Mối liên kết “4 nhà”: Thành công từ mô hình sản xuất lúa tại An Giang

Mối liên kết “4 nhà”: Thành công từ mô hình sản xuất lúa tại An Giang
Là một trong những tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa của ĐBSCL với sản lượng hàng năm lên đến trên 3,5 triệu tấn, xuất khẩu từ 500 – 600 nghìn tấn gạo, thời gian qua tỉnh An Giang đã gây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa góp phần thiết thực vào chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM)



 

Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang cho biết: Ngay từ năm 2000, tỉnh An Giang đã mạnh dạn đưa ra chủ trương “liên kết 4 nhà” nhằm kết nối giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo, điển hình như mô hình liên kết sản xuất lúa Nhật giữa Công ty Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex) và Công ty Kitoku – Nhật Bản với mục tiêu sản xuất lúa Nhật có giá cố định theo hợp đồng ngay từ đầu vụ. Mô hình này hoạt động theo hình thức công ty cung ứng giống lúa japonica cho người nông dân, đồng thời liên kết với Công ty Bảo vệ thực vật (BVTV) An Giang cung ứng thuốc BVTV và đến cuối vụ sẽ trừ vào tiền mua lúa. Trong vụ đông xuân 2011 – 2012, diện tích hợp đồng giữa nông dân và công ty đạt 950 ha do công ty tăng giá mua và đảm bảo việc thu mua tươi ngay tại đồng. Nhờ đó, nông dân tránh được rủi ro biến động về giá do hợp đồng được ký với giá cố định ngay từ đầu vụ.

Bên cạnh mô hình kể trên, Công ty Angimex còn thực hiện ký hợp đồng sản xuất lúa chất lượng cao và lúa thơm Jasmine 85 từ năm 2007 tại huyện Thoại Sơn và huyện Châu Thành theo hình thức công ty ứng giống, phân bón cho nông dân và mua lại lúa với giá cao hơn thị trường từ 200 – 300 đồng/kg. Cùng với đó, trong năm 2012, tỉnh An Giang đã quyết định mở rộng thêm một vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGap tại xã Tân Tuyến, huyện Tri Tôn với diện tích 30 ha, nâng tổng diện tích GlobalGap toàn tỉnh lên 126 ha. Theo kế hoạch từ vụ đông xuân 2012 – 2013 tới đây, Công ty ADC sẽ ký hợp đồng sản xuất ổn định toàn bộ diện tích lúa nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GlobalGap với giá cao hơn thị trường tại thời điểm mua vào từ 10% - 12%.
Thực hiện chủ trương xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” của Bộ NN&PTNT, từ vụ hè thu 2011, Sở NN&PTNT An Giang đã phối hợp với Sở Công Thương thực hiện mô hình này tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành với quy mô 75 ha. Đây cũng là khu vực nằm trong địa bàn phát triển mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng với Công ty BVTV An Giang do các thửa ruộng nông dân liền kề nhau, hệ thống kênh mương thủy lợi giao thông nội đồng tương đối hoàn chỉnh.
Với mô hình này, nông dân được hỗ trợ 30% chi phí giống lúa cấp xác nhận cũng như được tập huấn kỹ thuật quản lý tổ nhóm và an toàn lao động. Riêng trong năm 2011, nông dân trong mô hình này chỉ phải tốn chi phí sản xuất khoảng 18,2 triệu đồng/ha, giảm 720 nghìn đồng/ha trong khi năng suất đạt 6,1 tấn, cao hơn 0,4 tấn so với nông dân ngoài mô hình. Nông dân không những được nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý mà môi trường nông thôn của họ cũng được cải thiện rõ rệt. Với những kết quả trên, trong thời gian tới, mô hình này sẽ được Sở NN&PTNT cùng Sở Công Thương nhân rộng ra trên toàn vùng đê bao kiểm soát lũ 1.500 ha tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành.
Một trong những cái được của các mô hình liên kết sản xuất lúa ở An Giang, theo ông Phả là đã thực hiện được liên kết “dọc” giữa nông dân – tổ hợp tác – doanh nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng, giúp giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng và giá trị sản phẩm, đồng thời giúp doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, dồi dào để xây dựng sản phẩm chế biến. Qua đó cũng đã hình thành liên kết “ngang” giữa nông dân – tổ hợp tác nông nghiệp, trong đó người nông dân cùng hợp tác để áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp, nâng cao năng lực cho chính họ và góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu nông thôn mới đối với tiêu chí hợp tác sản xuất.
“Trong vụ đông xuân 2012, tổng diện tích các vùng liên kết sản xuất theo hợp đồng ở An Giang đã đạt 8.500 ha. Với mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, hiện đã có nhiều công ty đăng ký với Sở NN&PTNT tham gia thực hiện, trong đó chủ yếu là các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cụm kho sấy – xay xát gắn với chiến lược xây dựng thương hiệu sản phẩm. Dự kiến trong năm 2013, có ít nhất 6 doanh nghiệp tham gia phát triển mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với diện tích sản xuất theo hợp đồng có thể đạt trên 20 nghìn ha/năm”, ông Phả cho biết.
Từ các mô hình nói trên của tỉnh An Giang cho thấy, việc xây dựng các “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu là xu thế tất yếu để mở rộng quy mô sản xuất thông qua quá trình liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng lúa gạo, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Tuy nhiên để giúp An Giang và các địa phương phát triển vững chắc các “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, ông Phả cho rằng, Bộ NN&PTNT cần sớm có chương trình xây dựng thương hiệu sản phẩm lúa gạo quốc gia, gắn với tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm VietGap, GlobalGap, đặc biệt là cần có những chính sách hỗ trợ hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng để nâng cấp hệ thống thủy lợi giao thông nội đồng; lưới điện cho tưới tiêu nước, cụm sấy lúa công suất lớn để làm “vệ tinh” cho các doanh nghiệp thu mua lúa tươi tại đồng. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gạo cần quan tâm phối hợp cùng ngành nông nghiệp xây dựng nhiều hơn mô hình “cánh đồng mẫu lớn” và vùng nguyên liệu theo phương thức “sản xuất theo hợp đồng” để chủ động nguồn nguyên liệu, phát huy hiệu quả cụm kho – nhà máy xay xát, nâng cao chất lượng và hiệu quả trên từng diện tích canh tác, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên…/.
Nguyễn Tiến Dũng
Theo ven.vn