NTM Phú Thọ: Ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa
- Thứ hai - 31/10/2016 20:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để XDNTM bền vững, tỉnh Phú Thọ đã có những chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, xin ông cho biết hiệu quả của những chính sách này trong thực tiễn?
Triển khai XDNTM, tỉnh Phú Thọ đã ban hành chính sách hỗ trợ các chương trình nông nghiệp trọng điểm, trong đó khuyến khích phát triển các cây con chủ lực như: Cây lương thực, chè, cây ăn quả, chăn nuôi bò thịt, nuôi thủy sản thâm canh, phát triển rừng sản xuất, phát triển nông nghiệp cận đô thị. Tỉnh cũng ban hành chính sách hỗ trợ cơ giới hóa; chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất ngô vụ đông; hỗ trợ cung ứng phân bón chậm trả; chính sách hỗ trợ các hoạt động để phát triển sản xuất và dịch vụ nông thôn trên địa bàn xã thuộc Chương trình XDNTM. Ngoài ra còn phải kể tới một số chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện lồng ghép các chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương như: vay vốn tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phát triển sản xuất chương trình 30a, chương trình 135; hỗ trợ khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp... Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu, tiêu chí về XDNTM trên địa bàn tỉnh.
Mô hình phát kinh tế vườn của nông dân huyện Thanh Sơn Phú Tho đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. ảnh: T.l
Xin ông cho một vài nhận định về hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa của địa phương?
Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã tạo nền tảng để xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung. Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất giá trị gia tăng gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Đối với lĩnh vực trồng trọt đã hình thành và phát triển các mô hình sản xuất chè an toàn, chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ với phương thức sản xuất hàng hóa. Tỉnh cũng đã xây dựng thành công mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật mới đối với cây bưởi Đoan Hùng với tổng diện tích 772 ha, cho thu nhập bình quân từ 200-500 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, các mô hình sản xuất lúa, rau màu với quy mô hàng hóa gắn với mô hình cánh đồng mẫu lớn cũng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh còn hình thành 126 trang trại chăn nuôi. Nghề nuôi thâm canh cá lồng theo hướng sản xuất hàng hóa trên sông và hồ chứa cũng phát triển mạnh mẽ, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân.
Từ các mô hình này, tỉnh Phú Thọ có những định hướng nào trong phát triển sản xuất theo lộ trình của đề án tái cơ cấu nông nghiệp?
Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, giai đoạn 2016 – 2020, Sở NNPTNT đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng tái cơ cấu, trong đó xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực (lúa, chè, bưởi, rau an toàn, bò thịt, lợn, gà thịt, thủy sản,...) và quy hoạch các vùng sản xuất tập trung nhằm xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững. Sản xuất hàng hoá lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Từ đó, tăng nhanh thu nhập và mức sống của người lao động ở nông thôn.
Phát triển kinh tế trang trại tại Phú Thọ đang giúp người dân phát triển kinh tế, làm giàu. ảnh: T.L
Theo ông, các mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực sự phát huy hiệu quả và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, hiệu quả và bền vững?
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp cho hiệu quả kinh tế khá cao, như: Mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng lúa theo hướng liền vùng, cùng trà, cùng giống gắn với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5 - 15 triệu đồng/ha. Hay mô hình liên kết sản xuất giống ngô lai F1 (xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao) trên diện tích đất 2 lúa với quy mô diện tích 70 - 80 ha/vụ, thu lãi 40 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh đã có 463 ha chè gắn sản xuất với chế biến cho lợi nhuận 20 triệu đồng/ha. Sản xuất rau củ, chăn nuôi trang trại cũng có sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
Những mô hình liên kết này bước đầu có hiệu quả, là cơ sở và tiền đề để triển khai mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao. Liên kết trong sản xuất lỏng lẻo, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn ít.
Vậy theo ông, cần phải thực hiện giải pháp gì để nhân rộng những mô hình này?
Thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, phát triển các mô hình liên kết sản xuất, đẩy mạnh việc chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp có tiềm lực, có công nghệ cao. Chuyển đổi mạnh mẽ các Hợp tác xã kiểu mới hoạt động theo Luật Hợp tác xã. Nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết. Tỉnh cũng phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch cụ thể phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực. Các địa phương xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực trên địa bàn, xây dựng kế hoạch sản xuất hàng năm. Công tác dồn điền đổi thửa, đầu tư hạ tầng nông nghiệp, chuyển giao khoa học công nghệ cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền tiếp tục triển khai rộng rãi, giúp cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hiểu, biết, tiếp cận các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh. Tỉnh cũng sẽ thực hiện hiệu quả cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020. Các nguồn lực sẽ được phân bổ hợp lý để tập trung đầu tư, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Xin cảm ơn ông!