Mang sức sống NTM đến vùng biên ải

Mang sức sống NTM đến vùng biên ải
Một xã nghèo miền núi cán đích nông thôn mới (NTM) là kỳ tích. Đáng khâm phục hơn, cũng chính mảnh đất với những con người ấy còn ra sức đồng lòng, cam kết “đỡ đầu” cho bà con dân bản vùng biên giới…

Sau nhiều nỗ lực không ngừng, năm 2015 xã Ngọc Phụng (Thường Xuân, Thanh Hóa) chính thức về đích NTM, trở thành xã miền núi thuộc diện chương trình 30a đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa hoàn thành chương trình MTQG. Đây được xem là mốc son không thể nào quên đối với mảnh đất cách đây gần 600 năm đã diễn ra Hội thề Lũng Nhai.

12-34-03_1
Bí thư Đảng ủy Lê Xuân Đấu rất quan tâm đến đời sống của người dân thôn Vịn

Nói đến quá trình xây dựng NTM ở Ngọc Phụng, bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc, xen lẫn trầm trồ, thán phục. Bởi so với mặt bằng chung, xuất phát điểm của Ngọc Phụng rất thấp, qua đánh giá vẫn thuộc diện nghèo, đời sống của người dân chất chồng khó khăn, nhiều lúc còn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Thế nhưng với sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, thông qua những cách làm hay, hiệu quả, thiết thực đã tạo nên kỳ tích. Qua khảo sát, đánh giá, tốc độ tăng tưởng kinh tế năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của xã Ngọc Phụng luôn đạt nhóm cao nhất, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Chia sẻ bí quyết, Bí thư Đảng ủy Lê Xuân Đấu thẳng thắn: “Thành quả ngày hôm nay gói gọn trong 2 chữ đồng lòng. Bất kỳ nội dung gì, chúng tôi đều tiến hành bàn bạc dân chủ, công khai”.

12-34-03_2
Lãnh đạo, cán bộ xã Ngọc Phụng trực tiếp chỉ đạo thôn Vịn sản xuất

Sau khi đạt chuẩn, tháng 8/2016 bà con nhân dân xã Ngọc Phụng đi đến thống nhất rồi trình lên Huyện ủy Thường Xuân đăng ký xin được hỗ trợ, giúp đỡ thôn Vịn của xã Bát Mọt - một thôn biên giới đặc biệt khó khăn: “Biết chuyện, người ngoài so đo, xét nét, cho rằng chúng tôi ốc không mang nổi mình ốc lại còn mang cọc cho rêu. Tuy nhiên, nhân dân Ngọc Phụng không nhụt chí, trái lại còn quyết tâm hoàn thành cho bằng được”, ông Đấu kể tiếp.

Thôn Vịn được biết đến là 1 trong 4 thôn giáp biên giới Việt - Lào của huyện Thường Xuân. Đây là thôn xa nhất, nghèo nhất với 92/165 hộ nghèo, mức thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 9 triệu đồng/năm.

PV đặt câu hỏi: “Tại sao Đảng bộ xã Ngọc Phụng lại chọn giúp đỡ một bản ở cách xa hơn trăm cây số, trong khi điều kiện sẵn có chẳng mấy dư dả”? Ông Đấu trả lời: “Cốt lõi nằm ở tư tưởng, tinh thần, thôn Vịn là bản giáp biên, nếu xây dựng thành công NTM sẽ góp phần giữ vững biên cương của Tổ quốc”.

Nói là làm, tháng 8/2016, đoàn cán bộ của xã Ngọc Phụng lên thăm thôn Vịn để nắm rõ hơn tình hình KT-XH. Non tháng sau, phía thôn Vịn lại ngược xuống Ngọc Phụng, tại đây toàn đoàn được tham quan, học hỏi cách làm và rút ra những kinh nghiệm sâu sắc trong xây dựng NTM. Gần đây nhất, trong quý 1/2017, lãnh đạo, cán bộ Ngọc Phụng đã 5 lần lên thôn Vịn để chuyển mạ khay, hướng dẫn gieo cấy vụ chiêm xuân; đưa phương tiện lên làm đường giao thông nông thôn…

Chỉ sau một thời gian ngắn phối hợp, nhận thức và trách nhiệm của nhân dân thôn Vịn đã được cải thiện rõ rệt. Hiện tại, thói quen nuôi nhốt trâu bò, thay thế cho việc thả rông dần được hình thành; nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi bước đầu phát huy giá trị. Thôn Vịn đã có nhà văn hóa, có giá sách, tủ sách, có sân bóng chuyền, loa đài, khẩu hiệu...

12-34-03_4
Đưa phương tiện lên làm đường giao thông nông thôn
12-34-03_5
Trẻ em thôn Vịn có sách báo để tham khảo, học tập
Trưởng thôn Lương Thanh Chuấn hồ hởi: “Toàn thôn đã đạt 8/14 tiêu chí NTM, dự kiến đến hết năm 2018 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại. Nhân dân thôn Vịn luôn ghi nhớ và đánh giá cao sự giúp đỡ của xã Ngọc Phụng, chúng tôi xem đây là bước ngoặt trong quá trình xây dựng NTM của địa phương”.
Theo: Việt Khánh/nongnghiep.vn