Mô hình phát triển nông thôn mới bền vững
- Thứ sáu - 17/04/2015 00:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chúng tôi được biết, tùy địa hình và điều kiện địa lý ở mỗi nơi, mỗi địa phương mà các địa phương, các nơi xác định làm cụm, nơi khác xây dựng DCVL.
Những nơi hình thành cụm tuyến DCVL đều là những nơi đồng ruộng không bị ảnh hưởng bởi lũ, chỉ cần tôn nền để bảo đảm ”sống chung với lũ” an toàn. Hầu hết các cụm DCVL được quy hoạch và đầu tư bài bản hệ thống hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện, nước, cống thoát nước. Có những cụm DCVL đã hình thành cả dịch vụ thu gom rác như ở khu vực đô thi. Đường sá vuông vức, ôtô có thể vào đến cửa từng nhà, các cụm DCVL đã dần dần có diện mạo, nói như lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ”đẹp như đô thị”.
Còn ở những khu vực gần sông, dọc các con nước, mô hình thường được chọn là tuyến DCVL. Tuyến vừa là khu vực được tôn cao, dọc các con sông, vừa làm nơi sinh sống của người dân, vừa là đường giao thông nông thôn, vừa đê bao bảo vệ ruộng đồng. Trên tuyến, những công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cũng được chú trọng đầu tư. Đơn cử như tuyến DCVL Cái Côn (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), cùng với sự hình thành của tuyến, hệ thống trường mầm non, trường tiểu học, trạm xá cũng được đầu tư xây dựng từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu khác. Trước đó, kể từ sau giải phóng, khu vực này không có đường giao thông, không có trường học.
Vậy là tại các cụm, tuyến DCVL đã và đang hình thành những mô hình nông thôn mới. Thay vì bám sông nước như trước kia, các hộ dân giờ quần tụ xung quanh các trục đường bộ được đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và dần hình thành các dịch vụ đô thị...
Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nhận định: Các cụm, tuyến DCVL chính là các yếu tố hình thành các khu vực đô thị trong nông thôn, các trung tâm cụm xã hình thành trong tương lai. Do vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương phải sớm nghiên cứu xây dựng và áp dụng quy chế quản lý các khu vực mang tính đô thị trong vùng nông thôn này. Các địa phương không để các hộ dân cơi nới lấn chiếm chỉ giới xây dựng và cần tính tới việc thu gom, xử lý rác cho các cụm, tuyến DCVL...
Chia sẻ với chúng tôi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Liên Khoa cho biết: Với nhận thức, Chương trình là điều kiện để sắp xếp dân cư, cải thiện điều kiện ở của người dân trong mùa lũ. Do vậy những năm qua, Hậu Giang coi việc triển khai Chương trình là nhiệm vụ quan trọng. Điều đáng mừng là Chương trình cũng nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Đến nay Hậu Giang đã cơ bản hoàn thành việc đưa dân vào ở các cụm, tuyến DCVL trên địa bàn tỉnh. Hơn 3.000 hộ dân đã có chỗ ở mới, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong mùa lũ.
”Chương trình có tính an sinh xã hội rất cao, có ý nghĩa lớn đối với ĐBSCL, trong đó có Hậu Giang”- ông Khoa nhấn mạnh.
Không chỉ Hậu Giang, các địa phương khác cũng như các bộ ngành liên quan cũng đánh giá rất cao ý nghĩa và hiệu quả của Chương trình. Theo Bộ Xây dựng, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là Chương trình trọng điểm, có tính chiến lược của Chính phủ. Chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Sau 13 năm triển khai, Chương trình đã đảm bảo cho hơn 200.000 hộ dân, tương đương khoảng hơn 1 triệu người có điều kiện sinh sống an toàn, ổn định. Đặc biệt là các hộ gia đình nghèo đã xây dựng được nhà ở khang trang, an tâm lao động sản xuất và từng bước thoát nghèo bền vững. Qua các trận lũ lớn, đặc biệt trong năm 2011 xuất hiện trận lũ rất lớn (nhiều nơi mức ngập cao hơn mức ngập của trận lũ năm 1961 và năm 2000 là những năm xảy ra các trận lũ lớn lịch sử) nhưng hầu hết các cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư thuộc Chương trình giai đoạn 1 và giai đoạn 2 vẫn đảm bảo an toàn. Thiệt hại về người và tài sản trong trận lũ năm 2011 chưa đến 15% so với năm 2000. Nhà nước và các địa phương không phải tốn thời gian và kinh phí để thực hiện di dời và hỗ trợ cho người dân vùng lũ.
Cũng theo Bộ Xây dựng, Chương trình cũng chính là một trong các mô hình góp phần phát triển nông thôn mới bền vững. Nhiều khu dân cư vượt lũ có quy mô lớn, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầy đủ, khi người dân vào ở đã hình thành các thị tứ, thị trấn sầm uất, từng bước hình thành cuộc sống đô thị trong vùng, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn của vùng ĐBSCL.
Quý Anh
Theo baoxaydung.com.vn