Miệng nói tay làm, biến làng nghèo rớt thành vựa trái cây đặc sản
- Thứ năm - 05/09/2019 19:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ngôi biệt thự bề thế mọc lên dưới tán cây lát ở đầu xóm Dứng Ổi là của gia đình anh Bùi Văn Binh. Anh trưởng thôn năng động nhất vùng Kim Truy này luôn là tấm gương sáng cho bà con nơi đây noi theo.
Không cam chịu đói nghèo
Anh Binh sinh ra và lớn lên tại vùng đất Mường trù phú, nhưng bao năm trôi qua, cuộc sống của bà con nơi đây chỉ quanh quẩn với đồng ruộng. Năm hai vụ, thời gian còn lại là bà con chẳng biết làm gì để đánh thức vùng đất trù phú này. Giống như bao trai Mường khác, đến tuổi là bố mẹ lấy vợ cho rồi yên bề với cuộc sống yên phận nơi núi rừng.
Anh Bùi Văn Binh và những cây bưởi trĩu quả trong vườn nhà. Ảnh: Xuân Tuấn
Với thành tích cao trong lao động và sản xuất, anh Bùi Văn Binh đã nhận được nhiều hình thức khen thưởng của Trung ương và địa phương. Anh Bùi Văn Binh được Hội đồng chung khảo bình chọn là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”. |
Cả một quãng thời trai trẻ, anh Binh cùng gia đình bới đất lật cỏ, trồng ngô, trồng khoai trên diện tích đất rộng lớn của gia đình.“Vất vả cực nhọc mà sản phẩm nông nghiệp thu lại không đủ nuôi sống gia đình”- anh Binh nhớ lại. Anh cũng đã từng đi làm thuê, làm mướn, kiếm tiền phụ giúp bố mẹ.
Làm công, ráo mồ hôi là hết tiền, nên cuộc sống của gia đình anh vẫn chật vật. “Đất đai thì nhiều, sức vóc có thừa mà cuộc sống của mình vẫn khó. Tôi cứ thầm ước, một ngày nào đó mình có thể làm giàu ở quê hương”- anh Binh chia sẻ.
Cách đây 12 năm, chàng trai đất Mường đã quyết định ở nhà nuôi lợn, không đi làm thuê nữa. Ngày đầu có ít vốn, anh nuôi vài nái lợn. Vừa để học hỏi, vừa thăm dò thị trường. Những cố gắng nỗ lực của anh Binh cũng được đền đáp. Đàn lợn hay ăn, chóng lớn lại không mắc bệnh. Cứ sau mỗi năm, số lợn nái cứ nhiều lên. Từ 3 nái, có lúc trong chuồng của anh Binh có đến 80 con lợn nái.
Anh vừa bán lợn giống, vừa mở rộng quy mô nuôi lợn thịt. Khởi nghiệp nuôi lợn đúng dịp, giá lợn sốt, anh giàu nhanh như diều gặp gió. Nhiều năm liền, đàn lợn nái mang lại cho anh cả tỷ đồng. Anh xây cất nhà cửa, mở rộng chăn nuôi. Từ quy mô hộ gia đình, anh đã có cả trại lợn lớn nhất xã Kim Truy.
Mấy năm vừa qua là đại hạn với người nuôi lợn. Trại lợn của anh Binh cũng không tránh khỏi cơn lao đao. Khó khăn chồng chất, nhiều chủ nuôi lợn phá sản, nợ nần chồng chất. Khắp xóm trên, xóm dưới, nhà nhà treo chuồng vì không còn vốn. Riêng anh Binh lại coi đây là cơ hội.
Anh Binh vẫn duy trì đàn lợn ở mức vừa phải để có nguồn giống bán cho bà con khi giá lên. Hơn nữa, bí quyết thành công của anh Binh là luôn duy trì việc phòng dịch cho đàn lợn. Chuồng trại được tiêu độc, khử trùng thường xuyên, lợn tiêm phòng đầy đủ. “Trong 2 đợt dịch lớn vừa qua, đàn lợn của tôi vẫn an toàn. Vì vậy mà nguồn thu từ đàn lợn vẫn có”- anh Binh cho biết. Khu nuôi lợn của anh Binh ở gần nhà. Xung quanh được phủ xanh cây để chống nóng cho đàn lợn. Ngoài ra, đường đi quanh trang trại lợn anh cho rải vôi bột thường xuyên. Từng con giống được quan tâm đến nơi, đến chốn, nếu phát hiện đàn lợn có dấu hiệu bất thường, anh tiến hành giải quyết ngay. Nguồn nước cho đàn lợn luôn đảm bảo sạch và an toàn. Anh Binh không giấu diếm bí quyết trong chăn nuôi, bà con cần hỏi, tư vấn về nuôi lợn anh đều chỉ bảo tận tình.
Không cho đất nghỉ
Nghĩ lại chặng đường khởi nghiệp đầy gian nan, anh Binh thấy mình thật may mắn. Nhưng tôi lại nghĩ khác vì chàng trai đất Mường này luôn nung nấu đánh thức quê hương bằng chính những việc làm thiết thực. May mắn không tự dưng mà đến mà nó là cả quá trình cố gắng không biết mệt mỏi của người nông dân.
Trong khi nuôi lợn đang phất lên như diều gặp gió, anh lại “dính” đúng giai đoạn giá lợn đi xuống. Nhà nhà lao đao vì lợn. Anh Binh cũng phải hạ quy mô đàn và chuyển hướng làm ăn. Ở quê còn nhiều diện tích đất trống, anh đã thuê dài hạn để trồng cây ăn quả.
Anh Binh thuê 4ha của xã để trồng bưởi và trồng nhãn, trồng na. Dẫn tôi đi thăm vườn cây ăn quả. Sống ở rừng, nên anh Binh rất thích việc trồng cây. Quanh nhà, quanh hàng rào của trang trại anh trồng rất nhiều lát.
1.000 cây bưởi Diễn, bưởi đỏ Tân Lạc và bưởi da xanh đã bắt đầu cho bói quả. Cây nào cây nấy xanh mướt. Cạnh vườn bưởi là vườn nhãn, năm nay 300 cây nhãn cho bói quả, anh thu được 5 tấn, trị giá cả trăm triệu đồng.
Dường như anh trưởng thôn này không cho chân tay ngơi nghỉ. Anh còn mạnh dạn trồng 2ha na Thái. Vườn na cũng bắt đầu bói quả. “Trông cây ăn quả đòi hỏi mình phải kiên trì. Bởi lẽ sau vài năm, cây mới cho thu hoạch. Bù lại, khi cây đã trưởng thành, mình tha hồ mà đếm tiền”-anh Binh cho biết.
Anh Binh còn tự hào khoe về mấy trăm cây lát anh đã cất công trồng từ nhiều năm nay. Giờ chúng đã cho thu hoạch, cây to bán đi được khối tiền, có cây lát trị giá bằng cả cây vàng.
Theo Xuân Tuấn/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây