Muốn xuất khẩu thịt heo, phải xây dựng vùng an toàn dịch bệnh
- Thứ bảy - 21/10/2017 09:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bên lề diễn đàn “Xúc tiến xuất khẩu thịt lợn Việt Nam” diễn ra ngày 20-10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám cho hay, cơ hội để sản phẩm chăn nuôi trong nước xuất khẩu là rất lớn.
Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước trong khu vực. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang trong quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành bằng cách ứng dụng khoa học công nghệ, đảm bảo an toàn dịch bệnh, sản xuất sản phẩm chăn nuôi an toàn.
Trước mắt, Việt Nam sẽ nhắm tới các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA, với các sản phẩm lần lượt là chăn nuôi, chế biến, sau đó mới đến đông lạnh và tươi sống. Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, để xuất khẩu được sản phẩm thịt heo đông lạnh và tươi sống đòi hỏi phải có vùng an toàn dịch bệnh, đặc biệt là kiểm soát được dịch lở mồm long móng.
Ông Gabor Fluit, Tổng giám đốc châu Á của Tập đoàn De Heus (đơn vị tham gia vào một khâu trong chuỗi chăn nuôi heo, đồng thời đóng vai trò là tư vấn kỹ thuật cho nhiều công ty chăn nuôi và chế biến heo của Việt Nam), cho rằng còn rất nhiều việc phải làm để có thể xuất khẩu được thịt heo, trong đó có việc xây dựng cơ sở hạ tầng và vùng an toàn dịch bệnh. Nếu làm được, có thể trong năm 2018, lô heo đầu tiên sẽ được xuất khẩu. Những nước như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc đều có thể là thị trường nhập khẩu thịt heo lớn của Việt Nam.
Dù Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu nông sản lớn, trên 30 tỉ đô la Mỹ mỗi năm, có trên 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tỉ đô la nhưng ngành chăn nuôi lại có kim ngạch xuất khẩu rất khiêm tốn. Theo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, Việt Nam hiện mới chỉ có tám cơ sở xuất khẩu sản phẩm thịt heo đông lạnh sang một số thị trường (sáu cơ sở giết mổ heo sữa, heo choai xuất khẩu sang Hồng Kông-Trung Quốc; 2 cơ sở giết mổ heo sữa xuất khẩu sang Malaysia, khoảng 20.000 tấn/năm). Các cơ sở này đều có công suất nhỏ và mới đáp ứng các yêu cầu của Hồng Kông và Malaysia. Còn sản phẩm chế biến từ thịt heo (ruốc thịt, giò chả) thì xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc, Hồng Kông, Ma Cao.
Cục Thú y đang hỗ trợ kỹ thuật cho một số công ty, như Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Biển Đông, Công ty cổ phần tập đoàn DABACO, Công ty cổ phần Thực phẩm CJ Cầu Tre hoàn thành các đề án để sớm đàm phán xuất khẩu thịt heo, thịt gà và các sản phẩm thịt chế biến sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga.
Ông Vũ Trọng Nghĩa, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Đầu tư Biển Đông, cho biết Biển Đông đã đầu tư hai cơ sở chăn nuôi heo an toàn tại Nam Định. Đồng thời, công ty đã liên kết với Trung tâm giống vật nuôi chất lượng cao của Học viện Nông nghiệp Việt Nam để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật giống heo và quy trình chăn nuôi vào sản xuất.
Theo ông Nghĩa, điều quan trọng nhất để xuất khẩu được thịt heo là xây dựng vùng chăn nuôi an toàn. “Năm ngoái Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xây dựng thí điểm vùng an toàn dịch bệnh tại Thái Bình và Nam Định nhưng chưa làm được vì đòi hỏi kinh phí lớn. Nhưng vừa rồi đối tác Nhật đồng ý vùng an toàn dịch bệnh có thể tính từ trung tâm nhà máy ra tới bán kính 15-20 ki lô mét”, ông Nghĩa nói và cho biết sắp tới công ty ông sẽ làm theo hướng này.
http://www.thesaigontimes.vn