"Mỗi thôn ấp một nhà văn hóa, có cần vậy không?"

Ông Nguyễn Văn Thể, bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nêu vấn đề này với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tổ chức ngày 15-9 tại tỉnh này.
Ông Nguyễn Văn Thể (đứng) trình bày những giải pháp xây dựng nông thôn mới trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT ngày 15-9 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Thể phân tích: “Tôi thấy không có nhà văn hóa thì không được công nhận xã nông thôn mới. Mà có nhà văn hóa thì phát huy được gì? Một năm họp dân mấy lần? Người dân giải trí có cần đến nhà văn hóa không trong khi bây giờ công nghệ thông tin phát triển, họ có thể xem mọi thứ trên mạng".

"Tôi cho rằng nên xem lại vấn đề này bởi nếu không khéo, chúng ta đổ ra nhiều kinh phí mà không có tác động gì cả. Nên rà soát lại tiêu chí sao cho gọn nhẹ, đưa vào trọng tâm đầu tư thì nông thôn mới mới phát triển được”.

Ông Thể cho rằng nông thôn mới là chủ trương hợp lòng dân, người dân rất phấn khởi, vì vậy nhiệm kỳ qua Sóc Trăng dù là tỉnh nghèo nhưng cũng dành nguồn ngân sách nhất định hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và hiện đã có 21/80 xã trong tỉnh được công nhận xã nông thôn mới.

Tuy nhiên ông Thể cho biết vấn đề mà tỉnh lo lắng nhất là “5 năm sau thì liệu 21 xã nông thôn mới có còn là xã nông thôn mới nữa không” vì có thể vướng tiêu chí thu nhập.

Ông Thể giải thích có lo lắng này vì nếu những năm tới biến đổi khí hậu lặp lại như năm 2016 thì nhiều hộ dân sẽ trở nên nghèo hơn, tiêu chí thu nhập của hộ dân vì vậy không đạt chuẩn nông thôn mới.

"Để xây dựng nông thôn mới có hiệu quả trong điều kiện của Sóc Trăng và ĐBSCL như bây giờ, đề nghị phải làm sao tạo công ăn việc làm cho bà con, không để họ đi TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ làm ăn bởi đến đó họ làm một đồng ăn một đồng, chi phí đi lại rồi cũng hết.

Những xã nông thôn mới phải hình thành các hợp tác xã (vài trăm hecta đất) để có pháp nhân liên kết sản xuất với nông dân trong xã, huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã viên để tổ chức sản xuất. Chính phủ cần có cơ chế tài chính hỗ trợ hợp tác xã phát triển bền vững, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho dân.

Thứ hai, do vùng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu, đề nghị Chính phủ có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp đến tạo công ăn việc làm cho người lao động. Những ngành giày da, may mặc ở đâu “chê” chứ tới đây chúng tôi rất trân trọng bởi họ sẽ giúp bà con có công ăn việc làm ổn định”, ông Thể nêu giải pháp.

Ông Thể cũng “đặt hàng” với bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Tôi đề nghị anh Cường tham mưu Chính phủ nên có cơ chế tài chính đối với xã đã đạt được nông thôn mới để duy trì tiêu chí nông thôn mới chứ được ông này mất ông kia (xã này được công nhận nông thôn mới thì xã khác không duy trì được - PV) thì thành ra công dã tràng”.

Đáp lại, ông Cường cho biết đã trình Thủ tướng về bộ tiêu chí nông thôn mới mà theo đó sẽ “mềm” hơn khi các tiêu chí như nhà văn hóa, nghĩa trang, điện, đường, trường, trạm… sẽ do chủ tịch UBND tỉnh tự quy định.  

 
Theo CHÍ QUỐC/tuoitre.vn