Nam Bộ: Thắng vụ lúa đông xuân, chỉ đạo chặt chẽ, linh hoạt vụ hè thu
- Thứ sáu - 27/03/2020 21:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thắng lợi do tuân thủ khuyến cáo
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam bộ vụ ĐX 2019-2020 là 1.618.200 ha, giảm 68.500 ha, năng suất ước đạt 69,35 tạ/ha, tăng 2,05 tạ/ha, sản lượng ước đạt 11.222.000 tấn, giảm 129.800 tấn so với vụ ĐX 2018–2019.
ĐBSCL xuống giống 1.541.000 ha, giảm 63.000 ha, năng suất ước đạt 69,79 tạ/ha, tăng 2,01 tạ/ha. Sản lượng ước đạt 10.755.000 tấn, giảm 118.900 tấn. Vùng Đông Nam bộ xuống giống 77.000ha, giảm 5.250 ha, năng suất ước đạt 60,63 tạ/ha, tăng 2,56 tạ/ha, sản lượng đạt 467.120 tấn, giảm 10.780 tấn.
Theo Cục Trồng trọt, có được vụ ĐX thắng lợi toàn diện, nhờ xuống giống vụ ĐX 2019-2020 các tỉnh ĐBSCL triển khai thực hiện sớm hơn từ 20-30 ngày so với vụ ĐX năm trước. Thời tiết thuận lợi hơn giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, sâu bệnh ít, lúa lúc trổ gặp thời tiết tương đối thuận lợi không bị gặp mưa trái mùa, ngày nắng và đêm lạnh dẫn đến đậu hạt tốt và cho năng suất cao, phẩm chất gạo tốt.
Tuy diện tích lúa vùng này có giảm khoảng 63.000 ha, tương đương giảm 436.000 tấn, nhưng do năng suất tăng lên 1,24 tạ/ha đã bù đắp phần năng suất tăng thêm 200.000 tấn, nên chỉ còn giảm 236.000 tấn.
Bên cạnh đó chuyển đổi cây trồng trên đất lúa vụ ĐX ước đạt 41.230 ha, làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cho sản xuất lúa và làm giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, công lao động...
Góp phần vào vào thắng lợi vụ lúa ĐX 2019-2020, ĐBSCL có diện tích thực hiện cánh đồng lớn ước đạt khoảng 170.000ha, tăng 50.000 ha so với vụ ĐX 2018 – 2019. Cánh đồng lớn vẫn được duy trì và phát triển, diện tích hàng vụ ổn định theo sự hợp tác với các DN, nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp trong toàn diện tích sản xuất. Đối với những vùng đã có sự liên kết với DN thu mua mang lại hiệu quả gia tăng.
Vụ hè thu vẫn phải chủ động né hạn, mặn
Cục Trồng trọt cũng đưa ra lịch xuống vụ HT 2020, toàn vùng Nam bộ gieo sạ 1.627.500 ha, ước năng suất 56,41 tạ/ha, sản lượng 9.181.000 tấn. Trong đó, Đông Nam bộ gieo sạ 88.500 ha, năng suất 53 tạ/ha, sản lượng 469.000 tấn. Khu vực ĐBSCL gieo sạ gần 1.600.000 ha, năng suất 56,6 tạ/ha, sản lượng 8.712.000 tấn.
Theo thống kê tiến độ xuống giống lúa vụ HT 2020 đến ngày 20/3 ước đạt 305.000 ha, đạt 20% kế hoạch. Trong đó, tiến độ xuống giống trong tháng 2 sớm hơn cùng kỳ 40.000 ha do lúa ĐX gieo sớm thu hoạch xong xuống lại vụ HT.
Kế hoạch xuống giống vụ TĐ từ 20-30/11/2020 diện tích ước tính 650.000 ha. Từ 20-30/12/2020 diện tích xuống giống ước tính 600.000 ha. Ngoài ra, diện tích xuống giống giữa tháng 10 - 20/11 khoảng 300.000 ha và diện tích xuống giống trong tháng 1/2021 khoảng 50.000 ha. Để đảm bảo an toàn cho đợt xuống giống lúa tháng 11-12, khung thời vụ chung đề nghị trong toàn vùng kết thúc xuống giống lúa TĐ vào ngày 20/8, tối đa là 30/8/2020.
Sử dụng những giống lúa cho vụ TĐ cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá, vụ lúa ĐX ở Nam bộ năm nay đã vượt qua được tình hình hạn, mặn rất khốc liệt, đạt thắng lợi khá toàn diện, bảo vệ tốt được năng suất, sản lượng. Đó là kết quả từ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ và chính quyền các địa phương, sự tuân thủ khuyến cáo cơ cấu mùa vụ của bà con nông dân, với phương châm: “Chỉ đạo chặt chẽ, linh hoạt, thích ứng với tình hình thực tế”.
Từ rất sớm, đã có sự rà soát thời vụ, mùa vụ kịp thời, dự đoán những vùng có nguy cơ hạn, mặn và biện pháp khắc phục, nhất là biện pháp công trình. Điều chỉnh kế hoạch, lịch thời vụ gieo trồng lúa cho từng khu vực trong từng tỉnh, đẩy lên sớm nhất có thể để né hạn cuối vụ. Khuyến cáo sử dụng các giống lúa phù hợp thực tế sản xuất, nhu cầu thị trường, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, thích ứng với hạn, mặn. Nhận thức và kinh nghiệm của người dân về tuân thủ lịch thời vụ, sử dụng giống, thâm canh trong sản xuất ngày càng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn một tồn tại như chủ quan, xuống giống ngoài vùng quy hoạch, không theo khuyến cáo của nông dân ở một số địa phương, gây thiệt hại, với tổng diện tích khoảng 33.000 ha bị hạn, mặn, thiếu nước tưới, gây thiệt hại đến năng suất.
“Vụ HT vẫn phải tiếp tục các giải pháp đối phó, né hạn mặn. Vụ TĐ cần chú ý đề phòng nước lũ trong mùa nước nổi. Vụ Mùa trên nền đất nuôi tôm, đây là vụ lúa độc lập, riêng ở vùng ĐBSCL, cần tránh nước mặn xâm nhập sớm khi mùa mưa kết thức sớm”, ông Tùng lưu ý các giải phải cho các vụ lúa tiếp theo.
GS.TS Tăng Đức Thắng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho hay, chu kỳ hạn nặm ở ĐBSCL thông thường từ 10-20 năm mới lập lại một đợt khố liệt. Tuy nhiên, do việc xây dựng các hồ đập ở đầu nguồn, khiến cho dòng chảy trên dòng Mekong bị thiếu hụt. Xâm nhập mặn năm 2019-2020 nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt hạn, mặn lịch sử năm 2015-2016, thể hiện trên 2 chỉ số: Độ mặn xâm nhập vào tất cả các cửa sông chính của ĐBSCL đều vượt ngưỡng lớn nhất và thời gian xâm nhập mặn của năm nay gấp 2 lần so với năm 2015-2016. Vì vậy, không chỉ gây khó khăn cho sản xuất mà nhiều địa phương đang phải gồng mình lo cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Dự báo nguồn nước cho ĐBSCL từ nay đến cuối tháng 5 vẫn hết sức khó khăn. Về lũ năm 2020, dự báo là lũ nhỏ đến trung bình, thuận lợi cho sản xuất vụ TĐ.
Vụ HT khuyến cáo xuống giống trong tháng 3, 4 tập trung vùng phù sa ngọt sông Tiền, sông Hậu (Bắc QL I, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang) và vùng Đồng Tháp Mười (Long An, Đồng Tháp, An Giang), một phần Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang và An Giang), Cần Thơ, Hậu Giang…
Xuống giống trong tháng 5 tại các vùng sản xuất lúa ở phía Nam Quốc lộ I cách biển 70 km thuộc các tỉnh Vĩnh Long (Măng Thít, Vũng Liêm, Long Hồ, Trà Ôn), Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh (Cầu Kè, Càng Long).
Xuống giống khoảng nửa đầu tháng 6 khi có mưa, tại các vùng chịu ảnh hưởng nước trời ở khu vực ven biển đến 50 km thuộc các tỉnh Long An (phía Nam), Tiền Giang (phía Đông), Bến Tre (các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú), Trà Vinh (các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú) , Sóc Trăng (Long Phú, Trần Đề, Thạnh Trị, Ngã Năm), Bạc Liêu (Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai), Kiên Giang (Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên, U Minh Thượng) và Cà Mau.