Mặt sau của thành công từ SAEMAUL UNDONG

Mặt sau của thành công từ SAEMAUL UNDONG
Phong trào làng mới (Saemaul Undong) trong thập niên 1970 đã mang lại những thành công không thể phủ nhận trong cải thiện đời sống đa số nông dân Hàn Quốc. Tuy nhiên, đâu là những mặt hạn chế cần tránh của chương trình này nếu được cân nhắc áp dụng ở các nước đang phát triển khác?
Điều đáng lưu ý đầu tiên là thành công của Saemaul Undong có mối liên quan mật thiết đến bối cảnh Hàn Quốc hồi trước và đầu thập kỷ 1970. Khi hoàn cảnh này thay đổi thì ảnh hưởng của phong trào cũng giảm đáng kể. Cuối thập kỷ 1970, sau khi thành công trong việc đạt được những mục tiêu đề ra, Saemaul Undong đã bị chững lại do không kịp điều chỉnh, thích nghi theo yêu cầu của tình hình mới. Thành công của Saemaul Undong đòi hỏi cao ở tính tự giác và trách nhiệm với cộng đồng, nhờ vực dậy những phẩm chất này mà phong trào giúp người nông dân hợp tác với nhau cùng thoát khỏi đói nghèo. Tuy nhiên, sau khi đã sung túc họ lại thường rơi vào chủ nghĩa cá nhân, không còn thấy tiếp tục phải nương tựa vào cộng đồng. Hơn nữa, hoạt động nông nghiệp trong bối cảnh mới ở Hàn Quốc đòi hỏi tiến bộ khoa học kỹ thuật hơn là tăng cường hợp tác hóa. 

Về công tác điều hành của Chính phủ Hàn Quốc, phong trào không tránh khỏi nhuốm màu sắc chính trị hóa, phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền với việc các địa phương ở gần đường cao tốc nhận được nguồn lực lớn hơn, trong khi các địa phương ở xa (ít hiện diện hơn) thường nhận được hỗ trợ thấp hơn. Mô hình điều hành chương trình cũng bị phê phán do thiên về tính chỉ đạo từ trên xuống, thậm chí một số ý kiến cho rằng nó chỉ khả thi với sự điều hành quyết liệt (nhiều khi mang tính ép buộc) từ Park Chung Hee trong việc ra quyết định huy động, điều phối các nguồn lực của chính phủ, và sẽ khó đạt được thành công tương tự nếu áp dụng với các mô hình lãnh đạo nhà nước mang tính dân chủ hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bài học rút ra từ thành công của Saemaul Undong không phải là sự cổ súy cho chủ nghĩa độc tài, mà đơn thuần cho thấy tầm quan trọng của cam kết và nỗ lực từ phía nhà nước.

Gánh nặng nợ nần cho nông dân cũng là vấn đề thường được nhắc tới. Nếu như giai đoạn đầu của phong trào, người nông dân phải góp vốn lao động tình nguyện (tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng của địa phương), thì sau đó họ phải góp tiền, cùng mua thiết bị máy móc mà nếu không có thì phải vay mượn. Từ năm 1969 tới 1979, thu nhập bình quân năm của hộ gia đình tăng gấp 9-10 lần, nhưng nợ bình quân mỗi hộ cũng tăng tới 13 lần, tới năm 1979 tỷ lệ nợ trên thu nhập bình quân xấp xỉ 8%, tăng 2% so với 1969. 

Về xóa đói giảm nghèo, Saemaul Undong đã giúp cải thiện đời sống vật chất của đại đa số nông dân Hàn Quốc, nhưng lại thất bại trong việc trợ giúp nhóm các hộ nghèo nhất, và không đưa ra được giải pháp giúp họ tránh trở nên tụt hậu hơn. 

Saemaul Undong không phải là giải pháp thần kỳ giúp Hàn Quốc chống tình trạng di cư về thành thị. Bằng chứng là dân cư nông thôn tiếp tục giảm trong và sau Saemaul Undong, khiến các làng mạc chỉ còn đa số là người già và trẻ em. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Saemaul Undong chưa bao giờ nhằm thay thế cho chủ trương công nghiệp hóa đất nước, mà chỉ có ý nghĩa giảm nhẹ phần nào tác động từ công nghiệp hóa.
Theo Thanh Xuân/tiasang.com.vn