Muốn XDNTM thành công phải phát huy nội lực
- Thứ tư - 17/07/2013 21:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Sơn La là tỉnh biên giới vùng cao, có 250km đường biên giới giáp với nước bạn Lào, dân số khoảng 1,12 triệu người, với 12 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 82%, trình độ dân trí còn hạn chế. Hiện toàn tỉnh vẫn còn 1.105 bản (chiếm 35%), 90 xã (chiếm 47%) thuộc diện đặc biệt khó khăn; 5/11 huyện, thành phố (45%) thuộc diện nghèo. Năm 2012, thu nhập bình quân toàn tỉnh đạt 10,058 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 31,9%, riêng khu vực nông thôn khoảng 35%.
Theo rà soát, sau gần 3 năm thực hiện XDNTM, toàn tỉnh vẫn còn 4 tiêu chí chưa có xã nào đạt; 14 xã chưa đạt tiêu chí nào; xã đạt cao nhất mới được 10/19 tiêu chí. Điều đó cho thấy, Sơn La đang gặp nhiều khó khăn khi bắt tay thực hiện chương trình này. Đó không chỉ là khó khăn khi diện tích đất tự nhiên lớn, địa hình chia cắt phức tạp, diện tích núi cao đất dốc chiếm trên 80%; khó khăn bởi kết cấu hạ tầng lạc hậu, nhất là giao thông, dẫn đến chi phí đầu tư xây dựng lớn..., mà còn là những khó khăn về cơ chế, chính sách.
Thực tế thấy, hiện có nhiều chính sách, chương trình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn song chưa được lồng ghép, gắn kết để đạt hiệu quả cao nhất. Nhu cầu vốn để XDNTM rất lớn, khoảng 450 tỷ đồng/xã, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn, chủ yếu phải dựa vào ngân sách Trung ương (chiếm trên 75%). Tuy nhiên, nguồn vốn từ Trung ương phân bổ về địa phương chậm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thực hiện.
Ngoài ra, do trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, tỉnh lại chưa có cán bộ chuyên trách về NTM nên trong quá trình triển khai gặp không ít lúng túng, trở ngại.
Sau 3 năm thực hiện XDNTM, Sơn La đã đạt được những kết quả cơ bản nào, thưa ông?
Tính đến 30/6/2013, toàn tỉnh đã có 177/188 xã lập quy hoạch, đạt 94%; 57/188 xã lập xong đề án, đạt 30%. Trong xây dựng cơ bản, nhiều công trình đang từng bước được nâng cấp, xây dựng. Đến nay, tỉnh đã nhựa hóa, bê-tông hóa được 1.826,99km đường giao thông nông thôn; xây mới và nâng cấp 71 công trình thủy lợi; kiên cố hóa 43,7km kênh mương; hỗ trợ hộ nghèo xóa 11.500 nhà tạm... 100% số xã trên địa bàn đã có trạm y tế, trong đó 37% số trạm đạt chuẩn quốc gia (70 xã); 100% xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi... Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2012 của tỉnh còn 28,7%, giảm 3,2% so với năm trước.
Từ các chương trình lồng ghép như 30a, 135, khuyến nông, 661…, Sơn La đã đầu tư, hỗ trợ trồng được 8.606ha rừng tập trung; trồng mới 6.755ha cao su; xây dựng 261 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, trong đó hỗ trợ bà con 320 tấn giống ngô, lúa; 453.000 cây ăn quả các loại; 15.622 giống vật nuôi (trâu, bò, lợn, dê); 15.000 con gia cầm; 1.000.000 giống thủy sản; 2.106 tấn vật tư phân bón.
Sơn La đã có 2 xã đạt từ 9-10 tiêu chí, 21 xã đạt 5-8 tiêu chí, 165 xã khó khăn đạt dưới 5 tiêu chí. Tổng hợp số xã đạt theo từng tiêu chí thì quy hoạch có 177 xã đạt (chiếm 94%), an ninh trật tự 114 xã (60,6%), 13 tiêu chí có dưới 50% xã đạt, 4 tiêu chí chưa có xã nào đạt (giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường).
Đặc biệt, tại 11 xã điểm của tỉnh, hầu hết cấp ủy, chính quyền địa phương đã ý thức được trách nhiệm của mình, nhân dân đã hiểu và bước đầu tham gia hưởng ứng. Thông qua hoạt động của xã điểm đã giúp Ban chỉ đạo tỉnh, huyện rút kinh nghiệm trong việc chỉ đạo cũng như nhân rộng mô hình đến các xã khác.
Trước những khó khăn như vậy, xin ông cho biết, Sơn La đã có những giải pháp nào để tháo gỡ?
Thời gian tới, Sơn La sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kết hợp phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức XDNTM”, đặc biệt là phát huy truyền thống tự lực tự cường của nhân dân, huy động tốt các nguồn lực nội tại cho XDNTM theo tinh thần “dân thực hiện, dân hưởng lợi”.
Cùng với đó, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở để có đủ trình độ, năng lực tổ chức thực hiện XDNTM; tranh thủ tối đa và sử dụng tốt các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương; đẩy mạnh huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước, có chính sách thu hút, mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, tổ chức tín dụng, nguồn vốn ODA, FDI..., kết hợp tốt với các nguồn lực trong dân để thực hiện.
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tại các xã điểm để từ đó rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng cách làm đến các xã trong tỉnh; đẩy mạnh thực hiện các chính sách đảm bảo an sinh xã hội như xoá đói, giảm nghèo; trợ giúp phát triển hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ lãi suất tín dụng; dạy nghề... nhằm tạo điều kiện cho người nghèo tự chủ trong quá trình sản xuất, xoá đói giảm nghèo bền vững.
Theo ông, để công cuộc XDNTM sớm về đích và mang tính bền vững, điều kiện cần và đủ là gì?
Trước hết phải huy động được nội lực từ nhân dân, đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, xóa nghèo bền vững. Các tầng lớp dân cư nông thôn phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình là chủ thể của chương trình, để từ đó nhiệt tình tham gia.
Ngoài ra, cũng cần sự quan tâm lãnh đạo của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã phải xác định được nhiệm vụ XDNTM là công tác trọng tâm trong lãnh đạo, điều hành, cần khắc phục tâm lý trông chờ ỷ lại, đồng thời, với tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La, rất cần sự quan tâm hỗ trợ về vốn của Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp…
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Văn
Nguồn:kinhtenonghton.com.vn