đan (78 tuổi, ngụ tại thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi) nhận xét: Chương trình xây dựng NTM đang áp dụng ở thành phố được thực hiện vì người dân tại chỗ. Người dân ở các vùng nông thôn này được làm chủ, họ tham gia thực hiện việc làm mới làng xã và trực tiếp hưởng thành quả mà họ tạo ra, nên mọi người đã tham gia với tinh thần tự giác cao.

“Chiếc áo mới” được khoác lên từ Chương trình xây dựng NTM ở thành phố đã giúp nhiều vùng nông thôn “ra dáng”, tươi tắn hơn. Chưa dừng lại ở đó, thành phố hiện đang “đặt hàng” các viện nghiên cứu, các nhà khoa học lập đề án tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại.

Theo nhiều “nhà vườn” ở ngoại ô thành phố, người nông dân hiện nay cần nhất là khâu bao tiêu sản phẩm, giống vật nuôi và cây trồng phải đạt chất lượng và được cung cấp đầy đủ. Ông Nguyễn Anh Tuấn, ngụ quận 12, chuyên nhập khẩu giống hoa lan từ Thái-lan cung cấp cho các nhà vườn, cho biết, mỗi năm Việt Nam chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hoa lan giống, khiến cho người trồng hoa lan bị giảm phần lớn lợi nhuận. Trong khi đó, việc nhân giống cây trồng ở Việt Nam không thiếu kỹ thuật và công nghệ lai tạo, cấy ghép nhưng lại “bỏ qua” khâu này.

Đại Đồng
Nguồn nhandan.org.vn