Một tiền lệ tốt, dù muộn!

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định miễn nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) của ông Đào Văn Hưng. Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, ông Đào Văn Hưng bị bãi chức do điều hành yếu. Hoạt động của EVN trong nhiều lĩnh vực không hiệu quả, mà một trong số đó là để xảy ra thua lỗ nặng đối với Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom).

Như vậy, đây là lần đầu tiên lãnh đạo một tập đoàn, tổng công ty nhà nước bị bãi chức do năng lực điều hành yếu kém, chứ không phải vì vi phạm pháp luật hoặc thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, như một số trường hợp trước.

 

Đối với các công ty, tập đoàn tư nhân, việc bãi chức những người được thuê làm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc không đủ năng lực điều hành doanh nghiệp, dẫn đến kết quả kinh doanh không được như mong đợi, là việc làm rất bình thường. Vì suy cho cùng, hiệu quả kinh doanh của một công ty phụ thuộc rất lớn vào người đứng đầu. Thế nhưng, các “ông chủ” của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam lâu nay lại không quen với việc làm bình thường này, dù luật lệ không thiếu.

 

Theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước sửa đổi năm 2003, doanh nghiệp nhà nước nào làm ăn thua lỗ hai năm liên tiếp, hoặc hiệu quả trên vốn chủ sở hữu giảm hai năm liên tiếp, thì sẽ bị cách chức. Thế nhưng, cho đến ngày luật này hết hiệu lực vào tháng 7-2010, có giám đốc nào bị cách chức chỉ vì lý do trên không, cho dù không hiếm doanh nghiệp nhà nước yếu kém và thua lỗ liên tục?

 

Việc trao quyền cho chủ tịch hội đồng quản trị, nay là hội đồng thành viên và giám đốc, tổng giám đốc ngày càng lớn, nhưng lại thiếu hẳn cơ chế kiểm soát, chế tài hữu hiệu, đã để lại nhiều hệ lụy tai hại. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh từng đặt vấn đề: “Doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nhưng có giám đốc doanh nghiệp nào nghèo đâu”. Đó là điều mà lẽ ra các “ông chủ” của doanh nghiệp nhà nước phải rất trăn trở và phải hành động từ sớm mới phải.

 

Ông Đào Văn Hưng bị bãi chức, chứ không phải ai khác hoặc một lãnh đạo nào đó trong EVN cùng chịu trách nhiệm với ông, cho thấy vai trò của ông đối với việc đưa ra các quyết sách kinh doanh của EVN. Những năm trước đây, EVN đã có những quyết định sai lầm, đó là đầu tư ra ngoài ngành 2.107 tỉ đồng. Trong đó có những lĩnh vực chứa đựng nhiều rủi ro như bất động sản, tài chính, bảo hiểm. Nhưng thất bại nặng nhất là thương vụ đầu tư 2.442 tỉ đồng cho EVN Telecom. Chỉ riêng năm 2010, đơn vị này đã lỗ mất 1.050 tỉ đồng.

 

Sai lầm của ông Hưng trong trường hợp này là lựa chọn công nghệ. Vào thời điểm khởi sự, EVN Telecom được nhiều chuyên gia đánh giá là có lợi thế hơn hẳn tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), đơn vị cũng bắt đầu thâm nhập thị trường điện thoại di động. EVN Telecom được thừa hưởng toàn bộ cơ sở hạ tầng cáp quang trục của ngành điện, không phải vay vốn để mua sắm thiết bị. Nhưng EVN đã không rút kinh nghiệm của S-Fone, lại chọn công nghệ CDMA, vốn đã bị người dùng dịch vụ quay lưng. Trong khi Viettel chọn công nghệ GSM. Đến 2011, Chính phủ buộc lòng phải cứu EVN bằng cách chuyển EVN Telecom về Viettel.

 

Quyết định bãi chức ông Đào Văn Hưng của Thủ tướng Chính phủ, tuy hơi muộn màng, nhưng vẫn là một tiền lệ tốt. Nó gửi đi một thông điệp nhắc nhở lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước rằng, nếu điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, anh có thể bị bãi chức. Nhưng thông điệp này có đủ mạnh, đủ sức “răn đe” đối với những người đứng đầu các doanh nghiệp nhà nước khác hay không, thì còn tùy thuộc vào thái độ của Nhà nước với những tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đầu tư ra ngoài ngành số tiền lớn và cũng đang làm ăn kém hiệu quả. Ngoài ra, nó cũng tùy thuộc vào Bộ Công Thương sẽ bố trí ông Đào Văn Hưng vào đâu nữa.

 

Nếu quyết định bãi chức trên chỉ là hãn hữu, cá biệt, thì sự việc sẽ nhanh chóng rơi vào quên lãng và khi nhắc lại thì có lẽ người ta cũng chỉ nghĩ rằng, tại ông Hưng “xui”!

 

Trở lại vấn đề Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nêu ra ở trên. Phải khẳng định, chúng ta ủng hộ giám đốc, tổng giám đốc doanh nghiệp nhà nước - cũng như tư nhân - giàu. Nhưng cái giàu đó phải dựa trên hiệu quả của doanh nghiệp mà họ điều hành, chứ không phải bằng con đường không minh bạch. Có như vậy, những người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước mới có động lực để làm việc mà không phải lo chân trong, chân ngoài. Đã có bao giờ Chính phủ tự hỏi, vì sao có những công ty tư nhân thưởng rất lớn cho các giám đốc, tổng giám đốc làm thuê của họ vào dịp cuối năm, mà doanh nghiệp nhà nước thì không? Phải chăng không có người nào xứng đáng được thưởng?

 

Ngoài ra, thông điệp này của Chính phủ cũng cần được gửi đến các cơ quan hành chính nhà nước. Nếu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương và các cấp hành chính cấp dưới... điều hành không hiệu quả, thì cũng nên bị bãi chức, vì họ chẳng có lý do gì để tồn tại ở những vị trí đó đến hết nhiệm kỳ.

Tấn Đức (TBKTSG)