Mức thu nhập tại các xã nông thôn mới tăng mạnh
- Thứ năm - 05/02/2015 23:11
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều chương trình hỗ trợ sản xuất
Theo ông Hà Văn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Phó Ban chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM tỉnh: Việc hỗ trợ sản xuất giúp nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các địa phương quan tâm, triển khai thường xuyên. Hàng năm, các huyện và TP. Bà Rịa đều xây dựng kế hoạch triển khai các mô hình, dự án phát triển nông nghiệp. Hiện nay, nhiều xã đang xây dựng NTM đã triển khai xong các dự án phát triển sản xuất dựa trên tiềm năng và lợi thế của từng địa phương như: trồng nhãn, mãng cầu chuyên canh, thanh long ruột đỏ… tại huyện Xuyên Mộc; sản xuất tiêu sạch, chăn nuôi an toàn sinh học trên địa bàn huyện Châu Đức... Trong đó, đặc biệt hỗ trợ vốn, kỹ thuật, giống cho mô hình tại xã NTM để bà con tham quan, học hỏi và áp dụng vào sản xuất.
Theo ông Lê Tuấn Quốc, Giám đốc Sở NN-PTNT, để chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, UBND các xã đã phối hợp với cơ quan chức năng, DN khoa học công nghệ mở lớp tập huấn và chuyển giao kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi. Cùng với đó, chính quyền địa phương còn lựa chọn đầu tư mô hình trình diễn tại một số hộ dân. Theo báo cáo của UBND xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ), thực hiện tiêu chí tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM, ngoài ngành chăn nuôi truyền thống, xã đã đẩy mạnh phát triển các loại cây lương thực, cây công nghiệp và nghề nuôi cá nước ngọt… UBND xã đã phối hợp với các ngành triển khai nhiều lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn giúp nông dân mở rộng sản xuất.
Theo ông Nguyễn Kim Hải, Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc (xã đạt chuẩn NTM năm 2014), nhờ sự hỗ trợ của của cơ quan chức năng và tham gia nhiệt tình của bà con nông dân, hiện Bưng Riềng đã thành lập được 3 tổ hợp tác và 1 HTX Hưng Thịnh với vốn điều lệ 1,2 tỷ đồng và bước đầu đã có 30 hộ dân tham gia. Nhìn chung, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ hợp tác và HTX đều đạt hiệu quả và có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
“Quả ngọt” từ xây dựng NTM
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, thu nhập bình quân đầu người ở 6 xã điểm đã được công nhận xã NTM năm 2014 đạt 34,31 triệu đồng/ người/ năm, tăng trung bình 19,6 triệu đồng so với năm 2010; đối với 21 xã xây dựng NTM giai đoạn 2013-2015, mức thu nhập bình quân đầu người/năm là 29,1 triệu đồng, tăng 13,9 triệu đồng so với khi chưa xây dựng NTM. Đến nay có 14/21 xã có mức thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Về hình thức tổ chức sản xuất, trên địa bàn tỉnh có 41 HTX và 287 tổ hợp tác tại khu vực nông thôn hoạt động có hiệu quả. “Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên trong quá trình xây dựng NTM, năng suất lao động và sản phẩm giá trị hàng hóa của địa phương có những chuyến biến tích cực: Cây khoai mì năng suất từ 23 tấn đã lên 24,5 tấn/ha, cây tiêu từ 1,5 tấn lên 3 tấn/ha…”, ông Nguyễn Kim Hải, Chủ tịch UBND xã Bưng Riềng cho biết.
“Thực hiện tiêu chí tăng thu nhập và để giữ vững tăng mức thu nhập tại các xã thuần nông, Sở NN-PTNT đang thực hiện đề án “Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế hộ trong nông nghiệp giai đoạn 2015-2020” nhằm nâng cao kinh tế của các hộ dân trong xã xây dựng NTM”- ông Lê Tuấn Quốc cho biết. Theo đó, Sở NN-PTNT đang từng bước làm thay đổi tập quán, nâng cao hiệu quả, năng suất, hướng tới sản xuất hàng hóa tập trung và mở rộng các ngành nghề cho người nông dân. Bên cạnh đó, yếu tố thị trường bao tiêu sản phẩm cho người nông dân cũng được quan tâm để hình thành những khu vực sản xuất chuyên canh, tập trung theo tiêu chuẩn an toàn.
Theo: baobariavungtau.com.vn