Mô hình không lo âu

Tôi gọi luân canh tôm - lúa là mô hình không tham lam, khi mà ở đó mọi thứ đều cân bằng, bền vững và nông dân cười rất tươi.
Niềm vui trên mô hình tôm - lúa
Tham lam, can thiệp thô bạo vào tự nhiên, bóc đi của đất mẹ nhiều, chẳng chóng thì chầy sẽ nhận được sự đáp trả đầy giận dữ… Thế nên tôi gọi luân canh tôm - lúa là mô hình không tham lam, khi mà ở đó mọi thứ đều cân bằng, bền vững và nông dân cười rất tươi.
Không một đối tượng nuôi nào đem lại cho người nông dân cảm giác “lên voi, xuống chó” nhanh như nuôi tôm công nghiệp.
Năm trước báo đài kéo đến rầm rầm để tung hô về một điển hình triệu phú, tỷ phú nhưng năm sau có thể nhà đã bị ngân hàng xiết, còn có vị đại gia năm nào bỏ xứ phiêu bạt để trốn cả núi nợ trên vai.
Làm giàu là cái gì mà khiến bao người đâm vào như con thiêu thân để rồi liêu xiêu vì nó? Cổ nhân đã dạy: “Muốn nhanh hãy bò, muốn chậm hãy chạy” bởi bò thì chắc chắn không bị ngã đau, còn chạy thì có thể va vấp nên còn chậm hơn cả bò.

 

Thay vì độc canh con tôm hay cây lúa, mô hình luân canh tôm - lúa được coi là một trong những trụ cột của ngành nông nghiệp ba tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang giữa thời buổi hiệu ứng của biến đổi khí hậu mỗi ngày một lộ rõ.
Việc xâm nhập mặn liên tục đã tạo ra một hệ sinh thái mới khiến người nông dân ven biển phải xoay vòng giữa nuôi tôm và trồng lúa.
Trong những tháng đầu năm, vào mùa khô, khi độ mặn của đất trong khu vực tăng, người nông dân bắt đầu nuôi tôm. Khi những cơn mưa lớn đến vào mùa hè, đất đai được thau chua rửa mặn, người nông dân lại chuyển sang trồng lúa.
Lúa tôm song hành là thế nhưng người nông dân thường chỉ tôn thờ con tôm còn bỏ rơi cây lúa vì cho rằng cấy lúa hiệu quả kinh tế thấp.

 

Điều này có nguyên nhân sâu xa bởi các giống lúa thuần truyền thống chưa phù hợp với vùng ngập mặn, cho thu hoạch bấp bênh, năng suất, hiệu quả thấp. Kể từ khi Bayer Việt Nam tung ra giống lúa lai Arize B-TE1 mọi thứ đã thay đổi.
Cái khó thay đổi nhất là định kiến của người nông dân về lúa lai ở một xứ trước giờ chỉ có biết đến lúa thuần cũng đã mỗi ngày một khác. Hiện tại có lẽ Arize B-TE1 là giống lúa lai duy nhất thành công ở đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là trên vùng luân canh lúa tôm.
Vì sao? Vì năng suất cao hơn lúa thuần ít nhất 20 - 30%, vì tạo điều kiện môi trường rất tốt cho con tôm phát triển. Vì người nông dân có thể kê cao gối mà ngủ chứ không còn nơm nớp lo âu như thủa còn độc canh tôm. Hãy nghe những gì nông dân nói!

 

Mô hình tôm lúa Arize B-TE1 trên diện tích ½ ha của anh Đồng Văn Lần (ấp Sơn Trắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) lấy luôn đối chứng là một giống lúa OM 2395 đang trồng khá phổ biến ở địa phương.
Arize B-TE1 cho 3,89 tấn lúa còn OM 2395 cho 3,46 tấn. Ruộng Arize B-TE1 sau đó đem nuôi tôm cho 89 kg, còn ruộng lúa thông thường chỉ cho 81,5 kg. Tổng cộng cả tôm lúa anh Lần lợi nhuận đạt 45 triệu/1/2 ha, tương đương 90 triệu đồng/ha.
Không chỉ hiệu quả, các mô hình bền vững phải đi đôi với môi trường. Nếu như các giống lúa thuần địa phương hay bị sâu cuốn lá nên phải phun xịt thuốc nhiều lần, ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo, con tôm đã đành mà còn tổn hại sức khỏe của nông dân.
Do là giống lúa lai nên Arize B-TE1 có sức chống chịu rất khỏe, nó chỉ nhiễm nhẹ các loại sâu bệnh nên hoàn toàn có thể không cần sử dụng thuốc BVTV.
Anh Đồng Văn Lần nói: “Arize B-TE1 rất phù hợp với vùng đất tôm lúa ở đây. Qua hai năm trồng, tôi thấy lợi nhuận thu được từ lúa tôm đều cao hơn mô hình sử dụng giống lúa địa phương. Lúa lai năng suất cao lại dễ canh tác đã đành, sau vụ lúa cải tạo ao để nuôi tôm cũng mau lớn, sạch bệnh hơn”.

 

Nông dân Phan Văn Thoàng (ấp Tapasa II, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) và nông dân Nguyễn Thanh Sơn ở ấp Xáng 2, xã Đông Hòa, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang tuy khác biệt nhau ở vùng miền nhưng cùng có chung một nhận xét là việc chọn giống lúa để canh tác trên nền tôm rất quan trọng vì không chỉ tăng năng suất cho lúa mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của nuôi tôm.  
Arize B-TE1 đã trở thành lựa chọn số một của họ. Người nông dân khi canh tác tôm lúa chỉ cảm thấy lờ mờ là chúng tương hỗ tốt cho nhau nhưng để cắt nghĩa tại sao thì chịu.
Chính vì thế mà mới đây tại Kiên Giang, Bayer đã phối hợp với Khoa Thủy sản, ĐH Cần Thơ cùng Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang công bố kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học có tên: “Tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến hiệu quả nuôi tôm ở vùng tôm lúa Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang”.
Cũng ngay tại hội thảo, đại diện của Bayer đã công bố một tin chấn động rằng trong thời gian sắp tới sẽ tung ra thị trường giống lúa có thể chịu được độ mặn 12/ngàn thay vì 6/ngàn như hiện nay. Đó quả thực là một cuộc cách mạng để trong tương lai gần con tôm có thể “ôm” cây lúa một cách thắm thiết hơn.
Được nghiên cứu từ năm 2012 đến 2014 với mục đích tìm hiểu cơ chế và chứng minh tác động tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 đến sức khỏe của con tôm, lần đầu tiên Bayer đã đăng ký bảo hộ toàn cầu cho một giải pháp khoa học - kỹ thuật nông nghiệp là đề tài tôm lúa.
Ông Torsten Velden, Giám đốc Bayer CropScience Việt Nam tự tin khẳng định: “Với vai trò là công ty hàng đầu về nông nghiệp và cây lúa, Bayer rất vui mừng công bố kết quả tích cực của giống lúa lai Arize B-TE1 trong luân canh tôm lúa…
Kết quả này cũng đồng thời chứng minh cho người nông dân thấy các sản phẩm nông nghiệp thứ cấp (lúa) cũng có thể tác động tích cực đáng kể lên năng suất của các sản phẩm nông nghiệp chính (tôm)”.
Dù hiện tại thương lái đang thu mua lúa lai thương phẩm thấp hơn lúa thuần nhưng bởi năng suất vượt trội, đơn giản trong canh tác, tác động tích cực hơn với việc nuôi tôm sau này nên hiệu quả kinh tế cuối cùng của nuôi tôm và cấy lúa lai vẫn cao hơn nhiều nuôi tôm và cấy lúa thuần.
Bởi thế riêng ở vùng nước lợ, mỗi năm đã có hơn 20.000 ha và hơn 20.000 nông dân chọn sử dụng giống Arize B-TE1.
Theo: nongnghiep.vn