Minh bạch thông tin để ổn định thị trường lúa gạo
- Thứ ba - 31/03/2020 00:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhu cầu nội địa và xuất khẩu đã minh bạch
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tuần qua Sở NN-PTNT cùng Sở Công Thương An Giang khảo sát nắm tình hình từ các DN xuất nhập khẩu trong tỉnh.
Dự báo từ tháng 4 trở đi giá lúa trong nước có thể tăng, nhưng nhiều DN còn lo ngại vì chưa có thông tin chính thức cho XK trở lại khả năng các DN sẽ giảm lượng mua vào.
Nguyên nhân là do tình hình xuất khẩu chậm, kho chứa nguyên liệu trong tỉnh của các DN đầy, tiền thuê kho chứa thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu tại TP.HCM tăng do thời gian thuê kéo dài, DN gặp khó khăn về vốn lưu động.
Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN và nông dân trong bối cảnh dịch Covid-19, Sở NN-PTNT đã có những giải pháp cụ thể như sau: trước mắt rà soát lại diện tích, sản lượng lúa - nếp còn tồn trong dân. Đặc biệt, chú ý sản lượng của các hộ không có hợp đồng liên kết.
Căn cứ diễn biến dịch Covid-19 và dự đoán tình hình tiêu thụ trong thời gian tới, điều chỉnh cơ cấu theo hướng giãn vụ, giảm diện tích trồng nếp, tăng diện tích cây ăn trái, rau màu. Tập trung tái đàn heo để cân đối cung cầu trong tỉnh. Tăng cường kết nối giới thiệu DN với vùng nguyên liệu để thuận lợi trong công tác thu mua.
Ông Lâm cũng kiến nghị, trong thời điểm khó khăn như hiện nay cần có chính sách giảm thuế hỗ trợ cho DN nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Ngân hàng Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc triển khai các gói hỗ trợ theo chỉ thị của Chính phủ.
Tìm kiếm các phương án giao hàng khả thi khi thực hiện việc xuất khẩu hàng hóa (tăng cường xuất nhập bằng đường thủy) để giúp DN đảm bảo việc giao thương.
Các Bộ, ngành Trung ương tăng cường công tác xúc tiến thương mại Quốc tế nhằm khôi phục lại các thị trường truyền thống và mở rộng những thị trường tiềm năng khác.
Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Hiện nay TP Cần Thơ cơ bản thu hoạch xong vụ lúa ĐX, đang triển khai xuống giống vụ HT, tầm khoảng 2 tháng nữa sẽ có lúa thu hoạch.
Sở Công thương cũng đã làm văn bản kiến nghị Bộ Công thương đề xuất lên Chính phủ cho tiếp tục XK lúa gạo trở lại để không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa gạo của bà con nông dân ở ĐBSCL. Được biết ngày 31/3 Chính phủ có cuộc đối thoại trực tuyến các tỉnh, thành ĐBSCL để có văn bản cụ thể về tình hình XK lúa gạo.
Theo ông Toại, Cần Thơ có khoảng 150 DN và nhà máy chế biến gạo xuất khẩu, trong đó có 41 DN có giấy phép đủ điều kiện xuất khẩu trực tiếp, với năng lực sản xuất, kho chứa, xay xát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
Nhiều DN đã liên kết với nông dân hình thành các vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng, với quy trình sản xuất, nguyên liệu đầu vào sạch, sản phẩm gạo ngon, chất lượng như: gạo thơm, gạo trắng, gạo tím than, gạo lứt, nếp… đóng gói từ 1-10kg hoặc theo nhu cầu của nhà nhập khẩu.
Các sản phẩm gạo tại TP Cần Thơ có thể đáp ứng tốt theo yêu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và các thị trường có yêu cầu cao như: Nhật Bản, Úc, các nước châu Âu. Ngành lúa gạo Cần Thơ tiếp tục chú trọng phát triển gạo chất lượng cao, gạo thơm, gạo hữu cơ và đa dạng các sản phẩm từ gạo.
Còn Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, gạo của Đồng Tháp xuất khẩu sang 24 thị trường (chủ yếu là châu Á). Toàn tỉnh có 26 DN kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó có 16 DN có trụ sở chính tại Đồng Tháp và 10 DN không có trụ sở chính tại tỉnh nhưng có kho và cơ sở xay xát lúa gạo đóng trên địa bàn.
Hằng năm, lượng gạo của tỉnh cung ứng cho các DN ngoài tỉnh để xuất khẩu tương đối lớn, khoảng trên 1 triệu tấn, nhưng lượng gạo xuất khẩu của các DN trong tỉnh không nhiều. Riêng năm 2019, xuất khẩu 270.000 tấn gạo. Hiện nay, một số DN xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, định hướng sẽ thực hiện xuất khẩu trực tiếp.
Nông dân dự trữ chờ giá cao hơn
Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long (Bạc Liêu) chia sẻ: Sau khi có thông tin ngưng xuất khẩu lúa gạo, giá lúa tại Bạc Liêu giảm khoảng 200 - 500 đồng/kg. Đúng là có hiện tượng thương lái lợi dụng thông tin trên ép giá nông dân. Rất may, giá lúa chỉ xuống một hai hôm lại tăng trở lại.
Ông Hiền cho biết, vụ lúa ĐX tại huyện Phước Long chủ yếu sạ giống Đài Thơm 8, ST, Một bụi đỏ… Hiện giá lúa khô đang ở mức khá cao.
Cụ thể nếu giá lúa tươi Đài Thơm 8 có giá dao động 5.800 - 5.900 đồng/kg, thì giá lúa khô khoảng 7.000 đồng/kg (chênh lệch từ 1.100-1.200 đồng/kg, bên cạnh đó thời tiết đang rất thuận lợi cho việc phơi lúa, nên nhiều nông dân cũng phơi lúa, dự trữ chờ giá tăng cao mới bán).
Toàn huyện Phước Long có 13.736 ha, trong đó vụ ĐX sớm xuống xuống 7.182 ha, đã thu hoạch xong, năng suất đạt từ 7,5 - 7,8 tấn/ha. Còn lại là 6.554 ha ĐX chính vụ bắt đầu thu hoạch trong tháng 4, đến cuối tháng 5 sẽ thu hoạch dứt điểm.
Anh Nguyễn Hoàng Trưởng, thương lái thu mua lúa từ Kiên Giang, cho biết: Giá lúa 2 ngày nay bắt đầu tăng trở lại, theo đó lúa Đài Thơm 8 có giá 5.800 - 5.900 đồng/kg, tăng 200 - 500 đồng/kg, tùy theo lúa, giống OM 18 có giá 5.700 đồng/kg, tuy giá lúa đang ở mức cao, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa muốn bán.
“Mặt dù có thông tin ngưng xuất khẩu lúa gạo, nhưng lúa chỉ giảm nhẹ khoảng 200 đồng/kg, và mấy ngày nay giá lúa lên trở lại. Trước vấn đề an ninh lương thực, xuất hiện tâm lý giá lúa sẽ tăng nên nhiều người chưa muốn bán. Mỗi ngày tôi thu mua 100 - 300 tấn, ngoài ra còn dự trữ được khoảng 1.000 tấn tại nhà", anh Trưởng cho biết.
Ông Châu Văn Thụ, ngụ ấp Ninh Hiệp, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu), cho biết: "Gia đình ông xuống giống 1,8 ha lúa Đài Thơm 8, lúc đầu nhiều thương lái lại hỏi mua, đặt cọc với giá 5.500 - 5.700 đồng/kg, nhưng gia đình không bán, sau đó có thông tin ngưng xuất khẩu gạo, chúng tôi rất lo lắng sợ giá lúa sẽ giảm. Mấy ngày nay nghe giá lúa tăng tôi mới nhẹ cả người".
Theo ông Phan Văn Sáu, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bạc Liêu: Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp là Công ty Lương thực Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) còn tồn kho 221 tấn gạo, 169 tấn lúa. Công ty Lương thực Bạc Liêu từ đầu năm đến nay chưa xuất khẩu được kg nào, số lượng gạo tồn kho mới mua cách đây vài ngày là 971 tấn.
Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Hậu Giang cho biết, vụ lúa ĐX 2019-2020, toàn tỉnh gieo sạ được 77.820 ha, đến nay đã thu hoạch được hơn 70.000 ha, ước năng suất bình quân đạt 7,68 tấn/ha, cao hơn cùng kỳ 0,34 tấn/ha. Dự kiến hết tháng 3 này nông dân trong tỉnh sẽ thu hoạch dứt điểm lúa vụ lúa ĐX. Ước sản lượng cả vụ đạt gần 600 ngàn tấn, tăng hơn 22 ngàn tấn so với cùng kỳ và tăng hơn 43 ngàn tấn so với kế hoạch.
Vụ lúa ĐX này, nông dân Hậu Giang chủ yếu sử dụng các giống lúa thuộc nhóm giống chất lượng cao, có đặc điểm thích nghi tốt tại địa phương, phù hợp với nhu cầu của thị trường, như: OM 5451, Đài Thơm 8, OM 18, RVT, Jasmine 85, ST 24… Nhờ đó, việc tiêu thụ cũng khá thuận lợi, nông dân đạt lợi nhuận cao.
Không chỉ trúng mùa, đạt sản lượng cao mà giá bán lúa tươi trong vụ ĐX 2019-2020 cao hơn vụ ĐX trước đó khá nhiều, dao động tăng từ 500 – 700 đồng/kg. Riêng giống lúa ST 24 cao hơn cùng kỳ tới 1.700 đồng/kg, do hiệu ứng từ kết quả cuộc thi gạo ngon nhất thế giới vừa qua.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang: Vụ lúa ĐX 2019-2020 tổng diện tích toàn tỉnh xuống giống là 229.421 ha, trong đó nếp khoảng 44.064 ha. Đến ngày 25/3 đã thu hoạch khoảng 180.000 ha, sản lượng ước khoảng 900.000 tấn.
Trong đó, nếp đã thu hoạch được 30.000 ha, sản lượng khoảng 210.000 tấn. Giá lúa tươi bán tại ruộng ngày 30/3 dao động từ 5.000-5.900 đồng/kg (tùy loại lúa), tăng từ 100-200 đồng/kg so với tuần trước. Riêng lúa nếp tươi bán tại ruộng giá 5.650 - 5.800 đồng/kg, không tăng không giảm so với tuần trước.