Mở đường hội nhập cho nông sản
- Thứ ba - 11/10/2016 04:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Quy mô sản xuất được mở rộng
Thịt gà Tiên Yên là món ngon nổi tiếng của huyện Tiên Yên. Nếu như trước đây, người dân mới chỉ chăn nuôi gà nhỏ lẻ thì nay nhờ thực hiện hiệu quả các dự án ứng dụng KHCN trong khâu tạo giống, xây dựng thương hiệu, gà Tiên Yên đã trở thành một trong những vùng chăn nuôi tập trung giúp người dân nâng cao thu nhập. Để đạt được kết quả này, hai dự án quan trọng về KHCN đã được Tiên Yên triển khai phải kể đến đó là “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình chăn nuôi sinh sản theo quy mô công nghiệp và nuôi thương phẩm bán chăn thả giống gà Tiên Yên” và dự án “Ứng dụng KHCN thụ tinh nhân tạo sản xuất gà Tiên Yên tại Tiên Yên”. Đặc biệt, dự án ứng dụng KHCN thụ tinh nhân tạo sản xuất gà Tiên Yên do Công ty CP Phát triển chăn nuôi nông, lâm, ngư nghiệp Phúc Long triển khai tháng 3-2015 đã không những tạo bộ giống gà Tiên Yên với đặc điểm di truyền ổn định, có đặc điểm nhận dạng đặc trưng mà còn đáp ứng nhu cầu nguồn con giống quy mô lớn cho thị trường. Được biết, trong 2 năm 2015-2016, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã cấp kinh phí 880 triệu đồng cho Công ty Phúc Long để thực hiện lưu giữ giống gốc gà Tiên Yên. Năm 2015, Công ty đã sản xuất và cung ứng 20.000 con gà giống và năm 2016 sẽ dự kiến sản xuất 50.000 con giống cung ứng cho người chăn nuôi.
Cũng như sản phẩm gà Tiên Yên, nhờ ứng dụng KHCN nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh được mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng. Theo thống kê của Sở KH&CN, giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh đã triển khai 118 nhiệm vụ KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2006-2010 với tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ gần 200 tỷ đồng. Các nhiệm vụ đã tập trung vào nghiên cứu sản xuất giống và thử nghiệm nuôi, trồng các giống cây, con có giá trị kinh tế, nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị sản phẩm, chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống... Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hợp tác KHCN, nhiều giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế đã được chuyển giao. Một số giống mới và công nghệ canh tác tiên tiến của Israel, Nhật Bản, Đài Loan đã được áp dụng có hiệu quả góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đa dạng hoá các loại hình sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy việc hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như vùng trồng vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí) 315ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn, vùng chè Hải Hà quy mô trên 980ha, sản lượng 10.000 tấn chè tươi/năm, vùng rau an toàn Quảng Yên quy mô 186ha sản lượng hàng chục ngàn tấn rau/năm...
Nông sản có thương hiệu
Bên cạnh việc góp phần xây dựng vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, KHCN còn có đóng góp quan trọng để những sản phẩm nông sản của Quảng Ninh có thương hiệu.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng thương hiệu cho 30 sản phẩm nông sản, có 280 sản phẩm tham gia chương trình OCOP thu hút sự tham gia của 119 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tham gia sản xuất sản phẩm, dịch vụ trong chương trình OCOP. Cùng với việc hướng dẫn các địa phương xây dựng hồ sơ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất, bắt đầu từ năm 2015, tỉnh đã tổ chức phân hạng, cấp sao cho các sản phẩm và đề nghị Sở KH&CN đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm. Các dự án xây dựng thương hiệu đã giúp các sản phẩm nông sản Quảng Ninh được thị trường chấp nhận, nhiều sản phẩm đã lên kệ các siêu thị lớn, có mặt tại nhiều hội chợ, giá bán tăng như: Rượu ba kích tím Ba Chẽ, vải chín sớm Phương Nam, nếp cái hoa vàng Đông Triều, rau an toàn Quảng Yên... Bên cạnh đó, một số sản phẩm nông sản của tỉnh đã được chế biến sâu và đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường châu Âu, Mỹ và Nhật Bản như: Ruốc hàu Thái Bình Dương, nghệ vàng...
Giai đoạn 2016-2020, vai trò KHCN tiếp tục được khẳng định là lực đẩy quan trọng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân trong xây dựng nông thôn mới. Các dự án KHCN trong giai đoạn này được tỉnh xác định là tiếp tục phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nghiên cứu vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là khâu tạo giống các giống lúa chất lượng cao, giống hoa lan, rau, hoa chất lượng cao, phục tráng giống lợn Móng Cái, nuôi giữ, bảo tồn quỹ gen đàn giống gà Tiên Yên, gà Trới... Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển, quảng bá thương hiệu để nông sản Quảng Ninh có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập người dân.
Phương Thuý
Nguồn: baoquangninh.com