Một kiểu “đốt tiền” của dân
- Chủ nhật - 16/11/2014 11:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhưng cách hiện thực hóa của chính quyền xã Sơn Đông, TX. Sơn Tây (TP. Hà Nội) thì khác gì một kiểu “đốt tiền” thuế của nhân dân.
Chia nhỏ dự án để chỉ định thầu
Rất nhiều cán bộ trong Đảng ủy, HĐND xã đến các thành viên cấp ủy, lãnh đạo 18 thôn trong xã Sơn Đông đều không giấu nổi bức xúc trước sự “liều lĩnh” của cán bộ chủ chốt trong chính quyền xã Sơn Đông.
Họ bức xúc vì xã có 18 thôn, hạng mục đầu tư ở các thôn đều giống nhau nhưng UBND xã Sơn Đông xé nhỏ ra làm thành 3 gói thầu để thực hiện việc chỉ định thầu. Đúng ra, toàn bộ hạng mục ấy lập thành một dự án và thực hiện việc đấu thầu công khai do UBND TX. Sơn Tây đứng ra thực hiện.
Chính vì, muốn có cái quyền được chỉ định thầu nên toàn bộ 3 gói thầu với tổng vốn đầu tư được phê duyệt lên đến 8,9 tỷ đồng (bình quân mỗi gói thầu là 2,7 tỷ đồng). Cơ cấu vốn được phân bổ như sau (lấy số tròn): Vốn TP. Hà Nội cấp 495 triệu đồng; vốn TX. Sơn Tây cấp 1,98 tỷ đồng; vốn ngân sách xã 2,47 tỷ đồng; vốn dân đóng góp 1,98 tỷ đồng; vốn xã hội hóa 1,98 tỷ đồng.
Cả 3 gói thầu được UBND xã Sơn Đông chỉ định cho Cty CP Sản xuất và Xây dựng thương mại Quang Đông thực hiện. Nội dung của 3 gói thầu này đều giống nhau là xây dựng nhà vệ sinh và mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa. Mỗi gói thầu gồm 6 thôn. Bình quân mỗi thôn dự toán hết 320 triệu đồng, trong đó phần nhân dân đóng góp là 110 triệu đồng.
Một cán bộ xã Sơn Đông (xin được giấu tên) nói rằng, từ chủ trương đến lập kế hoạch và các bước thực hiện, đại biểu HĐND xã đều không hề hay biết. Khi xã ban hành kế hoạch thực hiện thì cấp ủy, lãnh đạo các thôn đều rất bức xúc vì cho rằng, làm như thế là tốn kém, lãng phí. “Không chỉ người dân tù mù mà bản thân cán bộ như chúng tôi đây cũng thấy tù mù cho một kế hoạch như thế”, vị này nói.
Đơn cử tại gói thầu số 01 xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị nhà văn hóa cho các thôn Khoang Sau, Tân An, Vạn An, Đình, Bống, Năn có tổng mức dự toán hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó xây 6 nhà vệ sinh dự kiến hết 642 triệu đồng. Theo lãnh đạo các thôn, đến thời điểm này, các hạng mục đầu tư, xây dựng đều dang dở. Nhà vệ sinh có thôn chỉ mới đào được móng, thôn thì mới xây thô. Hạng mục mua sắm thiết bị nhà văn hóa, có thôn mới ký nhận một số thiết bị, có thôn tẩy chay không chịu lấy cái nào cả.
Bởi lẽ, chính quyền xã chỉ đạo cho các thôn kêu gọi người dân đóng góp mua ghế Xuân Hòa để trong nhà văn hóa với mức giá được duyệt là 484.000 đồng/ghế. Trong khi đó, thực tế, các thôn sau khi góp được tiền của nhân dân đi mua chỉ hết 170.000 đồng/ghế. Có thôn mua với mức giá cao nhất cũng chỉ đến 246.000 đồng/ghế.
Một trưởng thôn bức xúc cho hay: “Phương châm của chúng tôi là dân đóng góp tới đâu thì mua tới đó. Lựa chọn ghế đẹp, đúng tên ghế như phê duyệt của xã và giá ghế thì lại thấp hơn rất nhiều so với dự toán duyệt. Thế nhưng lãnh đạo xã vẫn chỉ đạo là dù mua thấp nhưng khi ký để quyết toán vẫn phải khai báo là 484.000 đồng/ghế”.
Giá đội lên 4 - 5 lần
Không chỉ có vậy, mới đây, lãnh đạo xã còn “ép” 18 trưởng thôn giao nộp cho Cty CP Sản xuất và Thương mại Quang Đông số tiền 11 triệu đồng/thôn. Mặc dù trong phiếu thu không ghi lý do nộp nhưng các trưởng thôn đều được “giáo huấn” rằng đó là khoản thuế VAT mà các thôn phải bỏ ra cho nhà thầu để sau này thực hiện việc quyết toán mua sắm.
Có thể thấy rằng, đây là một việc làm quá liều lĩnh của chính quyền xã Sơn Đông và Cty CP Sản xuất và Xây dựng thương mại Quang Đông. Sự liều lĩnh đó thể hiện bằng việc chiếm đoạt tài sản, vi phạm pháp luật một cách trắng trợn.
Nếu cách làm trên được trót lọt thì vô hình trung chính quyền xã và nhà thầu đang bắt tay nhau để “ẵm” đi một khoản tiền lớn sau khi quyết toán. Lẽ ra tiền do nhân dân đóng góp tự mua sắm thì hoặc là không đưa vào quyết toán, hoặc là thôn mua ở đâu thì lấy hóa đơn giá trị gia tăng ở đó về nộp cho xã để đưa vào hồ sơ quyết toán. Như thế vừa hợp pháp, vừa tiết kiệm được cho nhân dân và Nhà nước. Vậy thì sao lại “ép” các trưởng thôn lấy tiền của người dân ra chịu cái khoản VAT vô lý ấy?
Cục công suất dùng để điều chỉnh công suất loa sân khấu có giá 19,7 triệu đồng khi PV đề nghị mở tủ xem thì vị trưởng thôn mới bóc vỏ hộp ra cùng xem
Không chỉ có đầu máy âm thanh rồi đây người dân sẽ không biết hoặc không một lần sử dụng mà còn có những thiết bị đầu tư hàng tỷ đồng hiện vẫn chỉ đắp chiếu trong kho. Đó là chiếc máy sinh hóa được trang bị cho trạm Y tế xã hồi tháng 7/2012. Theo một cán bộ của trạm y tế xã Sơn Đông từ ngày mua đến giờ chỉ vận hành đúng 1 lần nhưng không cho kết quả. Kiểm tra thì phát hiện thiếu máy li tâm để chưng cất nước lọc. “Thiếu máy li tâm thì chiếc máy sinh hóa này không khác nào con người không có trái tim”, vị cán bộ Trạm y tế xã này nói. |
Có người cho rằng, nếu “ẵm” trọn 198 triệu đồng đó thì việc xã này có quyết toán khống 1,98 tỷ bằng một cái hóa đơn đỏ trên thị trường đen cũng không mấy khó khăn? Câu hỏi đó, chúng tôi xin chuyển đến các cơ quan bảo vệ pháp luật ở TP. Hà Nội xem xét.
Ở đây chúng tôi băn khoăn đến các hạng mục đầu tư trong các gói thầu được xã Sơn Đông chỉ định cho nhà thầu, “ép” các thôn phải ký nhận. Theo báo cáo của UBND xã Sơn Đông thì đến tháng 6/2014 các dự án đã được phân bổ vốn.
Cụ thể, trang thiết bị trong nhà văn hóa mỗi thôn được trang bị 28 hạng mục do ngân sách TP, TX và xã chi trả; 8 hạng mục còn lại do nhân dân đóng góp. Hiện mới chỉ có 6/12 thôn tiếp nhận các hạng mục được đầu tư. Cả 36 hạng mục này theo phản ánh của người dân là giá cả đội lên gấp 4 - 5 lần so với ngoài thị trường.
Chẳng hạn, dự toán phê duyệt mỗi thôn phải có một cột cờ trị giá 8,5 triệu đồng. Chất liệu làm bằng sắt mạ kẽm, có dây thép xoắn kéo cờ, cao 6 m, chân đổ bê tông cố định, xuất xứ Việt Nam.
Cũng với các tiêu chuẩn như xã phê duyệt, tại thôn Khoang Sâu, một hộ kinh doanh đứng ra tài trợ toàn bộ giúp thôn hoàn thiện hạng mục cột cờ với kích thước 8 m (cao hơn 2 m so với dự toán) cũng chỉ hết 1,4 triệu đồng.
Không chỉ có giá đội lên mà có nhiều hạng mục không thật sự cần thiết cũng được đầu tư, gây lãng phí, tốn kém vô cùng. Chỉ tính riêng hệ thống âm thanh, ánh sáng trang bị cho mỗi thôn hết 148 triệu đồng.
Xin liệt kê một số hạng mục mà đọc lên ai cũng phát thốt lên, thiết bị nhà văn hóa cấp thôn được trang bị đủ phục vụ cho một hội trường lớn có sức chứa hàng nghìn người. Đó là, loa hội nghị 15,9 triệu đồng; loa sân khấu 25,9 triệu đồng; cục công suất dùng để điều chỉnh công suất loa sân khấu có giá 19,7 triệu đồng; Tivi Tosiba 40 inch có giá 14,5 triệu đồng. Mỗi nhà văn hóa được trang bị 4 - 5 bộ micro: một bộ cài ve đeo đầu dùng biểu diễn văn nghệ có giá 14,2 triệu đồng; một bộ không dây gồm 2 micro cầm tay có giá 6,4 triệu đồng; một bộ để bục phát biểu trị giá 2,4 triệu đồng…Tất cả các thiết bị có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Còn rất nhiều hạng mục khác nữa. Có trưởng thôn mở tủ đựng những thiết bị này ra bảo tôi xem. Có cái thì đã bóc võ hộp, có cái còn nguyên tem. Hỏi sao không bóc ra để dùng, vị trưởng thôn này thật thà rằng: “Có biết bấm nút đâu mà sử dụng. Chẳng hạn như cái Mixer dùng để điều chỉnh âm thanh với 16 chế độ trị giá gần 12 triệu đồng này kỳ thực là tôi không biết sử dụng thế nào cả. Đọc hướng dẫn nhòe cả mắt mà không sao hiểu nổi”.
Vị trưởng thôn này, chỉ tay vào cái nhà vệ sinh xây dựng còn bỏ dỡ được làm sát cạnh nhà văn hóa thôn bảo rằng: “Nếu để cho thôn làm thì chỉ hết khoảng 30 triệu đồng và trong chục ngày là xong. Nhưng dự toán xã phê duyệt hết trên 100 triệu đồng làm cả mấy tháng nay rồi cũng không thể hoàn thiện được. Mỗi lần họp thôn, người dân nhìn vào là chúng tôi nghe rõ mồn một từng tiếng chửi. Nghe chua xót”.
Văn Hùng
Theo nongnghiep.vn