Năm 2019, Mỏ Cày Bắc phấn đấu không có xã dưới 10 tiêu chí
- Thứ năm - 04/04/2019 18:56
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đó là mục tiêu mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) phấn đấu thực hiện trong xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2019.
Ông Lê Văn Sim, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Bắc cho biết, đến nay huyện Mỏ Cày Bắc đã có 3/13 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, sắp công nhận xã Thành An đạt chuẩn, 3 xã đạt 14 tiêu chí và các xã còn lại đạt từ 8-12 tiêu chí/xã. Cuối năm 2019, huyện phấn đấu có thêm 2-3 xã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại phấn đấu đạt từ 14 tiêu chí/xã trở lên.
Đường sá sạch đẹp tại các xã NTM của huyện Mỏ Cày Bắc |
Ông Sim cũng cho biết huyện Mỏ Cày Bắc là thuần nông, được tách ra từ huyện Mỏ Cày cách đây 10 năm, hiện nay huyện cũng chưa có đô thị. Nhân dân trong huyện sống chủ yếu bằng nghề nông với các lại cây trồng như dừa chiếm 9.400 ha/ khoảng 15.834 ha diện tích tự nhiên của huyện; bưởi da xanh xen dừa 1.200 ha. Bên cạnh đó, Mỏ Cày Bắc cũng có đàn vật nuôi lớn của tỉnh với khoảng 8.400 hộ chăn nuôi, đàn heo lớn thứ nhì của tỉnh Bến Tre với số lượng khoảng 121.000 con, đàn bò là 10.770 con, đàn gia cầm khoảng 1,1 triệu con,…
Thời gian qua, ngành nông nghiệp của huyện có những bước phát triển theo hướng tái cơ cấu, ổn định và phát triển bền vững. Trên cây dừa, hiện hay mỗi ha dừa dừa trồng chuyên chỉ cho thu nhập khoảng 36 triệu đồng, huyện vận động nhân dân đẩy mạnh theo hướng trồng xen bưởi da xanh, nuôi gà trong vườn dừa, nâng cao thu nhập của người nông dân. Mỗi ha dừa trồng xen nuôi xen cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng, hướng sắp tới ngành nông nghiệp Mỏ Cày Bắc phấn đấu lên 100 triệu đồng/ha.
Ghi nhận tại xã NTM Tân Phú Tây, ông Võ Văn Bình, Phó chủ tịch xã nói: “Nếu trước đây khi mới thành lập huyện, Tân Phú Tây là một xã nghèo nghề nông độc canh cây dừa thì nay bà con trong xã còn phát triển thêm nghề chăn nuôi gà nòi chuyên trứng, gà tre thả vườn,… mỗi mô hình cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Hiện đàn gà của xã có khoảng 150.00 con, với hơn 70 hộ chăn nuôi, quy mô chăn nuôi từ 2.000-3.000 con/đợt. Thu nhập của bà con tăng lên đáng kể. Cuối năm 2018, ước đạt 41,18 triệu đồng/người, năm nay xã phấn đấu nâng lên 45 triệu đồng/người. Hộ nghèo giảm còn 3,59%, người lao động trong độ tuổi có việc làm trên 98,8%,…Cũng cuối năm 2017, xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM, đem lại niềm vui phấn khởi trong nhân dân”.
Nói những nét thay đổi ngành nông nghiệp của huyện, ông Lê Văn Sim thông tin: “Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Mỏ Cày Bắc đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Nổi bật nhất là trong chăn nuôi, trước đây từ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật thì nay bà con đã chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi như nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, gà nòi chuyên trứng,..tỷ lệ nuôi đạt trên 90%, tỷ lệ lợi nhuận đạt trên 40%, nhiều mô hình cho thu nhập rất cao. Bên cạnh đó, bà con cũng chuyển đổi làm ăn theo theo hướng đẩy mạnh kinh tế tập thể, theo hướng liên kết trong chăn nuôi sản xuất. Hiện nay, các xã đều có HTX, THT làm ăn hiệu quả, nhất là HTX chuyên về chăn nuôi gà, cây giống, bưởi da xanh”.
Nuôi gà theo hướng an toàn sinh học là một trong những mô hình hiệu quả cao tại xã Tân Phú Tây |
Hộ ông Huỳnh Văn Hóa, xã Tân Phú Tây chia sẻ: “Hiện nay tôi tận dụng diện tích trống dưới vườn dừa nuôi 300 gà nòi chuyên trứng và hơn 7.000 con gà tre lấy thịt. Mỗi ngày gà mái đẻ khoảng 200 trứng, khoảng 3-3.5 tháng xuất bán một lứa gà tre. Lứa rồi tôi bán 2.000 con gà tre lãi được 19 triệu đồng. Còn trứng gà thì mỗi tháng trừ chi phí cũng thu nhập được khoảng 15 triệu đồng. Nuôi gà ở đây chúng tôi được đội ngũ thú y xã quan tâm, nhắc nhở tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh rất quyết liệt”.
Nhìn lại những đổi mới của huyện trong thời gian qua, ông Mai Hoàng Nhân Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc cho biết: “Kinh tế của huyện thời gian qua đã có những chuyển biến rõ rệt. Khu vực I từ trên 52% xuống còn 44%, khu vực II từ 12% tăng lên 21%. Thu nhập bình quân toàn huyện đến nay đạt 35,22 triệu đồng/người/năm xấp xỉ mức trung bình chung của tỉnh. |
Về giao thông nông thôn cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, thông thương của nhân dân. Các tuyến đường huyện, tỉnh, Quốc lộ qua địa bàn huyện được chú trọng đầu tư mở rộng nâng cấp và sửa chửa như tỉnh lộ 21, QL 57, 60. Các tuyến đường dân sinh, đường trục liên xã, liên ấp được nhựa hóa, bê tông hóa với chiều ngang từ 2,5-3,5 m.
Vấn đề việc làm là vấn đề huyện quan tâm đặt lên hàng đầu để nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian qua, huyện đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động, riêng năm 2018 là 2.467 lao động. Đưa tỷ lệ lao động có việc làm của huyện lên trên 90%, hộ nghèo đến cuối năm 2018 là 4,62% giảm 1,67% so đầu năm,…”.
Đạt được những kết quả phấn khởi như trên cũng theo ông Nhân công tác tuyên truyền được cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã quan tâm thực hiện. Qua đó nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân ngày càng được nâng lên. Phong trào xây dựng NTM ngày càng được đông đảo nhân dân hưởng ứng tích cực.
“Năm 2019, huyện Mỏ Cày Bắc phấn đấu số tiêu chí bình quân là 16 tiêu chí/xã, không có xã nào dưới 10 tiêu chí. Thu nhập bình quân đầu người tăng thêm 3-4 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo xuống mức dưới 4%, giải quyết mới trên 2.000 việc làm, nhân dân tham gia bảo hiểm đạt 88%, sử dụng nước sạch đạt 60%,…” Ông Mai Hoàng Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Mỏ Cày Bắc.
Theo Minh Đảm/nong nghiep.vn