Mấy suy nghĩ về xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) là chủ trương có tầm chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Kinh nghiệm từ các xã điểm cho thấy: Để đạt được mục tiêu đích thực là cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn, cần có bước đi phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở, khắc phục tính hình thức, chạy theo phong trào, tránh lãng phí, tiêu cực
 
Chung sức xây dựng nông thôn mới
Sau gần 2 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% số xã trong tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng được quy hoạch chung, trong đó 35 xã đang triển khai lập quy hoạch chi tiết; 8 xã điểm đều đạt trên 12 tiêu chí, cao nhất là xã Khắc Niệm đạt 18 tiêu chí, xã Đông Thọ đạt 17 tiêu chí, các xã khác đạt từ 5 đến 14 tiêu chí.
Hầu hết các xã đã chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, triển khai thí điểm mô hình cơ giới hóa nông nghiệp...
 
Đường giao thông nông thôn xã Phượng Mao (Quế Võ) được đầu tư to đẹp đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM.
 
 
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước bằng các chính sách như: Hỗ trợ 100% vốn xây dựng trường học, trạm y tế, đường trục xã, kênh mương loại 1+ loại 2;  hỗ trợ 80% vốn xây dựng chợ, công trình văn hóa, đường thôn, liên thôn; hỗ trợ 50% vốn xây dựng kênh mương loại 3… nên phong trào xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phát triển khá. Toàn tỉnh đã và đang xây dựng 38 km đường trục của xã và liên xã, 121 km đường trục thôn, xóm, 10 km đường chính nội đồng, kiên cố hóa 28 km kênh mương, 14 dự án cấp nước sạch, xây dựng mới 89 trường học các cấp, nâng cấp 20 nhà văn hóa, khu thể thao… Các xã Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh), Trung Kênh (huyện Lương Tài), Đông Thọ (huyện Yên Phong) là 3 xã điểm của tỉnh đã vận động, thuyết phục nhân dân hiến đất, đổi đất với diện tích 2.652 m2 để làm đường giao thông và các công trình phúc lợi công cộng.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp đã hướng về nông thôn, có nhiều hoạt động thiết thực, cùng nông dân chung sức xây dựng NTM. Hội Nông dân đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cấp vốn cho 30.485 hộ gia đình hội viên vay với tổng dư nợ đạt 465,4 tỷ đồng. Trong đó, 297 hộ vay giải quyết việc làm dư nợ 5 tỷ 473 triệu đồng; 17.991 hộ vay xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường dư nợ 135 tỷ 600 triệu đồng; 516 hộ nghèo vay xây dựng nhà ở với dư nợ 4 tỷ 128 triệu đồng.
Thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi, nông dân, nhất là các hộ nghèo và đối tượng chính sách có thêm cơ hội tạo ra việc làm mới, ngành nghề  mới, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 4,27% (theo tiêu chí mới).
Tỉnh đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động phong trào “Chung tay thắp sáng đường quê” thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng 40 km đường, trị giá 800 triệu đồng; 2 xã Đông Thọ, Tân Chi đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ vật liệu để xây dựng kết cấu hạ tầng trị giá hơn 1 tỷ đồng. 
Mấy vấn đề cần quan tâm
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, phù hợp với nguyện vọng tha thiết của nhân dân, nhất là nông dân. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, vừa qua Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã quyết định điều chỉnh mục tiêu đến năm 2015 số xã đạt chuẩn NTM từ 50 xã xuống 20 xã (20% tổng số xã, bằng mức phấn đấu chung của cả nước) .
Để đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM, tỉnh đã đề ra các chính sách hỗ trợ với tỷ lệ khá cao, nhưng kinh nghiệm của các xã điểm là phải tuyên truyền, giáo dục, làm cho nhân dân hiểu rõ đây là chương trình phát triển nông thôn toàn diện, cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không phải là dự án xây dựng cơ bản đơn thuần. Xây dựng NTM là việc của dân, nhân dân là chủ thể trong tất cả các khâu. Khi nhân dân thực sự làm chủ, được bàn bạc, quyết định những vấn đề của làng, xã sẽ khắc phục được tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước, vào cấp trên, nhân dân sẽ tích cực đóng góp tiền của, công sức, đồng thời nhân dân cũng là người tổ chức và sử dụng có hiệu quả các công trình, tránh được tình trạng lãng phí, tiêu cực.
Nội dung cốt lõi của xây dựng NTM là tổ chức lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp nhằm chuyển lao động nông nghiệp sang công nghiệp-xây dựng, dịch vụ. Đây  là một trong những tiêu chí góp phần phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp một cách bền vững.
Quy hoạch NTM từng xã phải phù hợp với quy hoạch huyện, có tính kết nối và  khả thi, nhất là về phát triển kinh tế, không nhất thiết xã nào cũng phải có đầy đủ các  công trình hạ tầng. Để tránh tốn kém, lãng phí có thể xây dựng những công trình liên xã  hoặc cụm xã như: cấp điện, cấp nước, chợ, nghĩa trang, xử lý rác thải, nước thải, v.v...
Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm, nhất là ở các làng nghề, nước thải và rác thải của các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp cộng với nước thải và rác thải sinh hoạt gây ra nhiều hệ lụy phá vỡ sự cân bằng sinh thái, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe của nhân dân.
Nhiều năm qua, người dân nông thôn vẫn tự ý xây dựng nhà ở của mình, tiện đâu làm đấy, không có sự quản lý, hướng dẫn về kiến trúc, đã tạo ra bức tranh “phố hóa”, phá vỡ kiến trúc làng xã, làm xấu đi bộ mặt nông thôn thoáng đãng, thanh bình. Khi xây dựng NTM, nên hướng tới mẫu nhà ở sinh thái hạn chế xây nhà ở theo kiểu chia lô, bám mặt đường. 
Theo quy định trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, nếu triển khai mỗi xã đầu tư xây dựng một chợ trung tâm thì sẽ dẫn đến tình trạng “khủng hoảng thừa” chợ quê. Trong bối cảnh hiện nay, áp đặt đầu tư xây dựng chợ nông thôn theo bộ tiêu chí quốc gia sẽ là sự lãng phí và trở thành gánh nặng đối với ngân sách các cấp, nhất là các xã nghèo, trong khi rất cần vốn đầu tư vào các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh.
 Xây dựng nông thôn mới là chủ trương có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững, ổn định chính trị, giữ gìn an ninh, trật tự, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái ở nông thôn.  Thiết nghĩ, trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện cần cân nhắc kỹ càng, xác định bước đi phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, cơ sở, khắc phục tính hình thức, chạy theo phong trào, ngăn ngừa và hạn chế những chi phí chưa thật sự cần thiết, tránh lãng phí, làm được như vậy thì chủ trương của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới được thực hiện trọn vẹn, đáp ứng được kỳ vọng của nông dân.
Theo baobacninh.com.vn