Mở rộng cơ giới hóa nông nghiệp

Tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, cơ giới hóa trong nông nghiệp đang từng bước được nông dân áp dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả tích cực. Nhiều vườn bưởi da xanh có năng suất bình quân cao hơn trước đây 30% nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt I-xra-en. Ưu điểm của hệ thống tưới hiện đại là tiết kiệm hơn 50% khối lượng nước, không cần thuê nhân công, giảm bớt công bón phân.

Đối với các loại phân dễ hòa tan, có thể bón cho vườn nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt thông qua bồn pha chế gắn tại van tổng. Nhờ đó, năng suất và chất lượng, mẫu mã quả bưởi vượt trội so với bưởi được tưới theo phương pháp truyền thống. Đối với diêm dân, việc làm muối áp dụng cơ giới hóa tạo năng suất, chất lượng cao hơn hẳn. Thí dụ, máy lu nền ruộng muối được nhiều người dân sử dụng giúp giảm ngày công, nhân công lao động trước tình trạng lao động nghề muối ngày càng khan hiếm. Với máy lu, chi phí đầm nền giảm năm lần so với phương pháp truyền thống, từ đó tăng lợi nhuận. Đối với một số nông dân sản xuất lúa, việc san phẳng đồng ruộng bằng tia la-de đã được áp dụng vào canh tác cây lúa từ nhiều năm nay. Hệ thống máy san phẳng bằng tia la-de gọn nhẹ, giúp mặt đất bằng phẳng, thuận tiện cho gieo sạ lúa bằng máy; giảm chi phí sản xuất so với phương pháp truyền thống, hạn chế sâu bệnh và chủ động quản lý đồng ruộng trong quá trình canh tác, thu hoạch.

Tuy nhiên, đối với các hộ nông dân, việc ứng dụng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có những khó khăn, hạn chế nhất định. Trong đó, điều quan trọng nhất là nguồn vốn đầu tư cơ giới hóa. Mong mỏi của nông dân là các cơ quan chức năng liên quan cần hướng dẫn cụ thể để họ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra, để áp dụng cơ giới hóa rộng rãi trong các khâu của hoạt động nông nghiệp, cần nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật. Vì vậy, việc hợp tác phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ về kỹ thuật, quản lý sản xuất hiệu quả tới nông dân trong các khâu sản xuất nông nghiệp cần được quan tâm đầy đủ hơn.
 

Nguyên Lâm
nhandan.com.vn