NÔNG THÔN MỚI VÀ “ĐẤT LỀ QUÊ THÓI”
- Chủ nhật - 11/10/2015 10:48
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Người nông dân ở các vùng này có trình độ, kỹ năng và kỷ luật lao động giống như những công nhân trong nhà máy. Họ phải lao động, sản xuất theo những quy trình nghiêm ngặt để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhờ đó, mức thu nhập, đời sống kinh tế của hàng nghìn hộ dân trong vùng NTM không hề thua kém những đối tượng có thu nhập cao ở thành phố.
Chương trình xây dựng NTM đã cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, hoàn thành việc xóa đói, đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo. Bộ mặt kinh tế xã hội nông thôn ngày càng khởi sắc. Sự phát triển nhanh chóng và đồng bộ về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông làm cho khoảng cách giữa các thôn, ấp, xã, vùng… xích lại gần nhau hơn. Đạt được những kết quả như vậy thực sự là bước nhảy vọt về chiến lược nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Ảnh minh họa/Hoàng Hà. |
Hiệu quả của Chương trình xây dựng NTM và tốc độ đô thị hóa khiến đời sống văn hóa ở thôn quê không còn mang tính khu biệt như trước đây. Phong tục tập quán ở từng vùng, từng địa phương ngày càng chịu tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình giao thoa, tiếp biến. Nền nếp gia phong, đất lề quê thói… những đặc trưng văn hóa truyền thống cùng nhiều giá trị văn hóa phi vật thể đứng trước nguy cơ mai một. Chúng ta vui mừng vì bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống bà con ngày càng được nâng cao nhưng cũng không thể không lo ngại trước thực trạng suy thoái văn hóa đạo đức ở một bộ phận nông dân, nhất là lớp trẻ. Hằng ngày đọc báo, xem truyền hình, chứng kiến những tệ nạn xã hội, những vụ án mạng đau lòng từ nông dân, nông thôn khiến bất cứ ai có lương tâm, trách nhiệm cũng phải giật mình. Đua xe, cờ bạc, mại dâm, trộm cướp, án mạng… dường như đang diễn ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng. Thực trạng đó là mặt trái của quá trình phát triển kinh tế, nhưng không thể coi đó là hệ quả mà chúng ta phải đánh đổi khi tập trung phát triển kinh tế.
Phát triển kinh tế xã hội phải gắn liền với củng cố, chấn hưng văn hóa đạo đức; cải thiện đời sống vật chất phải đi liền với vun đắp tình làng nghĩa xóm, nền nếp gia phong. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, là mục tiêu tiến hành song song với phát triển kinh tế. Đó là định hướng lớn của Đảng, được thể hiện đầy đủ và sâu sắc trong các Nghị quyết về văn hóa; nhất là Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết Trung ương IX (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Bộ tiêu chí quốc gia về NTM là những mục tiêu mang tính định lượng để làm cơ sở đánh giá tiến độ, hiệu quả thực hiện chương trình NTM ở từng địa phương. Những yếu tố về văn hóa đạo đức, dù không thể cân đong đo đếm bằng những con số, dữ liệu, nhưng nó lại giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm cho NTM phát triển ổn định, bền vững. Văn hóa đạo đức ở từng địa phương, từng gia đình không phải là những điều chung chung mà chính là những giá trị “đất lề quê thói”. Củng cố, chấn hưng văn hóa đạo đức cho nông dân, nông thôn phải bắt đầu từ việc khôi phục, gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp truyền thống của phong tục tập quán, nền nếp gia phong. Quá trình phấn đấu để đạt các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia cũng chính là quá trình các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng đến công tác giáo dục, chăm lo củng cố những giá trị văn hóa đạo đức đặc trưng của địa phương mình, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội và thời đại.
Theo QĐND