Mô hình xã nông thôn mới đã trở thành hiện thực

Mô hình xã nông thôn mới đã trở thành hiện thực
Sáng 16.5, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Phát biểu chỉ đạo góp ý tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh – Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) cho biết, đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất để triển khai Nghị quyết Tam nông. Qua 3 năm thực hiện, chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định. 

Thứ nhất là chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống chính trị tham gia lãnh đạo, nhân dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp thực hiện. 

Thứ hai, trong quá trình thực hiện đã xuất hiện một số mô hình sản xuất hiệu quả, có sự gắn kết giữa người dân với các doanh nghiệp, HTX, qua đó tạo được một số quan hệ sản xuất mới. 

Thứ ba, chúng ta đã huy động được nguồn lực đầu tư vô cùng mạnh mẽ, trong bối cảnh đất nước chịu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, còn nhiều khó khăn thì đây là thành công hết sức to lớn. 


Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đọc báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM 2010 – 2020.

“Đến nay, nhiều xã đã đạt chuẩn NTM và mô hình này đã trở thành hiện thực ở nhiều nơi, ngoài ra đã có nhiều xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí; một số tỉnh đã tập trung xây dựng huyện NTM. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nhiều địa phương cũng đã có một số cách làm sáng tạo, phù hợp, vận dụng hiệu quả các chính sách của Nhà nước” – Phó Thủ tướng cho biết.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Nhiều tỉnh, thành phố, bộ, ngành đã hưởng ứng, cụ thể hóa thành phong trào thi đua ở địa phương, đơn vị. Các cơ quan T.Ư và địa phương đã tích cực tổ chức quán triệt về mục đích, nội dung của chương trình. Đặc biệt là đến cuối năm 2011, đã có 100% cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể các cấp đã triển khai công tác tuyên truyền tới người dân tại thôn, bản.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình xây dựng NTM đánh giá: Công tác tuyên truyền vận động được coi trọng đã góp phần rất quan trọng giúp cán bộ và nhân dân có nhận thức đúng về chương trình xây dựng NTM; thay đổi nếp nghĩ, khắc phục một bước tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, khơi dậy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong nhân dân, tạo động lực to lớn biến chương trình thành một phong trào ngày càng lan rộng.

Vì thế mà dù triển khai thực hiện trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, chương trình xây dựng NTM vẫn huy động được sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân và đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. 

Về nguồn vốn cho chương trình, trong 3 năm 2011-2013, chương trình xây dựng NTM đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước các cấp bố trí 161.938 tỷ đồng, chiếm 33,4%; vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 50.048 tỷ đồng (10,3%), gồm ngân sách T.Ư 5.469,16 tỷ đồng (1,1%) và ngân sách địa phương 44.579,15 tỷ đồng (9,2%); vốn lồng ghép 111.889,7 tỷ đồng (23,1%); vốn tín dụng 231.378,1 tỷ đồng, chiếm 47,7%. Các doanh nghiệp hỗ trợ 29.900,91 tỷ đồng, chiếm 6%; người dân đóng góp 62.841,07 tỷ đồng, chiếm 13%. 

Đáng chú ý là vốn cho xây dựng NTM đã được tăng cường khi ngày 25.1.2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 195/QĐ-TTg phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho năm 2014 - 2016 là 15.000 tỷ đồng, trong đó bố trí cho năm 2014 là 4.765 tỷ đồng. Hiện nay, các địa phương đang tích cực phân bổ nguồn vốn này qua các kênh để sớm triển khai thực hiện ngay. 

Theo Ban Chỉ đạo T.Ư, đến quý I.2014, cả nước đã có 93,7% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch xây dựng xã NTM, đồng thời các xã cũng tiến hành lập Đề án xây dựng NTM, với 81% số xã phê duyệt xong đề án. Tuy nhiên, cũng còn một số nơi nhiều xã chưa hoàn thành công tác này như Cao Bằng, Bắc Kạn, Điện Biên, Sơn La. Chất lượng công tác quy hoạch ở nhiều nơi còn thấp, nhiều xã mới dừng ở quy hoạch chung, thiếu cụ thể hóa cần thiết. Nhiều đề án nặng về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mà chưa chú trọng đúng mức tới phát triển sản xuất, văn hoá, bảo vệ môi trường…

Có thể nói, sau 3 năm xây dựng NTM, điểm nổi bật là các địa phương đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực cho xây dựng hạ tầng, góp phần đổi mới nhanh chóng bộ mặt nông thôn, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Nhiều địa phương đã ban hành cơ chế hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với địa phương như cấp xi măng để dân tự làm đường ở Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình; hỗ trợ lãi suất để khuyến khích nông dân vay chuyển đổi cơ cấu sản xuất của TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng hoặc mua máy làm đất, máy gặt đập liên hợp của An Giang, Đồng Tháp, Thái Bình; chính sách phát triển mỗi làng một sản phẩm của Quảng Ninh...

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư, một trong những thành công nổi bật của chương trình chính là đầu tư phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, với 11,6% số xã đạt tiêu chí giao thông; 31,7% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; 67,2% số xã đạt tiêu chí về điện… Tuy nhiên, phát triển kết cấu hạ tầng cấp xã còn chưa đồng bộ và chưa đồng đều giữa các vùng. Các địa phương miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Cửu Long có tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng chậm do điều kiện địa hình chia cắt, suất đầu tư lớn, trong khi nguồn lực còn hạn chế. Việc quản lý, duy tu và bảo dưỡng các công trình hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế tài chính để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho biết, với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành từ T.Ư đến địa phương, mức đạt các tiêu chí NTM đã tăng lên rõ rệt, từ bình quân 4,7 tiêu chí/xã năm 2011, nay đã đạt bình quân 8,47 tiêu chí/xã. Đặc biệt là cả nước đã có 185 xã đạt 19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 2,05%; số xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí là 622 xã, chiếm 6,9%.

“Điều đáng mừng là triển khai xây dựng NTM, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về xây dựng NTM đã có chuyển biến rõ rệt. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào rộng khắp trong cả nước. Dân chủ cơ sở, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân từng bước được nâng lên rõ rệt. Nhờ đó mà chương trình đã phát huy được nhiều cách làm hay, góp phần huy động được nhiều nguồn lực đóng góp cho xây dựng NTM” – Bộ trưởng Phát khẳng định.

 

Theo Danviet.vn