Mở rộng sản xuất rau an toàn ở Nghệ An: Còn nhiều bất cập
- Thứ ba - 05/09/2017 05:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Khó ở khâu tiêu thụ
TP. Vinh có 8 xã có đất chuyên trồng rau và được coi là địa phương có những bước đi khá mạnh dạn trong gây dựng các vùng trồng RAT, với hy vọng sẽ có một thương hiệu riêng cho sản phẩm rau thành phố. Thế nhưng, sau bao nỗ lực đầu tư, trong 8 xã chuyên trồng rau của TP.Vinh mới chỉ có rau ở xã Nghi Ân được cấp giấy chứng nhận RAT VietGAP. Tuy nhiên, ngay tại Nghi Ân, việc mở rộng diện tích sản xuất RAT vẫn còn nhiều khó khăn.
Ông Sơn ở xóm 8, xã Kim Bình, nông dân có thâm niên trồng rau, cho biết, ngay từ năm 2007, ông bắt đầu tiếp cận phương thức sản xuất RAT. “Bây giờ tôi chỉ trồng RAT vì ngoài việc đảm bảo cho người tiêu dùng, ngay cả người sản xuất cũng an toàn hơn vì ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), khi thu hoạch cũng đủ thời gian cách ly nên không gây độc hại cho người hái. Thế nhưng, vấn đề tiêu thụ vẫn còn khó khăn. Chỉ khi rau khan hiếm mới có người đến lấy tận ruộng, còn lại gia đình tự đưa lên chợ Vinh, chợ Nghi Phú, chợ Cọi bán. RAT có giá không khác gì rau sản xuất bình thường, thậm chí còn khó bán hơn vì hình thức không đẹp bằng”, ông Sơn chia sẻ.
Năm 2013, TP.Vinh phối hợp cùng người dân đầu tư xây dựng hệ thống nhà lưới để sản xuất RAT nhưng thất bại vì không phù hợp, vào mùa hè thì nóng quá mà mùa đông hay bị úng ngập nên hiện tại bà con đã dỡ lưới, trồng một số loại rau bình thường hoặc ớt cay. Hiện, toàn xã Nghi Ân có khoảng 5ha RAT ở hai xóm Kim Bình và Kim Trung. Theo Phó chủ tịch UBND xã Nghi An, ông Nguyễn Đình Trúc, qua mấy năm triển khai, được tập huấn thường xuyên, bà con đã thành thạo về kỹ thuật, quy trình chăm sóc, chỉ khó khăn ở khâu tiêu thụ. “Mỗi khi triển khai đưa một loại cây trồng mới, một kỹ thuật mới, điều chúng tôi lo lắng nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm, bởi nếu không làm tốt khâu này thì coi như nắm chắc phần thất bại. Tuy thành phố đã có nhiều biện pháp như tạo điều kiện cho doanh nghiệp vào đầu tư, giúp xã tiếp cận các nhà hàng, siêu thị lớn nhưng kết quả không mấy khả quan. Trong hai năm 2013 và 2014, một phần sản phẩm RAT được các công ty Phú Tứ, Á Châu bao tiêu sản phẩm, dù khối lượng không đáng kể. Còn hiện nay, bà con hoàn toàn tự đem đi bán ở các chợ, giá bán không có gì phân biệt với các loại rau sản xuất theo phương pháp thông thường, thậm chí không bằng và khó bán hơn vì rau xấu hơn do thời gian cách ly dài”.
Cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp vào cuộc
Với hơn 1.800ha rau vụ đông, Quỳnh Lưu được xem là vùng trọng điểm rau lớn nhất của Nghệ An. Những năm qua, cùng với các chương trình của tỉnh, huyện đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và mở rộng các vùng sản xuất RAT. Như trong hai năm 2009 - 2010, địa phương được Viện Khoa học Bắc Trung Bộ hỗ trợ xây dựng chương trình sản xuất RAT theo tiêu chuẩn GAP; năm 2015, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm sản và thủy sản tư vấn quy trình thực hành nông nghiệp tốt; dự án trồng RAT theo quy trình VietGAP tại các xã Quỳnh Minh, Quỳnh Liên, Quỳnh Bảng,... Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, thì dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng vấn đề sản xuất RAT ở Quỳnh Lưu vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn. Trong đó, bất cập nhất vẫn là vấn đề cấp giấy chứng nhận RAT và đầu ra sản phẩm. RAT của Quỳnh Lưu chưa “vào” được nhiều siêu thị do nhiều lý do như lượng sản phẩm các siêu thị ký kết không nhiều so với khối lượng rau sản xuất hàng ngày của địa phương; sau khi kết thúc các mô hình, việc cấp giấy chứng nhận RAT không thực hiện được, cũng chưa có hệ thống bán RAT riêng nên dễ gây tâm lý chán nản cho người trồng.
Để có sản phẩm rau an toàn cần tuân thủ nghiêm mọi quy trình, đặc biệt là khâu làm đất, sử dụng phân bón...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau tập trung ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu, TP.Vinh, Nam Đàn; việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cũng được tập trung đẩy mạnh. Đã có những mô hình tổ chức sản xuất, sơ chế, kinh doanh và tiêu thụ RAT ở các địa phương khá thành công. Những năm gần đây, nhiều đơn vị, tổ chức đã hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất RAT như Trạm khuyến nông các địa phương, Sở Khoa học và Công nghệ, Tổ chức JICA (Nhật Bản)... Nhiều mô hình đã thành công như: mô hình 10ha RAT ở Diễn Thành (Diễn Châu), Nghi Ân (TP.Vinh); năm 2014 Tổ chức JICA đã triển khai 4 điểm sản xuất rau GAP ở Nghi Liên, Nghi Ân (TP.Vinh), Hưng Phú (Hưng Nguyên) và Vân Diên (Nam Đàn);...
Tuy nhiên, trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ rau vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ. Một trong những vấn đề nổi cộm là sản xuất chủ yếu còn phân tán, nhỏ lẻ, canh tác theo truyền thống; quy trình sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất rau quả đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, việc tổ chức quản lý, giám sát, xác nhận triển khai còn chậm và thiếu đồng bộ; tổ chức liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Điều dễ nhận thấy nhất là Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đắc lực, nông dân sẵn sàng tham gia và thực tế đã chứng minh là người dân có thể đảm bảo sản xuất theo đúng quy trình, nhưng yếu nhất vẫn là khâu doanh nghiệp “vào” với nông dân, đảm trách khâu tiêu thụ sản phẩm.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Văn Lập, cho biết: Trong kế hoạch, Nghệ An phấn đấu đến năm 2020 có 6.000ha RAT trong tổng số 1.600ha rau của tỉnh, cho hiệu quả sản xuất tăng 15 -20% so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay vẫn là làm sao tạo được mối liên kết chặt chẽ và thực sự hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ. Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, RAT không có hệ thống cửa hàng tiêu thụ riêng, nông dân trồng rau xong vẫn phải tự đem ra bán ở chợ, hầu như chưa có nhãn mác chứng nhận để phân biệt với rau thông thường trong khi sản xuất RAT đòi hỏi quy trình chăm sóc riêng, đầu tư cao hơn nhưng năng suất thường thấp hơn và mẫu mã không đẹp bằng, thì rất dễ gây tâm lý chán nản cho người trồng rau. Trong khi đó, dù công tác tuyên truyền đã được quan tâm, nhưng thực tế nhận thức của người trồng rau cũng như người tiêu dùng vẫn còn hạn chế, chưa có thói quen tìm RAT để sử dụng và còn ham rau rẻ.
Để có thể đạt được mục tiêu trong sản xuất RAT, cần có những chính sách phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất RAT, hỗ trợ để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, mặt bằng xây dựng các quầy hàng, điểm sơ chế, làm sao để các doanh nghiệp thực sự là “đầu tàu” liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đầu tư các dự án sản xuất RAT, rau công nghệ cao. Đặc biệt, cần tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển các HTX, tổ hợp tác theo Luật HTX năm 2012 để liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất RAT. Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ người sản xuất, ít nhất là trong khâu phân tích điều kiện đất đai, cơ sở hạ tầng, cấp giấy chứng nhận RAT... Các mô hình điểm về sản xuất RAT phải được xây dựng khép kín theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đồng thời tăng cường kiểm soát sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm, chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm soát quy trình kỹ thuật và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thường xuyên lấy mẫu sản phẩm trước khi thu hoạch nhằm kiểm tra chất lượng để đảm bảo sản phẩm RAT đạt các chỉ tiêu chất lượng theo quy định; khi mang đi tiêu thụ tại các cửa hàng, trên bao bì phải có phiếu bảo hành ghi rõ địa chỉ nơi sản xuất nhằm đảm bảo quyền lợi cũng như tạo lòng tin cho người tiêu dùng. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, tuyên truyền cho người dân từ sản xuất, lưu thông và sử dụng, tạo thói quen sản xuất, sử dụng RAT trong nhân dân.
Từ 1 chuỗi cửa hàng liên kết sản xuất BibiGreen (BBG) thành lập cuối năm 2016, đến nay, Hội Làm vườn Nghệ An đã cho ra đời thêm 6 cửa hàng. Dự kiến, đến cuối năm 2017, nâng lên thành 10 chuỗi liên kết. Ông Trần Văn Phúc, cán bộ phụ trách chuỗi, cho biết, từ 1 cửa hàng đầu tiên tại chung cư Tân Phát, sau gần 1 năm, BBG đã trở thành hệ thống chuỗi liên kết hàng đầu tại TP.Vinh, với 6 chi nhánh, chiếm giữ những vị trí quan trọng, nhiều người qua lại tại những trục đường chính của thành phố. Từ chỗ nhân sự chỉ có 4 người nay đã nâng lên 36 người. Nếu như lúc đầu hàng hoá còn ít thì nay đã mở ra nhiều đơn vị như: Rau an toàn Nghi Liên (được hỗ trợ bởi tổ chức JICA Nhật Bản), tạo thêm việc làm cho 20 hộ nông dân; gà đồi Thanh Chương, vừa mới xây dựng thương hiệu tháng 6/2017; giò Nam Đàn; cam, ổi Nghĩa Đàn… |
Theo Hoàng Thành - Hoàng Thăng/kinhtenongthon.com.vn