Na Rì huy động sức dân xây dựng nông thôn mới

Na Rì huy động sức dân xây dựng nông thôn mới
Xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể và toàn diện. Bên cạnh sự lãnh đạo, đầu tư của Nhà nước thì việc phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân là hết sức quan trọng. Ghi nhận tại một số địa phương đi đầu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại huyện Na Rì cho thấy rõ điều đó.

Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết số 20/2013/NQ-HĐND ngày 29/7/2013 của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng nông thôn thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2013-2015 đã được các địa phương và đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đối với Na Rì, huyện chủ trương triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”- nhân dân được tham gia thảo luận, bàn bạc công khai dân chủ về các tiêu chí. Do đạt được sự đồng thuận cao nên nhiều người dân đã tự nguyện hiến đất, góp công sức, tiền của và vật liệu để xây dựng các công trình dân sinh, phúc lợi.

Đường bê tông nông thôn mới vào thôn Nà Đeng, xã Cường Lợi (Na Rì) được đầu tư, xây dựng với phương châm
Đường bê tông nông thôn mới vào thôn Nà Đeng, xã Cường Lợi (Na Rì) được đầu tư, xây dựng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".


Xã Cường Lợi có xuất phát điểm khá thuận lợi do đã được đầu tư từ nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Tuy vậy để thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền xã vẫn rất chú trọng tới việc tuyên tuyền, huy động sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Sau hơn 3 năm thực hiện, đến nay Cường Lợi đã đạt 13/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hiểu được lợi ích to lớn của chương trình nông thôn mới, hầu hết bà con đều sẵn sàng hiến đất hoặc tham gia đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội.


Năm 2014, dù không được cấp kinh phí tuyên truyền, song xã đã linh hoạt triển khai phổ biến về xây dựng nông thôn mới lồng ghép tại các cuộc họp thôn, sinh hoạt chi hội của các đoàn thể cho hơn 1.000 lượt người dân. Sau khi được nhà nước hỗ trợ gần 350 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, xã đã vận động người dân đóng góp đối ứng 149 triệu đồng để làm đường bê tông vào thôn Nà Đeng. Tiêu biểu trong việc hiến đất để làm đường là các hộ như: Hoàng Minh Toại, Nông Minh Trần, Nông Văn Cửu, Nông Văn Chí. Anh Nông Văn Tượng- một người dân ở thôn Nà Đeng cho hay: Biết nhà nước hỗ trợ làm đường bê tông vào thôn, bà con rất phấn khởi. Vì lợi ích chung, gia đình anh cũng như nhiều hộ khác đã tự nguyện hiến một phần đất để mở rộng đường thôn, không đòi hỏi quyền lợi gì. Bên cạnh việc cùng chính quyền xây dựng cơ sở hạ tầng, bà con trong xã còn tích cực tham dự các khóa tập huấn về khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Nhiều hộ dân đã đổi mới tư duy, năng động hơn trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Các mô hình sản xuất dịch vụ, đưa cây trồng và giống mới có giá trị kinh tế cao vào canh tác ngày một phổ biến. Bình quân lương thực của xã đạt 1.123kg/người/năm. Số hộ nghèo của Cường Lợi hiện chỉ còn 18/450 hộ (đạt tỷ lệ 4%, thấp nhất trong toàn huyện). Sắp tới, huyện phê duyệt kết quả về tiêu chí “Quy hoạch và phát triển theo quy hoạch” thì xã sẽ đạt 14/19 tiêu chí.


Tại xã Kim Lư, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới lại được địa phương triển khai với nhiều sáng tạo. Dù có xuất phát điểm thấp hơn so với xã Cường Lợi song đến nay xã đã đạt được 10 tiêu chí... Nằm ở phía đông, cách trung tâm huyện Na Rì 2km, xã Kim Lư có 597 hộ dân với hơn 2.600 nhân khẩu. Được huyện chọn làm điểm trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, cùng với sự đầu tư của nhà nước, cán bộ và nhân dân trong xã đã tích cực đổi mới bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống. Phát huy tốt vai trò của 17 chi bộ đảng, tính tiên phong gương mẫu của hơn 200 đảng viên và sự đồng thuận của nhân dân, Kim Lư đã tổ chức tốt việc vận động quyên góp xây dựng nhà làm việc của các đoàn thể; vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ xây dựng nhà cho hộ chính sách; vận động nhân dân đóng góp trang thiết bị hoạt động cho nhà họp thôn với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân”…


Các công trình đường nội thôn đều được người dân tự nguyện hiến đất, góp công của để xây dựng kiên cố. Tiêu biểu trong phong trào hiến đất để bê tông hóa đường thôn là các hộ như: Hoàng Mạnh Hùng, Hoàng Văn Mạ, Hoàng Thị Dương (thôn Đồng Tâm), Nguyễn Văn Luyến (thôn Pò Khiển)… Do dân cư phân tán, việc xử lý rác thải tập trung để đáp ứng tiêu chí về môi trường là khó khả thi. Xã đã có sáng kiến xây dựng bể chứa, xử lý rác quy mô hộ gia đình với chi phí thấp để bà con tham khảo và áp dụng. Với nhiều giải pháp tích cực, Kim Lư trở thành địa phương năng động trong phát triển kinh tế. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, bình quân lương thực của xã đạt 1.080kg/người/năm; kinh tế dịch vụ ngày một mở rộng… Tiêu biểu phong trào phát triển kinh tế có các hộ như: ông Triệu Công Mạo ở thôn Pò Khiển với mô hình trồng cây ăn quả; ông Trương Đức Danh ở thôn Phiêng Đức với mô hình thu mua, sơ chế nông sản; hộ ông Hoàng Đình Việt- thôn Đồng Tâm với mô hình trồng cam, quýt; HTX Đồng Tâm chuyên sơ chế, chế biến nông sản… Nếu như năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của xã là hơn 46%, thì nay chỉ còn 8,1% (đứng thứ 2 sau xã Cường Lợi). Đường làng, ngõ xóm được đầu tư xây dựng khang trang, công trình nước sạch được quản lý vận hành hiệu quả, bộ mặt nông thôn từng ngày đổi mới tích cực.


Từ kinh nghiệm triển khai xây dựng nông thôn mới tại 2 xã của Na Rì cho thấy, sự ủng hộ và vào cuộc của cộng đồng và người dân là hết sức quan trọng. Điều này giúp các địa phương có thêm nguồn lực để xã hội hóa, đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của nhà nước. Theo Văn phòng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh cho biết, hiện còn 3 tiêu chí gồm: Giao thông, Môi trường và Cơ sở vật chất văn hóa chưa có xã nào trong tỉnh đạt được. Đây là những nội dung vừa đòi hỏi đầu tư lớn về kinh phí, vừa cần sự hưởng ứng, ủng hộ của nhân dân. Do vậy những kinh nghiệm trong huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới tại các địa phương điển hình nói trên rất cần được nhân rộng./.

Theo: baobackan.org.vn