Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo: Nông dân bảo lỗ, VFA nói có lời

Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo:  Nông dân bảo lỗ, VFA nói có lời
Trong khi các chuyên gia và nông dân cho rằng, Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, chỉ DN và thương lái được lợi, còn nông dân trồng lúa vẫn lỗ.

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), khẳng định nông dân vẫn lời ít nhất 30%.

 

Ông Trương Thanh Phong
Ông Trương Thanh Phong.

 

Giá lúa 4.400 đồng/kg là có lời

Thưa ông, kinh phí Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo là bao nhiêu?

 

Theo chỉ đạo của Chính phủ, VFA được giao làm đầu mối phân phối quota mua tạm trữ cho các DN. Theo ông Phong, VFA đã phân cho 88 DN, trong tổng số 125 thành viên của VFA. Phân bổ dựa trên các yếu tố: DN phải có tài chính tốt, phải có kho tàng, và có khả năng tiêu thụ

Chúng tôi chưa tính được, nhưng thời gian hỗ trợ lãi suất trong vòng 3 tháng, tính đến 15-6 là hết. Đến hôm nay mới bắt đầu xong các thủ tục, tức là mất hết một tháng mua. Hiện đã mua được 1 tháng, như vậy nghĩa là tuy nói hỗ trợ vốn không lãi suất 3 tháng nhưng thực chất chỉ hỗ trợ mua trong vòng 2 tháng, vì đến 15-6 là khóa sổ.

 

Hiện DN thành viên VFA đang mua giá lúa bình quân bao nhiêu?

Giá đang xuống rất thấp và các DN đang mua với giá thấp nhất là 6.750-6.850 đồng/kg gạo, quy ra khoảng hơn 5.000 đồng/kg lúa.

Theo quy định của Chính phủ là DN phải mua để bà con có lãi ít nhất 30%, trong khi nông dân nói phải bán giá 6.000 đồng/kg lúa mới có lời. Căn cứ vào đâu để các ông nói bà con nông dân bán giá 5.000-5.100 đồng/kg là có lời?

Hiệp hội không dám nói đại đâu. Cái đó căn cứ vào văn bản của Bộ Tài chính thông báo giá thành vụ đông xuân của ĐBSCL là gần 3.400 đồng/kg. Với giá thành đó, nhân 30% và cộng cả 9% trượt giá thì con số là 4.357 đồng, làm tròn số là 4.400 đồng/kg. VFA đề nghị mua với giá 5.000 là để khoản chênh lệch 600 đồng/kg để chi phí vận chuyển, qua khâu trung gian hàng xáo…Vậy chỉ bán giá 4.400 đồng là nông dân đã có lời 30% rồi. Đó là văn bản của Bộ Tài chính đưa ra, trên cơ sở số liệu báo cáo của các tỉnh. Còn người ta nói không có lời thì mình cũng không biết nói sao, ví dụ chi phí thuê ruộng. Thuê ruộng ai tính vào đây? Nguyên tắc không ai tính tiền thuê đất vào trong giá thành.

 

Với giá bán 4.400 đồng/kg lúa, nông dân kêu lỗ, DN bảo có lãi Ảnh: Đại Dương
Với giá bán 4.400 đồng/kg lúa, nông dân kêu lỗ, DN bảo có lãi Ảnh: Đại Dương.

 

Chi phí thuê đất không được tính vào giá thành

Vì sao không tính chi phí thuê đất vào giá thành sản xuất lúa?

Theo tôi, khi đã thuê đất thì có nghĩa là anh đã đi làm kinh doanh rồi nên không tính cái đó, mà chỉ tính cho nông dân (sản xuất trên chính đất của mình-PV).

Việc nông dân đi thuê đất sản xuất là một nhu cầu và cũng là điều rất tốt, nhưng lại không được tính chi phí thuê đất vào giá thành sản xuất lúa gạo, phải chăng là chưa tính đúng tính đủ gây thiệt cho người trồng lúa?

Không! Cái đó anh kinh doanh anh phải tự tính, nếu anh thuê đất thì phải tự tính làm cho có hiệu quả, không thì đừng thuê. Còn bản thân nông dân sản xuất trên mảnh ruộng người ta thì mình tính trên mảnh ruộng người ta thôi. Số đi thuê đất để trồng lúa không đáng kể nên cũng không đưa vào để tính, vì không hợp lý.

Khi DN được Chính phủ hỗ trợ lãi suất, lẽ ra phải nâng giá thu mua cho bà con nông dân lên cao hơn giá hiện nay chứ, thưa ông?

Thực ra giá như thế đã là cao, và chúng tôi cũng đã làm nhiều động thái để cho giá lên, nhưng do lúa chất lượng thấp trên thị trường nhiều quá không bán được, nên không thể mua giá cao hơn. Năm ngoái bán giá trên 6.000 đồng/kg, năm nay bán 5.000 đồng/kg, người nông dân kêu lỗ, nhưng thực chất không lỗ mà chỉ không lời nhiều và không lời bằng năm 2011.

Thưa ông, mục tiêu của Chính phủ hỗ trợ vốn (lãi suất 0%) cho DN mua tạm trữ là nhằm trợ giá lúa cho nông dân, nhưng thực tế chỉ DN và hàng xáo được lời?

Nếu không hỗ trợ vốn thì DN đâu dám mua tạm trữ mà chỉ xuất tới đâu mua tới đó, vì chỉ cần trữ 3 tháng với lãi suất như hiện nay thì DN “chết”, trong lúc lượng lúa mùa cao điểm từ 15-3 đến 15-4 này rất dồn dập. Nếu không mua là rớt giá sâu. Thật lòng DN không bao giờ muốn tạm trữ bởi nó cũng có rủi ro. Sau một thời gian tạm trữ, hên thì giá thị trường tốt, còn không hên, bán lỗ thì tự chịu, mà lại mang tiếng nữa. Cho nên tâm lý là DN không muốn tạm trữ, và không muốn hưởng lợi từ nguồn vốn chính sách. Năm rồi VFA tự điều hành tạm trữ, không cần hỗ trợ lãi suất từ Chính phủ, còn năm nay lãi suất ngân hàng quá cao, không thể bù đắp nổi nên mới nhận hỗ trợ từ Chính phủ. Sắp tới Hiệp hội với các DN thành viên là cố gắng tự giải quyết trong hiệp hội, đừng xin Chính phủ vì Chính phủ cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Cám ơn ông.

 

Chỉ DN và thương lái được lợi

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho rằng, việc Bộ Tài chính tính giá thành lúa vụ Đông Xuân 2012 ở ĐBSCL chỉ 3.400 đồng/kg, dựa trên những chỉ số ở mức trung bình thấp, chưa có lợi cho bà con nông dân. Tính toán thực tế ở các địa phương, nó phải dao động ở giữa 3.400-3.800 đồng/kg mới phù hợp.

Với cách tính đó, giá lúa mua tạm trữ của nông dân chỉ 4.400 đồng/kg vẫn có chút lãi, nhưng không đảm bảo được mức lãi 30%. Và như vậy, nếu cứ tính toán, và cách thu mua như hiện này, thì tiền hỗ trợ lãi suất 3 tháng của nhà nước, doanh nghiệp, thương lái mới là người hưởng lợi, chứ không phải nông dân.

Theo ông Ngọc, chi phí thuê ruộng là chi phí hợp lý, cần phải đưa vào tính toán trong giá thành. Vì hiện nông dân nhiều nơi đang không có ruộng, phải đi thuê ruộng của người khác để canh tác.

Phạm Anh

 

Đại Dương