Mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu trái cây tươi

Trong thời gian tới, có thể trái bưởi Việt sẽ được xuất khẩu trực tiếp vào thị trường New Zealand. Nhiều loại trái cây tươi của Việt Nam tiếp tục tràn trề cơ hội vào những thị trường cao cấp nếu đáp ứng tốt các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và cần những doanh nghiệp xuất khẩu đủ mạnh, có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Thông tin được hé lộ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Tp.HCM ngày 28/8 của ông Damien OConnor, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Xuất khẩu, Nông nghiệp, và An toàn thực phẩm New Zealand, là trái bưởi của Việt Nam có thể sẽ được xúc tiến để xuất khẩu (XK) vào thị trường New Zealand trong tương lai gần.

Cơ hội cho trái bưởi

Hồi năm ngoái, Việt Nam đã xuất khẩu (XK) hơn 10.000 tấn bưởi, tăng gấp đôi so với năm 2016. Nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, EU, Canada và các nước Trung Đông, Saudi Arabia đã tiếp nhận bưởi Việt với nhiều triển vọng về tiêu thụ. Các thị trường khác như Singapore, Nhật Bản, Nga… cũng được đánh giá là đầy tiềm năng.

Một tín hiệu tích cực cho trái bưởi XK là cách đây 5 tháng, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) đối với sản phẩm bưởi Da Xanh Bến Tre – một thương hiệu bưởi nổi tiếng của Việt Nam.

Thông qua Giấy chứng nhận CDĐL này, ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp bưởi Da Xanh Mỹ Thạnh An (xã Mỹ Thạnh An ở Bến Tre là nơi đầu tiên cây bưởi Da Xanh phát triển với chất lượng ngon và có giá trị kinh tế) nhận định sẽ là cơ hội để hướng đến XK là điều hoàn toàn có thể với bưởi Da Xanh Bến Tre.

Phía HTX bưởi Da Xanh Mỹ Thạnh An (với khả năng cung ứng ra thị trường 200 tấn/năm, được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP) cũng đang bắt tay tham gia vào chuỗi giá trị bưởi mà tỉnh Bến Tre đang xây dựng để hướng đến XK.

Nếu trái bưởi Việt đặt chân đến New Zealand trong thời gian tới sẽ là chuỗi nối dài những tín hiệu khả quan cho lĩnh vực XK trái cây tươi. Hồi tháng 4 năm nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được phép XK chôm chôm vào New Zealand. Trước đó, năm 2011 và 2014, xoài và thanh long từ Việt Nam lần lượt được tiếp cận thị trường cao cấp này.

Điều đó phần nào khẳng định vị thế và sự cải thiện của trái cây Việt vì đây là một thị trường cao cấp nhưng khó tính, kiểm soát rất nghiêm ngặt về chất lượng, kiểm dịch thực vật.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đang được kỳ vọng sẽ đạt 1,7 – 2 tỷ USD trong 2 năm tới. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ là lĩnh vực chủ chốt trong giao thương giữa hai nước. Kéo theo đó, triển vọng XK nhiều loại trái cây tươi vào thị trường này là điều hoàn toàn có thể nếu đáp ứng các điều kiện về an toàn.

xuat-khau-trai-ca-tuoi-JPG-5897-15354981

Trái bưởi Việt sẽ được xúc tiến vào New Zealand

Mô hình từ A đến Z

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ngoài việc thúc đẩy nhập khẩu trái cây New Zealand vào Việt Nam, Bộ trưởng Damien OConnor cũng mong muốn gia tăng sự hợp tác để XK thêm nhiều loại trái cây nhiệt đới khác của Việt Nam sang New Zealand trong thời gian tới.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, XK vào thị trường New Zealand cũng là cơ hội để trái cây Việt Nam tiếp tục vào được các thị trường khó tính khác. Đến nay, các thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về kiểm dịch thực vật (Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand) đều mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam.

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp (DN) XK trái cây có lợi nhuận tốt khi vào các thị trường này thì còn nhiều việc phải làm. Bởi theo đánh giá, việc đội giá thành trái cây vào những thị trường khó tính là khó tránh khỏi vì đối mặt với những chi phí cao về vận chuyển, chiếu xạ, bảo quản…

Ngoài ra, việc khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong trái cây tươi XK cũng là một thách thức lớn với các DN. Như chia sẻ của ông Nguyễn Huy, Giám đốc khối thực phẩm của Bureau Veritas Việt Nam, hiện nay, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm yêu cầu phổ biến nhất tại thị trường EU có thể kể đến là tiêu chuẩn BRC, khởi nguồn từ Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc. BRC là một nỗ lực để kết nối giữa nhà sản xuất, nhà bán lẻ và luật định của các thị trường EU.

Tiêu chuẩn này giống như một passport – một điều kiện cần để DN XK trái cây thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các thị trường khó tính như châu Âu.

"Phía các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ EU cũng cần tiêu chuẩn này như một bằng chứng thuyết phục để họ lựa chọn các nhà cung cấp. DN nào đạt được BRC sẽ có lợi thế rất lớn trong việc thuyết phục khách hàng của mình", ông Nguyễn Huy cho biết.

Ông Nguyễn Huy phân tích, hầu hết các chuỗi bán lẻ của EU thừa nhận tiêu chuẩn GlobalGAP như một chuẩn mực cao trong lĩnh vực trồng trọt.

Trong vấn đề XK trái cây cũng nên nhớ rằng mặc dù đã có nhiều công ty XK trái cây tươi, nhưng Việt Nam chưa có một công ty XK nào có thương hiệu trên thế giới như một số nước.

Giới chuyên gia cho rằng nên tham khảo New Zealand khi họ có công ty Zespri chuyên XK trái Kiwi. Đây là một DN lớn, lo hợp đồng sản xuất, đóng gói, và XK trái Kiwi.

Trong khi đó, XK trái cây tươi ở Việt nam hiện này do rất nhiều công ty nhỏ, cạnh tranh với nhau bằng cách hạ giá. Việc này khác hoàn toàn với mô hình một công ty lo XK một hoặc hai mặt hàng trái cây của New Zealand.

Mô hình này họ lo từ A đến Z, tức là họ tự tổ chức sản xuất, đóng gói, đến XK và cả tiếp thị quảng bá sản phẩm và không có việc cạnh tranh hạ giá, không có việc chất lượng không đồng đều và cũng không có việc mạnh ai nấy đi tiếp thị sản phẩm.

Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn