Theo Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, năm 2019, Hà Nội sẽ huy động và sử dụng các nguồn lực hiệu quả ưu tiên đầu tư cho các xã đăng ký đạt chuẩn NTM để phấn đấu hoàn thành kế hoạch có từ 30 xã trở lên đạt chuẩn NTM; 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; thị xã Sơn Tây và 1 - 2 huyện đạt chuẩn NTM.
Ít nhất có 30 xã đạt chuẩn NTM
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội cho biết, năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao, trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu ngành gắn với XDNTM, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Để hoàn thành chỉ tiêu đề ra, Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo; quyết liệt, sâu sát cơ sở, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu đơn vị. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới, phát triển kinh tế hợp tác trong hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020. Phát triển sản xuất và chế biến nông, lâm, thủy sản tập trung; đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; tham mưu cơ chế, chính sách và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững, chất lượng có hiệu quả; nâng cao đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp Hà Nội...
Sở tiếp tục thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nhân dân giai đoạn 2016 - 2020”. Phấn đấu năm 2019 có thêm ít nhất 30 xã đạt chuẩn NTM; tập trung chỉ đạo những xã chưa đạt chuẩn hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở. Tăng cường công tác chỉ đạo về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi... Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn mới còn 1,8%.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về XDNTM; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở nông thôn trong sạch, vững mạnh; tiếp tục hướng dẫn các xã rà soát, điều chỉnh đề án XDNTM phù hợp với Bộ tiêu chí quốc gia; tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác XDNTM. Tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện Chương trình XDNTM.
Giữ vững vị thế dẫn đầu
Hết năm 2018, Hà Nội có 4 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức. Bốn huyện (Gia Lâm, Phúc Thọ, Thạch Thất và Quốc Oai) đăng ký đạt chuẩn NTM đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục để trình các cấp xem xét, công nhận.
Đối với xã NTM, thành phố có 325/386 xã đã đạt và đủ điều kiện đạt chuẩn NTM, về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra. Ngoài ra, Hà Nội còn có 3 xã Song Phượng, Đan Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đủ điều kiện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Năm 2018, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình XDNTM của Hà Nội đạt trên 11.396 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của nhân dân khoảng 541 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Thành ủy Hà Nội, từ năm 2016 đến nay, 12 quận đã chung tay, hỗ trợ các huyện XDNTM với tổng kinh phí trên 421 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các địa phương hoàn thiện các tiêu chí NTM.
Nhờ phát triển nông nghiệp và XDNTM, thu nhập bình quân khu vực nông thôn Hà Nội năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 1,81%.
Hà Nội hiện có 131 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 131 mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp.
Để giữ vững vị thế dẫn đầu cả nước về XDNTM, Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, nhiệm vụ quan trọng là công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Song song với đó, thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch, để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện Chương trình XDNTM.