Một chặng đường khởi sắc

Một chặng đường khởi sắc
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay toàn tỉnh có 14 xã đạt chuẩn NTM. Các xã còn lại đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM; cơ bản hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng xã NTM, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay các tiêu chí NTM ở các xã đã tăng lên đáng kể, bình quân đạt gần 11,8 tiêu chí/xã, tăng 7,4 tiêu chí/xã so với năm 2010.
 
Nhân dân xã Chí Hòa (Hưng Hà) tiếp nhận xi măng hỗ trợ của tỉnh để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng nông thôn mới.
 
Những tháng cuối năm 2013, niềm vui mới lại đến với các hộ nông dân khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2013/QÐ-UBND về việc bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2013/QÐ-UBND. Theo Quyết định số 19 thì tất cả các xã trong tỉnh (trừ các xã đã đạt chuẩn NTM) đều được hỗ trợ một phần xi măng để làm đường giao thông nội đồng trục chính; kênh cấp 1 loại 3; đường giao thông trục thôn; đường nhánh cấp 1 của đường giao thông trục thôn… 
 
Ngày 28/4/2011, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 đối với tất cả các xã trong tỉnh, trong đó đặt mục tiêu 8 xã điểm của tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) vào năm 2013. Một chặng đường không phải là dài đối với nhiệm vụ có nhiều khó khăn, phức tạp, song với nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt của tỉnh đã tạo được dấu ấn quan trọng. Tháng 8/2013 đã có 4 xã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM; dự kiến đến hết năm 2013 có thêm 6 - 9 xã đạt chuẩn NTM. Như vậy, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 10 - 13 xã đạt chuẩn NTM, vượt cao so với mục tiêu phấn đấu của Nghị quyết số 02 đề ra.
 

Thu hoạch lúa mùa tại xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy. Ảnh: Mạnh Cường
 
Nghị quyết của lòng dân
 
Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên 1.546,54 km2, trên 86% dân số sống ở nông thôn. Từ năm 2010 trở về trước, mặc dù khu vực nông thôn trong tỉnh có những bước phát triển khá toàn diện, đời sống nông dân không ngừng được nâng cao, song vẫn thấp hơn so với khu vực đô thị và với chuẩn của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đạt chuẩn về quy mô, chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống. Mặc dù Thái Bình có những thời điểm nằm trong tốp đầu của cả nước về làm đường giao thông thôn xóm, liên xã, nhưng qua nhiều năm không được cải tạo, nâng cấp, làm mới nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Ðối với hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất và dân sinh, toàn tỉnh có 6.667 km kênh tưới sau trạm bơm, nhưng mới kiên cố hóa được 9,4%, còn lại là kênh đất gây tổn thất nước lớn trong quá trình hoạt động. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, tuy đã chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhưng có ít mô hình sản xuất hàng hóa, do đó sản xuất thiếu bền vững, đầu ra không ổn định…
 
 

Xã Vũ Hội (Vũ Thư) đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng. Ảnh: Thành Tâm
 
Nghị quyết số 02 về xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, ngay khi được ban hành đã được nông dân trong toàn tỉnh đồng tình, hưởng ứng rất cao; con em làm ăn xa quê cũng có những hành động thiết thực, đóng góp tiền của để xây dựng NTM. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, nhân dân các địa phương đã đóng góp trên 500 tỷ đồng, bao gồm cả tiền và ngày công lao động đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng, chỉnh trang đồng ruộng. Ngoài ra, nông dân đã tự nguyện hiến 2.012,5 ha đất phục vụ dồn điền đổi thửa, làm đường giao thông và xây dựng công trình phúc lợi, ước trên 1.000 tỷ đồng. Ai đã từng đi về các thôn làng trong toàn tỉnh, đều cảm nhận thấy một điều khi nghị quyết hợp lòng dân thì sẽ tạo được những phong trào thi đua có sức lan tỏa rộng khắp, nhà nhà hiến đất, công trình để mở rộng đường làng, ngõ xóm, đóng góp ngày công lao động làm thủy lợi nội đồng…
 
Hiệu quả từ cơ chế hỗ trợ linh hoạt
 
Nghị quyết số 02 đã khẳng định, xây dựng NTM là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp phải có sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước, được thực hiện đồng bộ trên cơ sở kế thừa và phát triển, có bước đi vững chắc, lộ trình phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Thực hiện quan điểm này, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 09/2011/QÐ-UBND ngày 16/8/2011 về việc ban hành quy định một số cơ chế chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2011 - 2015.
 

Xã Thanh Tân (Kiến Xương) hôm nay. Ảnh: Đào Kiều Anh (SV thực tập)
 
Ngay trong năm 2011, nguồn vốn UBND tỉnh đã bố trí hỗ trợ xây dựng NTM là 213.447 triệu đồng để cho các xã thực hiện quy hoạch, tuyên truyền, đào tạo, xây dựng đề án cấp xã, chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng mô hình sản xuất hàng hóa tập trung... Từ nguồn vốn tỉnh phân bổ hỗ trợ đầu tư, 8 xã điểm và các xã khác đã huy động thêm tiền, công lao động của nhân dân để thực hiện nhiều nội dung quan trọng, từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng huy động vốn, nhất là vốn đối ứng. Việc huy động sự đóng góp của nhân dân còn hạn chế, chủ yếu là việc hiến đất, ngày công lao động cho công tác dồn điền đổi thửa. Ðồng thời, các huyện, thành phố chưa xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM.
 
Từ thực tiễn cho thấy, nhiều xã không thuộc diện làm điểm của tỉnh nhưng lại triển khai tổ chức thực hiện xây dựng NTM rất tốt, không đòi hỏi nguồn vốn hỗ trợ nhiều mà chủ yếu do nhân dân tự nguyện đóng góp. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2013/QÐ-UBND để sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 09 trước đó. Từ Quyết định 02 lại thổi bùng lên phong trào xây dựng NTM ở các xã, thôn làng; các hộ nông dân tự đứng ra bàn bạc, thống nhất mức đóng góp, tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh để làm đường trục thôn xóm, cứng hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa thôn…
 
Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tổng vốn ngân sách Nhà nước mà tỉnh đã phân bổ, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn là trên 3.000 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ trên, các địa phương đã huy động các nguồn lực và nhân dân thực hiện đào đắp được 17.662.511 m3 bờ vùng, bờ thửa; cứng hóa 726 km kênh mương cấp 1 loại 3 và nạo vét hàng nghìn km sông ngòi. Xây mới, chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp 1.808,6 km đường giao thông nội đồng và giao thông nông thôn; 28 trạm bơm, 248 cống đập; 20 trạm cấp nước sạch; 30 trường học…
 
Ðến nay, các xã trong toàn tỉnh đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng NTM; cơ bản hoàn thành phê duyệt đề án xây dựng xã NTM, dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng. Nhiều mô hình về phát triển sản xuất có hiệu quả đang được triển khai, rút kinh nghiệm, nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Các mô hình giữ vững an ninh trật tự xã hội ở nông thôn, mô hình bảo vệ môi trường… được các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả. Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay các tiêu chí NTM ở các xã đã tăng lên đáng kể, bình quân đạt gần 11,8 tiêu chí/xã, tăng 7,4 tiêu chí/xã so với năm 2010.
 
Những tháng cuối năm 2013, niềm vui mới lại đến với các hộ nông dân khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 19/2013/QÐ-UBND về việc bổ sung một số nội dung của Quyết định số 02/2013/QÐ-UBND. Theo Quyết định số 19 thì tất cả các xã trong tỉnh (trừ các xã đã đạt chuẩn NTM) đều được hỗ trợ một phần xi măng để làm đường giao thông nội đồng trục chính; kênh cấp 1 loại 3; đường giao thông trục thôn; đường nhánh cấp 1 của đường giao thông trục thôn… Ðây sẽ là sân chơi công bằng cho tất cả các xã trong tỉnh thực hiện xây dựng NTM, bởi việc hỗ trợ xi măng không căn cứ vào xã điểm hay không điểm, mà xã, thôn, cộng đồng dân cư nào mua được vật tư và tự huy động được nguồn lực đối ứng, chỉ nhận hỗ trợ xi măng theo quy định của tỉnh thì được ưu tiên trước…
 
Nguyên Bình (baothaibinh.com.vn)