NTM Mường Chanh (Thanh Hóa): Ưu tiên giải “bài toán” khó nhất
- Thứ sáu - 24/03/2017 10:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ưu tiên giải “bài toán” khó nhất
Trò chuyện với chúng tôi, ông Triệu Minh Xiết - Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết, đường lên xã Mường Chanh giờ rất dễ đi. “Ngày trước khổ lắm, chỉ cần một trận mưa lớn là mọi liên lạc, lưu thông bị cắt đứt. Nhờ triển khai mạnh mẽ chương trình xây dựng NTM mà khu vực trung tâm xã đã phát triển không kém gì dưới huyện” - ông Xiết bộc bạch.
Năm 2015, có 10 hộ dân thuộc diện nghèo của bản Na Hin, xã Mường Chanh được cấp giống vịt bầu cánh trắng để chăn nuôi, phát triển kinh tế. Ảnh: Sở NNPTNT Thanh Hóa
Đến nay, xã Mường Chanh đã hoàn thành 9 tiêu chí xây dựng NTM. Mặc dù khó khăn vẫn còn chồng chất như núi, nhưng xã đã hạ quyết tâm tuyên truyền để dân hiểu, dân thông và ủng hộ tích cực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng xã điểm, phấn đấu không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh”. Ông Triệu Minh Xiết |
Theo ông Xiết, Mường Chanh có 9 bản nằm dọc biên giới giáp với nước bạn Lào, người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú, Mường… Với đặc điểm của một xã vùng biên, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, lại cách xa với trung tâm huyện, xuất phát điểm thấp nên Mường Chanh khó khăn đủ bề. Trước tình hình đó, lãnh đạo xã Mường Chanh xác định phải nhanh chóng tìm giải pháp nâng cao mức thu nhập của người dân. Ngoài tổ chức khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất trồng lúa hiện có, xã Mường Chanh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn; hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp.
Đơn cử như năm 2013, xã đã triển khai dự án khuyến nông chăn nuôi bò sinh sản và vịt đẻ trứng tại bản Lách với tổng kinh phí 190 triệu đồng. Đến nay, 2 mô hình đang phát triển rất tốt và đã được bà con nhân rộng, đặc biệt là mô hình nuôi vịt đẻ. Ngoài ra, xã cũng tích cực khuyến khích bà con đưa các giống ngô mới có năng suất cao vào gieo trồng như LVN10, CP888, hay các loại cây màu như khoai, sắn… Các mô hình này chính là “cú hích” thúc đẩy nhân dân nâng cao trình độ, hăng hái thi đua phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Nếu năm 2011, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 9,4 triệu đồng/người/năm thì hết năm 2015 đã đạt 16,1 triệu đồng.
Hết thời đợi chờ gạo cứu đói
Có mặt tại bản Piềng Tặt, chúng tôi gặp anh Lò Văn Ún - Bí thư Chi bộ bản Piềng Tặt. Anh Ún kể: “Năm 2012, Đảng ủy, chính quyền và nhân dân xã Mường Chanh vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm. Được sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các mô hình sản xuất và hướng dẫn của các cán bộ khuyến nông, bà con trong bản đã biết chăn nuôi gia súc, gia cầm có kiểm soát, trồng rừng, hạn chế đốt nương làm rẫy”.
Là cán bộ bản, song anh Ún cũng là người tiên phong trong phát triển kinh tế hộ với mô hình vườn, ao, chuồng kết hợp trồng rừng. “Thời người dân Mường Chanh phải trông chờ gạo cứu đói qua rồi. Bây giờ trong xã không còn hộ bị đói” – ông Vi Văn Hiện – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết.
Song song với giải quyết bài toán thu nhập cho người dân, bằng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, xã đã đầu tư 75 tỷ đồng để xây mới 5 công trình nước sinh hoạt tập trung, cải tạo nâng cấp 4 đập dâng, kênh tưới đáp ứng nguồn nước cho 80ha đất nông nghiệp. Mường Chanh cũng đầu tư làm mới 4 tuyến đường giao thông nông thôn, bê tông hoá 14 tuyến giao thông trong các bản; xây mới 3 nhà văn hóa bản...