Mô hình Làng mới ở nông thôn Việt Nam

Từ phong trào Saemaul hay còn gọi là phong trào Làng mới tạo ra bước đột phá cho sự phát triển của nông thôn Hàn Quốc trong thập niên 60,70 của thế kỷ trước. Năm 2012, chính phủ Hàn Quốc thông qua cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thử nghiệm phát triển nông thôn theo mô hình Làng mới tại một số địa phương của Việt Nam và đã đạt được những kết quả nhất định. Hiện, KOICA tiếp tục hỗ trợ chương trình ở Lào Cai và Quảng Trị với quy mô lớn hơn. Việc vận dụng mô hình này vào Việt Nam đang có những bước khởi đầu tốt đẹp, đồng thời đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm từ phía người dân và các cấp chính quyền trong quá trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam.
Thu hoạch cà-phê ở Công ty cà-phê Thắng Lợi (Đác Lắc).

 

Một trong những địa bàn đầu tiên được chọn phát triển theo mô hình Làng mới là xã Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Đây là nơi từng diễn ra chiến tranh ác liệt, và gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức sinh kế cho người dân sau hòa bình. Khi được tiếp nhận hỗ trợ của dự án, tinh thần tự chủ - đoàn kết - sáng tạo của phong trào Saemaul Undong đã được truyền tải tương đối tốt cho cộng đồng. Tuy nhiên, do phạm vi nhỏ (trong xã) cho nên sức lan tỏa của chương trình chưa mạnh, không thể chế hóa được về lâu dài.

Còn tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pác (Đác Lắc), mô hình này đã được áp dụng sáng tạo. Tại đây, người dân xây dựng mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự. Trước đây, mỗi vụ cà-phê, trong xã thường xuyên xảy ra tình trạng mất trộm, gây thiệt hại lớn cho người trồng và gây mất ổn định an ninh trật tự. Để giải quyết tình trạng này, người dân tại các thôn đã tổ chức các tổ an ninh trật tự, có từ ba đến năm thành viên. Chính quyền xã hỗ trợ các công cụ làm việc cần thiết như đồng phục, gậy cao-su và người dân/chủ vườn cà-phê đóng góp 1 kg cà-phê/ha làm chi phí hoạt động cho tổ. Tổ an ninh có nhiệm vụ tuần tra hằng đêm, bảo đảm vườn cà-phê không bị xâm phạm. Nếu có mất mát xảy ra, chủ vườn sẽ nhận được đền bù đúng với số cà-phê bị mất trộm. Tổ an ninh đưa ra quy chế “người lấy cắp cà-phê nếu bị bắt sẽ bị phạt gấp mười lần số lấy cắp” nhằm răn đe và được người dân đồng tình thông qua. Mô hình tổ an ninh hoạt động hiệu quả, tình trạng mất trộm cà-phê có hệ thống đã hoàn toàn được xóa bỏ, tình hình an ninh thôn xóm cũng được bảo đảm.

Đây cũng là xã thực hiện tốt việc huy động sức mạnh và nguồn lực của cộng đồng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho nông thôn mới. Phương pháp “dùng cộng đồng để vận động cộng đồng” phát huy hiệu quả rõ rệt. Khi một công trình đường giao thông được thực hiện thi công, hàng trăm người dân trong thôn đổ ra cùng tham gia giám sát bảo đảm thực hiện đúng chất lượng. Các công trình được người dân lựa chọn các tổ thợ thực hiện dựa trên thiết kế được duyệt, người dân tự giám sát, thay vì thuê trọn gói thông qua công ty xây dựng. Nhờ vậy, rất nhiều chi phí được cắt giảm, công trình đạt chất lượng cao. Thí dụ, chi phí xây dựng một km đường thay vì từ 1,2 đến 1,4 tỷ đồng như dự toán của Nhà nước, đã được thực hiện với chi phí chỉ 700 đến 800 triệu đồng tại xã Hòa Đông.

Đồng thời, xã Hòa Đông phát triển rất tốt mô hình phát triển sinh kế và xóa đói, giảm nghèo. Trong số 19 buôn của xã Hòa Đông, có ba buôn là người dân tộc Ê Đê, có đời sống rất khó khăn, do đất canh tác giới hạn và do đặc điểm của đồng bào Ê Đê không đi làm thuê. Để thay đổi tâm lý của người dân, cán bộ xã và lãnh đạo cộng đồng đã tạo ra các thí dụ để người dân noi theo như vận động một số thanh niên trong buôn đi làm thuê và nhận được thu nhập tốt đã khiến người dân thay đổi quan điểm, tham gia đi làm thuê nâng cao thu nhập. Đối với các trường hợp hộ nghèo không có đất canh tác, những người trong họ tộc được vận động đóng góp một phần đất làm sinh kế cho hộ nghèo. Kết quả cho tới nay, xã Hòa Đông chỉ còn 2% số hộ nghèo, là các hộ do mất khả năng lao động…

Nguyên Viện trưởng Chính sách và Phát triển chiến lược nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Đặng Kim Sơn cho rằng, mô hình "phong trào Làng mới" của Hàn Quốc xét từ góc độ giảm nghèo có những điểm tương đồng với Việt Nam, nhưng cũng có những khác biệt. Trong thời gian tới, để vận dụng mô hình này hiệu quả, chúng ta cần phát huy những điểm tương đồng và chọn lọc được những cách làm hay của Hàn Quốc để áp dụng cho Việt Nam.

Vấn đề cốt lõi nhất của "phong trào Làng mới" là thay đổi tư duy của người dân và từ đó khuyến khích người dân tự vươn lên thoát nghèo, tiến lên khá giả trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, hợp tác, đoàn kết, thay đổi thói quen hành động, phương thức suy nghĩ tích cực, tránh lười biếng, ỷ lại của người dân. Đồng thời, cách làm của phong trào Làng mới của Hàn Quốc là huy động nguồn lực đóng góp của người dân là chính, Nhà nước hỗ trợ chỉ có tính chất "xúc tác", trao quyền, phân cấp mạnh cho cộng đồng làng, xã. Tăng cường vai trò tự quản của địa phương, sự chủ động, tích cực và sáng tạo của cộng đồng làng, xã để phát huy nội lực cộng đồng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững trong giai đoạn mới.


Theo Nguyễn Khang/nhandan.org.vn