Năm 2015, Vĩnh Long đầu tư gần 1.110 tỷ đồng xây dựng cơ bản

Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long tập trung bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên 1.109 tỷ đồng ưu tiên cho 13 xã điểm nông thôn mới, các công trình trọng điểm, công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm. Đồng thời bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, các chương trình mục tiêu chống suy giảm kinh tế.


Ngay từ đầu năm, tỉnh chỉ đạo các ngành, các huyện, thành phố, thị xã thực hiện rà soát lại các quy hoạch dự án, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch dân cư và điều chỉnh, bổ sung các dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, tỉnh Vĩnh Long chỉ bố trí vốn khởi công mới 22 công trình bức xúc mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao và có đầy đủ thủ tục theo quy định như: khu tái định cư Hòa Phú, dự án trường chuẩn quốc gia tại các xã nông thôn mới; tập trung vốn đối ứng Trung ương để triển khai các công trình trọng điểm như: đê bao sông Cái Vồn (thị xã Bình Minh), Trại giống vật nuôi nông nghiệp, hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn các huyện Long Hồ, Tam Bình, Vũng Liêm với năng lực thiết kế phục vụ trên 2.000 ha. 

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục bố trí vốn cho các công trình chuyển tiếp trọng điểm đáp ứng tiến độ thi công, dự kiến hoàn thành trong năm như đường giao thông khu du lịch sinh thái xã Tân Ngãi - Trường An (thành phố Vĩnh Long), hệ thống xử lý nước thải khu công nghiệp Bình Minh… Cũng trong năm nay, tỉnh Vĩnh Long còn vay vốn 195 tỷ đồng bố trí cho các dự án giao thông, thủy lợi, văn hóa phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. 

Theo ông Trương Đặng Vĩnh Phúc, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long, năm nay tỉnh hạn chế tối đa việc khởi công mới các công trình dự án, chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách và đảm bảo các điều kiện như đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; dự án xác định rõ nguồn vốn phù hợp với nhiệm vụ chi và khả năng cân đối vốn của ngân sách tỉnh; có quyết định phê duyệt dự án và thẩm định nguồn vốn và hoàn thành các thủ tục đầu tư theo quy định. 

Đồng thời chỉ đạo các ngành, chủ đầu tư kết hợp với ngành tài chính xây dựng cơ cấu bố trí vốn hợp lý, đảm bảo ghi đủ kế hoạch vốn thanh toán khối lượng hoàn thành, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, trong đó ưu tiên bố trí chi phí đền bù giải tỏa dứt điểm tạo điều kiện triển khai thi công công trình đúng kế hoạch./. 
Theo vietnamplus.vn