Mô hình sản xuất trang trại theo hướng an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao

Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Ngọc Châu (Tân Yên) có thu nhập cao từ mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn kết hợp với thả cá. Trong đó, mô hình sản xuất của gia đình bác Trần Công Thịnh ở thôn Lộc Ninh là một trong những trang trại điển hình, đạt hiệu quả kinh tế cao và được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm loại A.

 

 

Theo cán bộ khuyến nông xã, chúng tôi đến tham quan mô hình ao - chuồng kết hợp của gia đình bác Thịnh. Thấp thoáng bên đường là ngôi nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi. Nét mặt vui vẻ, phấn khởi, bác Thịnh vừa rót nước mời khách vừa chia sẻ về quá trình xây dựng và phát triển trang trại quy mô như ngày nay.

Bác Thịnh (thứ 3 từ bên trái) chia sẻ kinh nghiệm với đoàn tham quan 

Năm 1995 là thời điểm gia đình bác đổi ruộng và thầu thêm diện tích đồi xung quanh cải tạo thành vườn, chăn nuôi lợn quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế thấp. Đến năm 2000, gia đình bác xuống ở hẳn tại thôn Lộc Ninh và xây dựng thêm chuồng chăn nuôi lợn. Lúc đầu do vốn còn ít, bác chỉ nuôi mỗi lứa từ 30-40 con lợn và đào thêm ao thả cá. Nguồn vốn tích lũy có được cộng với số tiền vay từ người thân, gia đình bác quyết định đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi lợn thịt, xây dựng thêm khu chuồng riêng nuôi lợn nái sinh sản nhằm chủ động con giống. Đồng thời, bác thuê máy móc về cải tạo lại bờ ao thành từng khu nuôi cá riêng biệt. Nhờ có kinh nghiệm trong chăn nuôi lại dám nghĩ dám làm nên vài năm sau nguồn thu nhập từ chăn nuôi giúp gia đình bác có tiền trang trải hết nợ, kinh tế dần khá lên. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất bác Thịnh không ngừng tìm hiểu những giống mới để vận dụng vào chăn nuôi tại gia đình. Năm 2010, bác xuống tận trại giống của tỉnh mua giống lợn siêu nạc về nuôi gây giống thay thế giống cũ trước đây, từ đó mà giá trị kinh tế từ chăn nuôi lợn ngày được tăng lên.

Khi được hỏi về bí quyết trong chăn nuôi giúp trang trại của gia đình được công nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm loại A, bác Thịnh chia sẻ, để có được kết quả như trên gia đình bác luôn thực hiện bảo đảm các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi từ khâu chọn giống tốt, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng nuôi theo định kỳ, sử dụng nguồn cám đã qua kiểm dịch, dùng nước giếng khoan trong chăn nuôi, lợn bị bệnh sau khi khỏi ốm phải đủ 20 ngày mới được xuất bán ra thị trường và xử lý chất thải qua hầm biogas.

Hiện, gia đình bác nuôi 27 lợn nái sinh sản và 1 lợn đực giống. Do chủ động nguồn giống tại chỗ nên gia đình bác xuất bán ra thị trường gần 200 đầu lợn thương phẩm mỗi lứa. Bác Thịnh cho biết, để nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao gia đình bác đầu tư xây dựng khu chăn nuôi lợn thịt và lợn nái sinh sản riêng rẽ. Hệ thống chuồng nuôi được chia thành những ô dành cho từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của lợn, thuận lợi cho quá trình theo dõi, chăm sóc nuôi dưỡng. Chuồng nuôi bảo đảm thoáng mát về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Nguồn thức ăn được dùng chủ yếu là cám công nghiệp của các hãng lớn như CP, Cargil... Nhờ đó mà đàn lợn của gia đình bác ít bị dịch bệnh, nhanh lớn, cho hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm từ chăn nuôi giúp gia đình bác thu lãi khoảng 250-300 triệu đồng.

Khu ao nuôi cá của gia đình bác gồm 4 ao nuôi riêng, trong đó 2 ao cá thịt có diện tích lớn và 2 ao ương nuôi cá giống. Trong các ao nuôi cá thịt bác đầu tư mua máy phun mưa, máy quạt nước tạo oxy giúp cá không bị ngạt khi thời tiết thay đổi hay khi mật độ cá dày. Loài cá được chọn nuôi chủ yếu là cá rô phi đơn tính vì đây là giống cá sinh trưởng phát triển nhanh, cho giá trị kinh tế cao và được thị trường ưa chuộng. Ngoài ra để tận dụng nguồn thức ăn ở các tầng mặt nước, gia đình bác Thịnh thả nuôi thêm một số loại cá truyền thống như trôi, mè, chép, trắm...

Theo bác Thịnh, muốn nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao thì phải vệ sinh ao nuôi  sạch sẽ trước khi thả cá, nguồn nước phải đảm bảo đủ lượng ôxy, cần phải chọn giống cá tốt, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật. Khi thu hoạch cá xong cần dọn sạch ao nuôi cá, tháo cạn nước, bón vôi, phơi đáy nứt chân chim và cần chủ động được nguồn nước cấp thoát trong ao... Đây là những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất và sản lượng ao nuôi. Do làm tốt các khâu kỹ thuật và bảo đảm môi trường ao nuôi nên mỗi năm gia đình bác thu hoạch 2 lứa cá thương phẩm, sản lượng trung bình đạt từ 10-11 tấn/ lứa, đặc biệt có những lứa nuôi tốt đạt 13 tấn cá. Với giá bán trung bình tại ao là 25 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí gia đình bác thu lãi hơn trăm triệu đồng mỗi năm.

Mô hình phát triển kinh tế trang trại nuôi lợn kết hợp với thả cá của gia đình bác Thịnh là tấm gương sáng trong sản xuất đạt hiệu quả cao lại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để mọi người học tập và làm theo.

Theo Kim Lan/khuyennongvn.gov.vn